Công văn 383/QLCL-CL1 hướng dẫn Quyết định 117/2008/QĐ-BNN về Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ban hành

Số hiệu 383/QLCL-CL1
Ngày ban hành 11/03/2009
Ngày có hiệu lực 11/03/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Người ký Trần Bích Nga
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 383/QLCL-CL1
V/v: hướng dẫn triển khai Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2009

 

Kính gửi:

- Sở NN & PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng.

 

Ngày 11/12/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN (gọi tắt là Quy chế 117). Quy chế này được đăng trên Công báo ngày 30/12/2008 và có hiệu lực thực hiện từ ngày 15/01/2009.

Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản hướng dẫn và đề nghị các đơn vị triển khai một số nội dung như sau:

1. Điều 3, Khoản 5: Sản phẩm thủy sản nguy cơ cao

Theo Điều 3, Khoản 5, Quy chế 117, sản phẩm thủy sản nguy cơ cao là sản phẩm thủy sản ăn liền hoặc sản phẩm thủy sản được sản xuất từ loài thủy sản có mối nguy gắn liền với loài. Theo đó, các sản phẩm thủy sản nguy cơ cao bao gồm: thủy sản sử dụng dạng ăn liền (không có xử lý đặc biệt nào trước khi sử dụng), thủy sản có gia nhiệt, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cá sinh histamin, thủy sản có độc tố tự nhiên và thủy sản nuôi.

Để có cơ sở công bố danh sách các sản phẩm thủy sản có nguy cơ cao theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 26, Cục yêu cầu các Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng căn cứ vào các loại sản phẩm đang triển khai kiểm tra chứng nhận chất lượng trên địa bàn và nguyên tắc nêu trên đề xuất danh mục sản phẩm thủy sản thuộc đối tượng nguy cơ cao gửi về Cục trước ngày 31/3/2009.

2. Điều 5: Cơ quan kiểm tra, công nhận

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm kiểm tra và công nhận các cơ sở nêu tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2, Quy chế 117 (cơ quan địa phương) và thông báo đến các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản được phân cấp quản lý trên địa bàn tỉnh, thành phố, đồng gửi về Cục và Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng để biết và phối hợp triển khai.

- Trong thời gian các Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Trung bộ, Nam bộ chưa chính thức hoạt động, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tạm thời giao cho các Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 1-6 thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm tra hồ sơ đăng ký gửi về Cục; tổ chức thực hiện kiểm tra định kỳ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở nêu tại Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Quy chế 117 và các hình thức kiểm tra khác khi có chỉ đạo bằng văn bản của Cục.

3. Điều 7: Cấp mã số

- Việc cấp mã số cho cơ sở chế biến độc lập được áp dụng cho từng loại hình sản xuất theo quy định tại Phụ lục 1, Quy chế 117. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều loại hình cơ sở sản xuất khác nhau (đông lạnh, đồ hộp …) nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một cơ sở sản xuất độc lập thì khi công nhận cơ sở chỉ được cấp một mã số cho một loại hình sản xuất.

- Căn cứ quy định tại Khoản 10, Điều 3, Quy chế 117, Cục đề nghị Trung tâm Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản vùng, cơ quan địa phương thống kê các cơ sở thuộc phạm vi được phân cấp quản lý chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một cơ sở sản xuất thủy sản độc lập nhưng đã được kiểm tra, công nhận và cấp mã số, đồng thời phổ biến cho các cơ sở biết thời hạn sử dụng mã số của các cơ sở không độc lập đã cấp đến hết ngày 31/12/2010 và chịu sự quản lý như đã nêu tại Khoản 2, Điều 7, Quy chế 117.

4. Điều 9: Đăng ký kiểm tra

- Trung tâm Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản thuộc đối tượng được phân cấp quản lý trên địa bàn lập hồ sơ đăng ký kiểm tra theo quy định tại Điều 9, Quy chế 117 và gửi về cơ quan kiểm tra chứng nhận theo phân cấp. Cơ quan kiểm tra, công nhận có trách nhiệm thông báo địa chỉ, email, fax, trang điện tử của đơn vị (nếu có) để các cơ sở sản xuất kinh doanh thuận lợi trong việc liên hệ.

- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu đề nghị bổ sung thông tin vào trong Mục 4, Phần II, Mẫu ĐKKTCN a.1, Phụ lục 2.a Quy chế 117 Giấy đăng ký kiểm tra về thời gian (số ngày) đã áp dụng chương trình quản lý chất lượng trong sản xuất chế biến theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 20, Quy chế 117.

- Trong thời gian các Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung bộ, Nam bộ chưa chính thức hoạt động, các Trung tâm Chất lượng vùng thông báo để các cơ sở nêu tại Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Quy chế 117 gửi hồ sơ đăng ký kiểm tra về Cục và Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng.

- Thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm của cơ sở:

+ Đối với các cơ sở lưu giữ, đóng gói thuỷ sản; cơ sở chế biến thủy sản yêu cầu cơ sở cung cấp kèm theo hồ sơ đăng ký kiểm tra gồm: Danh mục các cơ sở cung cấp nguyên liệu hoặc thông tin về xuất xứ nguyên liệu (vùng khai thác, nuôi trồng,…); hệ thống mã hóa và thiết lập mã số lô hàng trong đó có đủ thông tin về xuất xứ nguyên liệu, ngày sản xuất…; Thủ tục truy xuất nguồn gốc, thu hồi, triệu hồi sản phẩm khi có yêu cầu của cơ quan thẩm quyền hoặc có lô hàng bị phát hiện không đảm bảo an toàn vệ sinh.

+ Đối với cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản; cơ sở làm sạch và cung ứng nhuyễn thể 2 mảnh vỏ sống yêu cầu cung cấp kèm theo hồ sơ đăng ký kiểm tra gồm: danh mục các cơ sở cung cấp nguyên liệu (tên, địa chỉ người cung cấp nguyên liệu …), thông tin về xuất xứ nguyên liệu (vùng khai thác, nuôi trồng,…).

+ Đối với tàu cá yêu cầu cung cấp hồ sơ ghi chép xuất xứ vùng khai thác, thời gian bảo quản trên tàu cho đoàn kiểm tra tại hiện trường.

+ Cảng cá, chợ cá yêu cầu cung cấp hồ sơ ghi chép theo dõi các cơ sở thu mua, sơ chế … hoạt động tại cảng, các tàu cá bốc dỡ tại cảng cung cấp cho đoàn kiểm tra tại hiện trường.

5. Điều 12: Biên bản kiểm tra; Khoản 2, Điều 11: Nội dung, phương pháp kiểm tra; Khoản 4, Điều 13: Xếp loại điều kiện đảm bảo VSATTP của cơ sở

Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đang lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện các mẫu biên bản kiểm tra, tài liệu hướng dẫn phương pháp đánh giá, xếp loại theo quy định của Quy chế 117. Trước mắt, cơ quan kiểm tra, công nhận sử dụng các mẫu biểu quy định hiện hành của Bộ, của Cục cho đến khi có hướng dẫn mới của Cục.

6. Điều 14: Tần suất kiểm tra định kỳ

- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đã được kiểm tra sau ngày Quy chế 117 có hiệu lực (sau ngày 15/01/2009) thì thời điểm được tính để áp dụng tần suất kiểm tra định kỳ thực hiện theo Quy chế 117. Các cơ sở được kiểm tra trước ngày 15/01/2009 thì thời điểm kiểm tra định kỳ tiếp theo gần nhất vẫn được tính theo Quyết định số 649/2000/QĐ-BTS.

- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu, nếu cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu có văn bản quy định hoặc có thỏa thuận với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam về tần suất kiểm tra cao hơn so với quy định tại Khoản 1, Điều 14, Quy chế 117 thì áp dụng theo tần suất kiểm tra cao hơn theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

- Đối với tàu cá (khai thác và bảo quản), cảng cá, chợ cá thực hiện tần suất kiểm tra 1 năm/ lần.

[...]