Công văn 3800/BTP-PLQT năm 2020 về cập nhật thông tin về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 3800/BTP-PLQT
Ngày ban hành 13/10/2020
Ngày có hiệu lực 13/10/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Bạch Quốc An
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3800/BTP-PLQT
V/v cập nhật thông tin về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2020

 

Kính gửi:

- Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Hợp tác quốc tế);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tổng cục Thi hành án dân sự.

Bộ Tư pháp nhận được Thông báo của Bộ Ngoại giao Vương quốc Hà Lan - cơ quan lưu chiểu Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Tống đạt) và Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Thu thập chứng cứ) về việc gia nhập và tuyên bố của một số quốc gia. Ngoài ra, Bộ Tư pháp nhận được Công văn số 3386/BĐVN-DVBC ngày 5/8/2020 của Tổng công ty bưu điện Việt Nam cập nhật hoạt động cung ứng các dịch vụ bưu chính quốc tế. Bộ Tư pháp đề nghị Quý Cơ quan thông báo cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc như sau:

1. Về việc tiếp tục gửi hồ sơ ủy thác tư pháp

Các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ ủy thác tư pháp có thể tiếp tục gửi các hồ sơ ủy thác tư pháp ra nước ngoài qua Bộ Tư pháp từ ngày 13/10/2020 với các nước có tên trong danh sách kèm theo Công văn số 3386/BĐVN-DVBC ngày 5/8/2020 của Tổng công ty bưu điện Việt Nam (kèm theo Công văn này), trừ Vương quốc Anh, bang Victoria- Australia, Ấn Độ (do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tống đạt giấy tờ tại quốc gia này đang bị tạm ngừng).

Với các nước không có tên trong danh sách, việc gửi hồ sơ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Bộ Tư pháp sẽ trao đổi với phía bưu điện để gửi đi nếu điều kiện thực tế cho phép. Các hồ sơ Bộ Tư pháp tiếp nhận không thể gửi cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài sẽ được gửi trả lại các cơ quan đã lập hồ sơ.

Việc gửi hồ sơ qua đường bưu điện vẫn gặp khó khăn do thời hạn dài hơn, nguy cơ thất lạc và chi phí cao hơn. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ ủy thác tư pháp (i) xem xét kéo dài thời hạn giải quyết vụ việc để đảm bảo tính khả thi, (ii) lập hồ sơ và thực hiện theo đúng quy định tại Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự để tránh hồ sơ bị trả lại nhiều lần.

Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo dõi, cập nhật các thông báo tiếp theo trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp https://moj.gov.vn/Pages/home.aspx.

2. Về các quốc gia thành viên Công ước Tống đạt

2.1 Cộng hòa Áo (Austria)

Cộng hòa Áo chính thức trở thành thành viên Công ước Tống đạt vào ngày 12/9/2020.

Khi gia nhập Công ước, Cộng hòa Áo đã đưa ra các bảo lưu và tuyên bố sau đây:

- Công ước không áp dụng với việc tống đạt giấy tờ gửi cho Cộng hòa Áo, bao gồm cả các cơ quan chính trị, các cơ quan có thẩm quyền và những người thực hiện nhiệm vụ thay mặt Cộng hòa Áo; việc tống đạt cho các chủ thể này được thực hiện qua kênh ngoại giao.

- Về Điều 5 đoạn 3 Công ước, Cộng hòa Áo tuyên bố rằng việc tống đạt chính thức sẽ chỉ được Cơ quan trung ương thực hiện nếu giấy tờ cần được tống đạt được lập bằng hoặc dịch sang tiếng Đức.

- Về Điều 8 đoạn 2 và Điều 10 Công ước, Cộng hòa Áo phản đối việc tống đạt giấy tờ thực hiện trực tiếp qua các cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ngoài trên lãnh thổ của mình, như quy định tại Điều 8 đoạn 1, trừ khi giấy tờ được tống đạt cho công dân của nước gửi. Cộng hòa Áo phản đối việc áp dụng các phương thức tống đạt quy định tại Điều 10 trên lãnh thổ của mình.

- Về Điều 15 đoạn 2 và Điều 16 đoạn 3 Công ước, Cộng hòa Áo tuyên bố rằng một thẩm phán có thể đưa ra phán quyết ngay cả khi không nhận được giấy xác nhận việc tống đạt hoặc chuyển giao giấy tờ nếu các điều kiện quy định tại Điều 15 đoạn 2 của Công ước được thỏa mãn. Theo Điều 16 đoạn 3 Công ước, Cộng hòa Áo tuyên bố rằng đơn đề nghị không chịu sự ràng buộc về thời hạn kháng cáo sẽ không được xem xét nếu đơn được nộp sau 1 năm kể từ ngày ra phán quyết.

- Về các cơ quan có thẩm quyền

Theo Điều 2 Công ước, Bộ Tư pháp liên bang được chỉ định là Cơ quan trung ương.

Địa chỉ của Bộ Tư pháp liên bang của Cộng hòa Áo (Federal Ministry of Justice)

Die Ӧsterreichische Justiz

Palais Trautson

Museumstrasse 7

1070 Vienna, Austria

Theo Điều 6 Công ước, các tòa án cấp quận của Cộng hòa Áo có thẩm quyền hoàn thiện giấy xác nhận việc tống đạt.

Theo Điều 9 Công ước, Bộ Tư pháp liên bang là Cơ quan được chỉ định để nhận các giấy tờ chuyển giao qua các kênh lãnh sự tại Cộng hòa Áo.

2.2 Phi-líp-pin (Philippines)

Tiếp theo thông tin tại Công văn số 908/BTP-PLQT của Bộ Tư pháp ngày 16/3/2020, Phi-líp-pin đã chính thức trở thành thành viên Công ước tống đạt vào ngày 1/10/2020. Ngoài thông tin về Cơ quan trung ương đã nêu tại Công văn số 908/BTP-PLQT, Phi-líp-pin còn tuyên bố và thông báo một số nội dung như sau:

Theo Điều 5 Công ước, tống đạt chính thức chỉ được thực hiện khi giấy tờ cần tống đạt được lập bằng hoặc dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Phi-líp-pin.

Theo Điều 8 Công ước, Phi-líp-pin phản đối việc tống đạt giấy tờ tư pháp trực tiếp thông qua viên chức ngoại giao hoặc lãnh sự với những người ở trên lãnh thổ của mình, trừ khi giấy tờ được tống đạt cho công dân của nước gửi.

[...]