Công văn 3712/LĐTBXH-TCGDNN năm 2021 về sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 3712/LĐTBXH-TCGDNN |
Ngày ban hành | 22/10/2021 |
Ngày có hiệu lực | 22/10/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Lê Tấn Dũng |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Giáo dục |
BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ
HỘI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3712/LĐTBXH-TCGDNN |
Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2021 |
Kính gửi: |
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ; |
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, giai đoạn 2017-2021, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện rà soát, sắp xếp giảm được 11% số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, đạt mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW; từng bước giảm sự trùng lắp về ngành, nghề đào tạo; giảm đầu mối quản lý để tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, việc sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập ở một số bộ, ngành, địa phương còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Chưa gắn với nhu cầu nhân lực ngành và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; không theo lộ trình, định hướng chung về phát triển giáo dục nghề nghiệp và phát triển nhân lực theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
- Sáp nhập cơ học nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc thành một cơ sở, không theo lộ trình, mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ngành nghề, lĩnh vực đào tạo rất khác nhau; sáp nhập khi chưa có phương án tổ chức hoạt động có hiệu quả; giảm các điều kiện, nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp (diện tích đất, cơ sở vật chất, tài chính).
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp góp phần thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nhân lực cho phát triển đất nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc theo đúng quy định của Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong đó lưu ý:
1. Đối với việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động sắp xếp, đảm bảo tổ chức được hệ thống gồm các trường cao đẳng chất lượng cao, trường trọng điểm, chuyên sâu để đào tạo nhân lực các ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.
b) Các địa phương thực hiện sắp xếp theo hướng chỉ giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả kéo dài; sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp vào trường cao đẳng khi đa số ngành, nghề đào tạo trùng nhau và có cùng địa bàn tuyển sinh. Không sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghề nghiệp đào tạo nhóm đối tượng đặc thù và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực hoạt động tự chủ cao.
2. Xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng, đảm bảo năng lực tổ chức đào tạo cho tất cả các đối tượng, vùng miền; giảm đầu mối cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng không giảm năng lực đào tạo, không giảm các điều kiện đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp về đất đai, cơ sở vật chất, nhân sự, tài chính; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để tăng quy mô, chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu về phát triển nguồn nhân lực, phân luồng tuyển sinh.
3. Thực hiện xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn kinh tế - xã hội phát triển, có khả năng xã hội hóa cao. Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |