Công văn số 3673/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 14/10/2003 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội về việc thực hiện một số biện pháp tăng cường xuất khẩu lao động sang Đài Loan
Số hiệu | 3673/LĐTBXH-QLLĐNN |
Ngày ban hành | 14/10/2003 |
Ngày có hiệu lực | 14/10/2003 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội |
Người ký | Nguyễn Ngọc Quỳnh |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 3673/LĐTBXH-QLLĐNN |
Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2003
|
Kính gửi: Các Doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan;
Đài Loan là một thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của ta và còn có khả năng tiếp tục nhận nhiều lao động Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, đã có một số vấn đề phát sinh, ảnh hưởng đến việc ổn định và tiếp tục mở rộng thị trường. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện một số biện pháp sau:
1. Giảm tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp:
a. Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tuyển chọn, đào tạo - giáo dục định hướng, chế độ tài chính và công tác quản lý lao động tại Đài Loan. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp để tuyển chọn và giáo dục lao động nhằm nâng cao chất lượng lao động đưa đi. Ngoài ra, cần thực hiện thêm một số biện pháp:
- Xem xét kỹ việc tuyển lao động ở các địa phương có tỷ lệ lao đọng bỏ hợp đồng cao; Không tuyển lao động đã có người thân đi lao động ở nước ngoài bỏ hợp đồng ở lại làm việc bất hợp pháp hoặc có người thân đang sinh sống tại Đài Loan có khả năng lôi kéo bỏ hợp đồng.
- Phổ biến kỹ cho người lao động trước khi đi về các biện pháp xử phạt của phía Đài Loan đối với lao động nước ngoài bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc.
- Khi tổ chức cho lao động lên đường, các doanh nghiệp phải yêu cầu lao động mặc đồng phục (có ghi tên doanh nghiệp), phối hợp với đối tác Đài Loan tổ chức đón nhận, bàn giao lao động tại sân bay để tránh tình trạng lao động bỏ trốn ngay tại sân bay.
b. Có biện pháp đưa nhanh số lao động đã bỏ hợp đồng đang làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan về nước. Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước về vấn đề này tại công văn số 1237/QLLĐNN-QLLĐ ngày 26 tháng 9 năm 2003.
Trong Quý IV năm 2003, các doanh nghiệp phải giảm được tỉ lệ lao động bỏ hợp đồng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xem xét tạm đình chỉ hoạt động đưa lao động sang Đài Loan của các doanh nghiệp có tỉ lệ lao động bỏ hợp đồng trên 3%.
2. Bản cam kết về lương và các chi phí trước khi đi của người lao động:
Thời gian qua, phía Đài Loan đã kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm trong các bản cam kết của lao động Việt Nam và đã đình chỉ hoặc tạm thời đình chỉ việc đưa lao động sang Đài Loan của một số doanh nghiệp do các sai phạm này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp:
- Các doanh nghiệp khi làm bản cam kết cho người lao động, cần ghi đầy đủ, chính xác và hợp lý các khoản chi phí trước khi đi, các khoản cho vay, các khoản sẽ khấu trừ tại Đài Loan. Mọi cam kết vay nợ của người lao động cần có đủ văn bản, chứng từ hợp lệ. Phương thức khấu trừ phải được thể hiện trong Bản cam kết và đảm bảo thống nhất với bảng lương và nội dung hợp đồng đã ký với người lao động. Người lao động phải nắm được rõ ràng, cụ thể từng khoản mục trong bản cam kết đã ký để không đưa ra các thông tin sai lệch khi được kiểm tra.
- Các doanh nghiệp khi được cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan yêu cầu giải trình về Bản cam kết cần chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ cụ thể và phối hợp chặt chẽ với Bộ phận Quản lý lao động để được hướng dẫn giải quyết.
3. Phí dịch vụ người lao động phải nộp cho doanh nghiệp:
Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp được thu phí dịch vụ của người lao động. Doanh nghiệp có thể:
- Thu một lần trước khi người lao động đi.
- Thoả thuận cho người lao động vay khoản tiền này và hoàn trả trong thời gian làm việc tại Đài Loan. Người lao động phải có văn bản vay tiền của doanh nghiệp và khoản vay này phải được thể hiện rõ ràng trong Bản cam kết.
- Thoả thuận thu nhiều lần trong thời gian người lao động làm việc tại Đài Loan.
Các thoả thuận nói trên phải được ghi rõ trong hợp đồng. Doanh nghiệp có thể trực tiếp thu các khoản nói trên trong thời gian người lao động làm việc tại Đài Loan hoặc uỷ quyền cho các tổ chức tại Đài Loan thu hộ phù hợp với pháp luật hiện hành tại Đài Loan và hợp đồng đã ký với người lao động. Trường hợp uỷ quyền cho các tổ chức thu hộ, doanh nghiệp phải có giấy uỷ quyền và có hợp đồng hợp pháp, đảm bảo không bị lợi dụng và không bị thất thoát.
4. Quản lý lao động tại Đài Loan:
Hiện nay, Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Đài Bắc tại Hà Nội đang ngừng cấp visa dài hạn (3 tháng và 6 tháng) cho cán bộ đại diện của doanh nghiệp Việt Nam sang quản lý lao đọng tại Đài Loan. Trước mắt, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các giải pháp về quản lý lao động tại Đài Loan, bao gồm:
- Thoả thuận để có những ràng buộc pháp lý mạnh mẽ hơn với các đối tác Đài Loan trong công tác quản lý lao động.
- Đề nghị phía đối tác Đài Loan hỗ trợ về thủ tục để cán bộ của doanh nghiệp có thể tới Đài Loan quản lý lao động.
Cán bộ quản lý tại Đài Loan phải có đủ năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ theo tinh thần công văn số 893/QLLĐNN-TCCB ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các biện pháp trên đây. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh đề nghị phản ánh về Bộ để xem xét, giải quyết./.
|
TL/
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |