Công văn 3621/BHXH-THU hướng dẫn tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mức tiền lương tối thiểu vùng do Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 3621/BHXH-THU
Ngày ban hành 07/12/2009
Ngày có hiệu lực 07/12/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Đỗ Quang Khánh
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
BẢO HIỂM XÃ HỘI TP. HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 3621/BHXH-THU
V/v hướng dẫn tỉ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN, mức tiền lương tối thiểu vùng

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 12 năm 2009

 

Kính gửi: Các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế;
- Căn cứ Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính Phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
- Căn cứ Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ, quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động và các thông tư hướng dẫn thực hiện số 35/2009/TT-BLĐTBXH, số 36/2009/TT-BLĐTBXH ngày 13/11/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Căn cứ Nghị định số 98/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ, quy định mức lương tối thiểu đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.
Sau khi trao đổi thống nhất với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố hướng dẫn một số quy định mới về BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc theo Luật BHXH, Luật BHYT áp dụng từ ngày 01/01/2010 như sau;

1/ Tỉ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN:

Từ ngày 01/01/2010 tỉ lệ đóng BHXH là 22%; BHYT là 4.5%; BHTN là 2%. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 16% BHXH; 3% BHYT; 1% BHTN, người lao động đóng 6% BHXH; 1.5% BHYT; 1% BHTN.

2/ Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN:

- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN là tiền lương theo ngạch bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung.

- Người lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động gồm mức lương chính hoặc tiền công và phụ cấp được ghi tại khoản 1 Điều 3 trong bản hợp đồng lao động.

- Trường hợp mức tiền lương, tiền công đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN bằng hai mươi tháng lương tối thiểu chung.

3/ Mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/01/2010:

- Mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp quy định tại Điều 1 nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ:

+ Mức 980.000 đồng /tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

+ Mức 880.000 đồng /tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

- Mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động Việt Nam làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam:

+ Mức 1.340.000 đồng /tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

+ Mức 1.190.000 đồng /tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

- Người lao động ký hợp đồng lao động tại văn phòng hoặc trụ sở chính đóng tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng làm việc ở các vùng khác thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại địa điểm làm việc ghi trong hợp đồng lao động.

- Mức lương tối thiểu vùng là căn cứ để tính các mức lương, phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động, doanh nghiệp không được dùng mức lương này làm cơ sở đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả do doanh nghiệp tự dạy nghề). Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

4. Xử lý vi phạm BHYT:

Kể từ 01/10/2009, Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì cùng với việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, sẽ phải nộp số tiền lãi trong thời gian chậm đóng, tương tự như tiền chậm đóng BHXH, BHYT. Tiền lãi chậm đóng BHYT được tính theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố theo quy đinh tại Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế.

(Mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố trước ngày 01/12/2009 là 7%/năm, từ ngày 01/12/2009 là 8%/năm).

Đề nghị các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thành phố thực hiện việc đóng BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định và các nội dung hướng dẫn bổ sung theo văn bản này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như trên;
- BGĐ BHXH TP;
- Các phòng chức năng;
- BHXH quận, huyện (FTP);
- Đăng tải trên Website BHXH TP;
- Lưu VT, P.Thu.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Đỗ Quang Khánh