Công văn 343/KTTH của Chính phủ về việc nhập khẩu ô tô, xe gắn máy ngoài đường mậu dịch

Số hiệu 343/KTTH
Ngày ban hành 20/01/1996
Ngày có hiệu lực 20/01/1996
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Đầu tư

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 343/KTTH

Hà Nội, ngày 20 tháng 1 năm 1996

 

CÔNG VĂN

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 343/KTTH NGÀY 20 THÁNG 1 NĂM 1996 VỀ VIỆC NHẬP KHẨU ÔTÔ, XE GẮN MÁY NGOÀI ĐƯỜNG MẬU DỊCH

Kính gửi:

- Bộ Thương mại,
- Tổng cục Hải quan,
- Bộ Tài chính,
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Bộ Giao thông vận tải.

 

Xét đề nghị của Bộ Thương mại (Công văn số 1087/TM-XMC, ngày 16-10-1995), của Tổng cục Hải quan (Công văn số 1806/TCHQ-GSQL ngày 1-8-1995 và Công văn số 47/TCHQ-GSQL ngày 6-1-1996) về việc nhập khẩu ôtô, xe gắn máy ngoài đường mậu dịch; Căn cứ chính sách hàng hoá xuất nhập khẩu năm 1996 đã được phê duyệt tại Quyết định số 864/TTg ngày 30-12-1995, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

1. Về nguyên tắc, cần hạn chế việc nhập xe ôtô các loại và xe gắn máy ngoài mậu dịch; phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ để thực hiện thống nhất chính sách hàng hoá của Nhà nước, chống việc lợi dụng biếu, tặng hàng hoá để buôn bán nhưng không lập doanh nghiệp, không đăng ký kinh doanh và trốn thuế.

2. Giao Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính bàn thống nhất để có văn bản hướng dẫn việc nhập xe ôtô, xe gắn máy ngoài đường mậu dịch theo hướng dẫn sau:

- Đối với người Việt Nam có thân phận ngoại giao, sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài theo chế độ hiện hành, ngoài các hàng hoá khác theo quy định hiện hành, có thể được mang về nước 01 xe gắn máy mới, nếu có xe ôtô là phương tiện đã sử dụng trong thời gian công tác thì cũng được phép đưa về; người sở hữu phương tiện phải có bằng lái, giấy tờ xác nhận đã sử dụng xe. Các loại xe khi đưa về Việt Nam đều phải đóng thuế theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Đối với cán bộ, công nhân người Việt Nam đi học tập, lao động, sau khi kết thúc thời gian học tập, lao động về nước, ngoài hàng hoá khác theo quy định hiện hành, mỗi cá nhân có thể đưa về 01 xe gắn máy mới và phải nộp thuế theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Đối với chế độ quà biếu tặng: không khuyến khích gửi ôtô, xe gắn máy, kể cả hàng đã sử dụng, theo đường quà biếu tặng; cần áp dụng các khoản thuế để hạn chế;

Trường hợp phát sinh là quà biếu cho cá nhân, gia đình, ngoài việc phải nộp đủ thuế theo Luật định (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập), Hải quan xử lý phạt vi phạm hành chính về chính sách mặt hàng.

Trường hợp phát sinh là quà biếu cho các tổ chức, đoàn thể, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cần kiểm tra chặt chẽ khi xử lý để thu đủ thuế theo Luật định; thực hiện chế độ ghi tăng tài sản cho tổ chức, đoàn thể phía Việt Nam để quản lý và sử dụng phương tiện theo đúng chế độ quy định hiện hành.

3. Việc nhập phương tiện phục vụ đi lại của các đối tượng ngoại giao đoàn (thuộc Nghị định 73/CP ngày 30-7-1994 của Chính phủ) và của Văn phòng đại diện các tổ chức kinh tế nước ngoài (thuộc Nghị định 82/CP ngày 21-8-1994 của Chính phủ) thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan nhưng chỉ cho phép nhập phương tiện mới.

4. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan, căn cứ Nghị định 20/CP ngày 15-3-1994 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nhập phương tiện vận chuyển theo các dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Công văn số 5168 ngày 16-9-1995, bàn thống nhất và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2-1996 việc sửa đổi các chính sách liên quan và quy định cụ thể việc nhập phương tiện vận chuyển theo đường đầu tư trực tiếp và hỗ trợ phát triển chính thức.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)