Công văn 3414/BGDĐT-GDTrH năm 2020 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 3414/BGDĐT-GDTrH
Ngày ban hành 04/09/2020
Ngày có hiệu lực 04/09/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Hữu Độ
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3414/BGDĐT-GDTrH
Vv hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2020-2021

Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo1;
- Các Trường Trung học phổ thông trực thuộc.

Thực hiện Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục; Quyết định số 2084/QĐ-BGDĐT ngày 27/7/2020 ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm học 2020-2021, giáo dục trung học tiếp tục triển khai thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 giải pháp cơ bản của toàn ngành, trong đó tập trung vào phương hướng và các nhiệm vụ sau:

A. MỤC TIÊU CHUNG

Tăng cường công tác tuyên truyền để quán triệt và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục trung học; thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm trường học an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục trung học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, sức khoẻ cho học sinh; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục trung học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM, đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình GDPT mới2 (Chương trình GDPT 2018), ưu tiên cho việc triển khai thực hiện đối với lớp 6 từ năm học 2021-2022; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị cơ sở giáo dục, tăng cường nền nếp, kỷ cương, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.

B. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở

1.1. Phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

a) Thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển đối với giáo dục trung học theo hướng dẫn tại Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018; phát triển mạng lưới trường, lớp gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đồng thời chủ động để triển khai Chương trình GDPT 2018 bắt đầu đối với lớp 6 từ năm học 2021-2022 và các năm học tiếp theo.

b) Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học; bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch; mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, trong đó dành ưu tiên cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú cần ưu tiên tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù; quan tâm đầu tư và tận dụng tối đa cơ sở vật chất nhà trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

c) Tiếp tục đầu tư nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; triển khai có hiệu quả việc đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia3.

d) Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 22/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên theo Kế hoạch số 112/KH-BGDĐT ngày 25/02/2020 của Bộ GDĐT về việc tổng kết thực hiện "Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020"; tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2020-2025.

1.2. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở

a) Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn; Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ GDĐT quy định về điều kiện đảm bảo và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

b) Tiếp tục kiện toàn cán bộ quản lý, giáo viên theo dõi phổ cập giáo dục; đánh giá và báo cáo về tình hình phổ cập giáo dục THCS, sử dụng tốt Hệ thống thông tin điện tử quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và thường xuyên kiểm tra tính xác thực của các số liệu trên hệ thống.

c) Tăng cường huy động các đối tượng diện phổ cập giáo dục THCS đi học; nắm chắc tình hình, nguyên nhân học sinh bỏ học và có giải pháp khắc phục; xây dựng kế hoạch cụ thể về thời gian đạt chuẩn và các mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS theo quy định.

II. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục trung học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh

Tiếp tục bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018; Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020 về việc triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học; Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

2.1. Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường

Triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, Phòng GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù đối với các cơ sở giáo dục chuyên biệt; bảo đảm yêu cầu thực hiện một chương trình giáo dục thống nhất cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.

a) Xây dựng kế hoạch giáo dục của từng môn học, hoạt động giáo dục theo hướng sắp xếp lại các bài học trong sách giáo khoa thành bài học theo chủ đề phù hợp với các chủ đề tương ứng trong chương trình4, xây dựng một số bài học theo chủ đề liên môn đối với những kiến thức giao thoa giữa các môn học, tạo thuận lợi cho việc thiết kế tiến trình dạy học thành các nhiệm vụ học tập của học sinh theo phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để thực hiện ở trong và ngoài lớp học, trong đó có các nhiệm vụ học tập có thể giao cho học sinh thực hiện ở nhà hoặc qua mạng, chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 và các tình huống bất thường khác. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật trong kế hoạch giáo dục nhà trường.

Tiếp tục triển khai mô hình trường học mới theo hướng dẫn tại Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH ngày 18/8/2016 về việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017; Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH ngày 08/8/2017 về việc rà soát, đảm bảo các điều kiện triển khai mô hình trường học mới; Công văn số 1461/BGDĐT-GDTrH ngày 08/4/2019 về việc xét tốt nghiệp học sinh mô hình trường học mới.

Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình các môn ngoại ngữ trong chương trình GDPT hiện hành3 và các chương trình môn học thí điểm, đáp ứng lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018:

- Tăng cường giáo viên và cơ sở vật chất để có thể thu nhận hết số học sinh đã hoàn thành chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm lớp 5 và lớp 9 vào học tiếp chương trình ở lớp 6 và lớp 10. Khuyến khích triển khai thí điểm dạy tiếng Anh tích hợp trong các môn học khác và dạy các môn học khác (Toán và các môn Khoa học) bằng tiếng Anh tại các trường trung học phổ thông chuyên và các trường THCS, THPT có đủ điều kiện.

- Duy trì chương trình tiếng Pháp ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2, chuyên và song ngữ theo các văn bản chỉ đạo hiện hành. Tiếp tục tổ chức dạy tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Nga (là môn ngoại ngữ 1 hoặc 2). Tiếp tục triển khai dạy học tiếng Hàn-Ngoại ngữ 2 tại các trường thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tiếng Hàn-Ngoại ngữ 2 cấp trung học5; tiếng Nhật ngoại ngữ 1 hệ 10 năm tại các trường thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; thí điểm môn Tiếng Nhật- Ngoại ngữ 1 hệ 10 năm cấp THCS và THPT6.

b) Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; công tác xã hội trong trường học7. Lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, bao gồm: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phổ biến, giáo dục pháp luật; phòng chống tệ nạn xã hội và phòng, chống tham nhũng; chủ quyền Quốc gia về biên giới, biển đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giáo dục an toàn giao thông và văn hóa giao thông; giáo dục quốc phòng an ninh; giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực trong gia đình và nhà trường.

c) Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học duy trì nền nếp thực hiện các bài thể dục buổi sáng, bài thể dục giữa giờ nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành cho học sinh thói quen tập luyện thể dục, thể thao; tập luyện và tổ chức thi đấu các môn thể thao, chọn học sinh tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.

2.2. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh

a) Xây dựng kế hoạch dạy học các bài học bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học8. Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học9 với mục tiêu, nội dung, cách thức thực hiện10 và sản phẩm cụ thể để giao cho học sinh thực hiện trong lớp học, ngoài lớp học, ở trường, ở nhà, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại di sản văn hóa và cộng đồng. Tăng cường giao cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; dành nhiều thời gian trên lớp để tổ chức cho học sinh báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả tự học của mình.

[...]