Công văn 326/BNG-LPQT năm 2015 góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Việt Nam và A-déc-bai-gian do Bộ Ngoại giao ban hành

Số hiệu 326/BNG-LPQT
Ngày ban hành 29/01/2015
Ngày có hiệu lực 29/01/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại giao
Người ký Hồ Xuân Sơn
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Bộ máy hành chính

BỘ NGOAI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 326/BNG-LPQT
V/v góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ A-déc-bai-gian.

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2015

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Phúc Công văn số 620/BTC-TCHQ ngày 16/01/2015 của Quý Bộ đề nghị góp ý dự thảo Hiệp định hợp táchỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ A-déc-bai-gian, Bộ Ngoại giao có ý kiến như sau:

1. Việc ký Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan với A-déc-bai-gian sẽ giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và trao đổi hàng hóa giữa hai nước. Do đó, Bộ Ngoại giao nhất trí về chủ trương đàm phán, ký Hiệp định nói trên, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

2. Về nội dung của dự thảo Hiệp định, đề nghị Quý Bộ cân nhắc một số điểm sau:

2.1. Đề nghị thống nhất sử dụng thuật ngữ “Bên”, “các Bên” trong bản tiếng Việt để phù hợp với bản tiếng Anh hoặc thống nhất sử dụng thuật ngữ “Contracting Party”, “Contracting Parties” trong bản tiếng Anh để phù hợp với bản tiếng Việt.

2.2. Tại Điều 1, đề nghị thống nhất sử dụng cụm từ “có nghĩa là” sau các thuật ngữ được định nghĩa.

2.3. Tại khoản 5, Điều 1 bản tiếng Việt, đề nghị thay cụm từ “công chứng” bằng cụm từ “chứng thực” để phù hợp hơn với bản tiếng Anh và quy định hiện hành của Việt Nam về chứng thực, công chứng.

2.4. Tại khoản 1, Điều 2 bản tiếng Anh, đề nghị thay cụm từ “the Customs Authorities of their States” bằng cụm từ “their Customs Authorities” để phù hợp với bản tiếng Việt.

2.5. Tại khoản 1, Điều 3 bản tiếng Việt đề nghị sửa cụm từ “hai quốc gia Ký kết” thành “các Bên ký kết”.

2.6. Tại khoản 1, Điều 10 bản tiếng Việt, đề nghị bỏ cụm từ “của quốc gia”; tại bản tiếng Anh, đề nghị bỏ cụm từ “of the State”.

2.7. Tại Điều 18 bản tiếng Việt, đề nghị sửa lại thành “Hiệp định này có thể được sửa đổi và bổ sung với sự nhất trí của các Bên ký kết. Các sửa đổi và bổ sung được thực hiện bằng các nghị định thư riêng biệt, các nghị định thư này là một phần không tách rời của Hiệp định và có hiệu lực theo thủ tục quy định tại Điều 20” để phù hợp với bản tiếng Anh.

2.8. Tại Điều 19 bản tiếng Việt, đề nghị sửa tiêu đề của Điều này thành “Giải quyết bất đồng” và sửa nội dung của Điều này thành “Mọi bất đồng phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua tham vấn hoặc thương lượng giữa các Bên ký kết”. Trong bản tiếng Anh, đề nghị sửa thành “...by consultations or negotiations...”.

2.9. Tại Điều 20 bản tiếng Việt, đề nghị sửa tên của Điều này thành “Hiệu lực và chấm dứt hiệu lực” để phù hợp với bản tiếng Anh và sửa lại nội dung của Điều này như sau:

1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày nhận được thông báo cuối cùng của các Bên ký kết bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc hoàn tất các thủ tục pháp nội bộ để Hiệp định có hiệu lực.

2. Hiệp định này có hiệu lực vô thời hạn và sẽ chấm dứt hiệu lực sau sáu (06) tháng kể từ ngày một Bên ký kết nhận được thông báo bằng văn bản của Bên ký kết kia về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định.

2.10. Tại phần cuối cùng bản tiếng Việt, đề nghị sửa lại thành “Làm tại..., ngày ... tháng ... năm ... thành hai (02) bản bằng tiếng Việt, tiếng A-déc-bai-gian và tiếng Anh, tất cả các văn bản đều có giá trị như nhau. Trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh được dừng làm cơ sở”.

2.11. Về kỹ thuật văn bản:

- Đề nghị rà soát lại nội dung để đảm bảo sự chính xác và thống nhất giữa bản tiếng Việt và bản tiếng Anh, ví dụ khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 10, v.v...

- Đề nghị thay từ “Vietnam” bằng từ “Viet Nam” trong toàn bộ văn bản tiếng Anh để phù hợp với quy định của Thông tư số 03/2009/TT-BNG ngày 09/7/2009 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn dịch Quốc hiệu, tên các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo, cán bộ công chức trong hệ thống hành chính nhà nước sang tiếng Anh để giao dịch đối ngoại.

- Đề nghị thực hiện nguyên tắc đảo chiều, theo đó, trong bản do phía Việt Nam giữ để tên cơ quan và tổ chức của Việt Nam lên trước phía Bạn trong toàn bộ văn bản và ở bên trái tại phần ký.

3. Về thủ tục:

Đề nghị Quý Bộ lưu ý thực hiện đúng quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 về việc lấy ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các Bộ, ngành hữu quan khác trước khi trình Chính phủ cho phép ký Hiệp định nói trên.

Trên đây là ý kiến của Bộ Ngoại giao để Quý Bộ tham khảo, tổng hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục LS, Vụ CÂu;
- Lưu: HC, LPQT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hồ Xuân Sơn