Công văn 3185/TCT-QLN năm 2018 về cưỡng chế thu nợ thuế do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 3185/TCT-QLN
Ngày ban hành 17/08/2018
Ngày có hiệu lực 17/08/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Đoàn Xuân Toản
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3185/TCT-QLN
V/v: cưỡng chế thu nợ thuế

Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2018

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Thái Bình

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1545/CT-QLN của Cục Thuế tỉnh Thái Bình về việc vướng mắc khi cưỡng chế đối với cá nhân là chủ doanh nghiệp bỏ kinh doanh còn nợ thuế. Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định

- Quy định về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế

+ Khoản 3 Điều 54 Luật Quản lý thuế quy định hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động như sau: "3. Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần thuế nợ còn lại do chú sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp."

+ Điểm a Khoản 2 Điều 41 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính quy định: "a) Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động không theo thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, trưởng ban quản trị của hợp tác xã chịu trách nhiệm nộp phần thuế nợ còn lại."

- Quy định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

+ Điều 92 Luật Quản lý thuế quy định về trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:

"1. Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã quá chín mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nộp tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.

2. Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế khi đã hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.

3. Người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền phạt có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn."

+ Điều 93 Luật Quản lý thuế quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:

"1. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bao gồm:

a) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; yêu cầu phong toả tài khoản;

b) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;

c) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu,

d) Thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng,

đ) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật,

e) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ,

g) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề."

2. Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định như sau:

- Điểm b Khoản 1 Điều 47 quy định về trách nhiệm đối với khoản nợ của doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: "b) Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;"

- Khoản 4 Điều 48 quy định về việc góp vốn thành lập Công ty: “4. Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên."

- Khoản 1 Điều 73 quy định về trách nhiệm đối với khoản nợ của doanh nghiệp là Công ty TNHH một thành viên: "1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sớ hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty."

- Khoản 4 điều 74 quy định về việc thực hiện góp vốn, thành lập Công ty: "4. Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không áp đúng hạn vốn điều lệ.”

- Điểm c Khoản 1 Điều 110 quy định về trách nhiệm đối với khoản nợ của doanh nghiệp là công ty cổ phần: "c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;"

- Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 172 quy định về trách nhiệm đối với khoản nợ của doanh nghiệp lả công ty hợp doanh:

"b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty,

[...]