Công văn số 3154/BGDĐT-VP về việc báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 3154/BGDĐT-VP
Ngày ban hành 11/04/2008
Ngày có hiệu lực 11/04/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 3154/BGDĐT-VP
V/v Báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII

Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2008

 

Kính gửi: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Thực hiện yêu cầu của Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Công văn số 30/BDN ngày 04/01/2008 về việc xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII và báo cáo kết quả tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu, xem xét và giải quyết theo thẩm quyền 42 câu hỏi, bao gồm 8 nhóm vấn đề do Ban Dân nguyện chuyển đến. Bộ Giáo dục và Đào tạo xin báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của cử tri, cụ thể như sau:

I. VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC, PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY, SÁCH GIÁO KHOA

1. Cử tri các tỉnh: Đồng Nai, Đắk Nông, Phú Yên, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh cho rằng: Để thực hiện có kết quả nội dung cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển giáo dục cả về nội dung chương trình của từng cấp học và hoàn thiện nội dung sách giáo khoa. Nhằm tránh tình trạng phải thay đổi nhiều lần chỉ làm trong một thời gian ngắn, gây lãng phí về công sức, tiền của của ngân sách nhà nước và của nhân dân.

Trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 40/2000/NQ-QH10 của Quốc hội khoá X về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai việc đổi mới Chương trình và sách giáo khoa ở phổ thông theo cách “cuốn chiếu”. Bắt đầu từ năm học 2002-2003, Bộ đã triển khai trong cả nước chương trình và sách giáo khoa mới lớp 1 cấp Tiểu học và lớp 6 cấp Trung học cơ sở; Năm học 2003-2004, lớp 2 và lớp 7; Năm học 2004-2005, lớp 3 và lớp 8; Năm học 2005-2006, lớp 4 và lớp 9; Năm học 2006-2007, lớp 5 và lớp 10; Năm học 2007-2008, lớp 11; trong năm học tới sẽ tiếp tục thay sách giáo khoa mới lớp 12. Như vậy, để thực hiện Chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển khai đổi mới từ năm học 2002-2003 đến năm học 2008-2009. Bộ Chương trình và sách giáo khoa này sẽ được sử dụng ổn định khoảng 10 năm.

Ngày 04/3/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 1678/BGDĐT-VP về việc Hướng dẫn tổ chức đánh giá sự phù hợp của sách giáo khoa phổ thông trên cả nước. Theo đó, sau khi đã đánh giá sách giáo khoa ở tất cả các tỉnh thành, cuối tháng 5/2008, Bộ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về sách giáo khoa năm 2008. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những hướng dẫn mới về việc sử dụng sách giáo khoa và tổ chức giảng dạy.

2. Cử tri tỉnh Bắc Giang phản ánh: Chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ ở các trường phổ thông thấp, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp thích hợp khắc phục tình trạng trên.

Trả lời:

* Thực trạng dạy và học môn ngoại ngữ:

Hiện nay, ở các trường phổ thông đang thực hiện hai chương trình học ngoại ngữ: chương trình 7 năm (bắt đầu từ lớp 6 và nối tiếp đến lớp 12) và chương trình học 3 năm (bắt đầu học từ lớp 10 và nối tiếp đến lớp 12). Theo kế hoạch đổi mới chương trình và sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2008-2009, môn ngoại ngữ trong cả nước sẽ thực hiện một chương trình học 7 năm. Tuy nhiên, tại một số địa phương do còn thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ ở trung học cơ sở, một số giáo viên ngoại ngữ yếu về chuyên môn, nên sẽ có một số học sinh chưa được học hết chương trình môn ngoại ngữ ở cấp trung học cơ sở. Số học sinh này sẽ khó có khả năng theo học chương trình nối tiếp ở cấp trung học phổ thông.

* Một số giải pháp khắc phục:

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 9893/BGDĐT-GDTrH ngày 06/9/2006 về việc Hướng dẫn dạy học ngoại ngữ, trong đó có nêu rõ: Những địa phương mà học sinh chưa có điều kiện học ngoại ngữ ở trung học cơ sở thì được học chương trình 3 n¨m ở trung học phổ thông; đề nghị các địa phương rà soát và có kế hoạch cụ thể để dạy cho số đối tượng này;

- Tăng cường bồi dưỡng giáo viên thường xuyên; rà soát đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên; tăng cường đầu tư trang thiết bị, tài liệu dạy học và môi trường học ngoại ngữ;

- Từng bước đưa môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển học sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (đối với những địa phương tổ chức thi) và trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Tạo điều kiện cho các địa phương ở các vùng phát triển có thể liên kết, kết nghĩa với các trường học ở các nước trong khu vực nhằm trao đổi giáo viên và giao lưu giữa học sinh;

- Mở rộng hợp tác quốc tế với các nước nói tiếng Anh, cử các đoàn khảo sát, thực tập đi nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo dạy tiếng Anh;

- Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện Đề án nâng cao hiệu quả dạy và sử dụng tiếng Anh giai đoạn 2008-2020 để trình Chính phủ nhằm tạo một sự chuyển biến đồng bộ về chất trong việc giảng dạy và sử dụng Tiếng Anh trong cả nước.

3. Cử tri tỉnh Điện Biên đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai chương trình dạy tiếng dân tộc Thái và HMông ở các trường phổ thông theo tinh thần Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời:

Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức đang công tác ở vùng dân tộc, miền núi có xác định: Đối tượng thực hiện Chỉ thị là cán bộ, công chức đang công tác ở vùng dân tộc, miền núi.

Thực hiện Chỉ thị trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Chương trình khung dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số (được ban hành tại Quyết định số 02/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/01/2006): Đối tượng tiếp nhận Chương trình là những cán bộ, công chức công tác ở các vùng dân tộc thiểu số, chưa biết tiếng nói, chữ viết của đồng bào, có nhu cầu học một chương trình ngắn hạn về tiếng dân tộc như một ngôn ngữ thứ hai.

Theo tinh thần Chỉ thị 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ, không có đối tượng là học sinh phổ thông, do đó Bộ chưa thể triển khai dạy tiếng dân tộc Thái và HMông ở trường phổ thông được.

II. VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN

4. Cử tri các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hà Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Phú Thọ, Bình Định, Hưng Yên, Hòa Bình kiến nghị: Bậc học mầm non là khởi đầu nền tảng để phát triển các bậc học khác. Đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất, biên chế, chính sách đào tạo, chế độ lương cho giáo viên và khởi động triển khai đề án bậc học mầm non của cả nước. Hiện nay việc phân cấp quản lý giáo viên mầm non chưa thống nhất, đề nghị xem xét để đưa giáo dục mầm non vào là một cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta.

Trả lời:

* Về cơ sở vật chất của giáo dục mầm non:

Đầu tư cho cấp học mầm non là thực sự cần thiết, khởi đầu nền tảng để phát triển các cấp học khác. Do khả năng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục những năm qua còn có hạn, dù đã tăng hàng năm và hiện nay đạt 20% ngân sách nhà nước nên chúng ta chưa thể đặt mục tiêu phổ cập giáo dục bậc mầm non mà đang tập trung thực hiện mục tiêu phổ cập THCS vào năm 2010. Tuy nhiên để chuẩn bị cho các em bước vào lớp 1 có chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng và thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

[...]