Kính
gửi:
|
- Viện kiểm sát quân sự Trung ương;
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
|
Thực hiện Quyết định số
1161/2021/QĐ-CTN ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 và Hướng dẫn
số 63/HD-HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng tư vấn đặc xá, VKSND tối cao (Vụ 8)
đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn Ngành thực hiện trách nhiệm của VKSND
trong công tác đặc xá. Để thống nhất nhận thức nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm
túc, có hiệu quả công tác đặc xá năm 2021 và tăng cường phòng, chống dịch
Covid, VKSND tối cao (Vụ 8) tập hợp quy định về một số nội dung cơ bản về công
tác đặc xá năm 2021 và một số lưu ý trong hoạt động Kiểm sát việc lập hồ sơ đề
nghị đặc xá và Kiểm sát thực hiện Quyết định đặc xá để giới thiệu đến toàn
Ngành. Đề nghị VKS quân sự Trung ương nghiên cứu, triển khai trong hệ thống VKS
quân sự các cấp; VKSND cấp tỉnh nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động kiểm sát
việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và kiểm sát thực hiện Quyết định đặc xá theo thẩm
quyền.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang
diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Để bảo
đảm công tác phòng chống dịch và thực hiện nhiệm vụ kiểm sát, VKSND địa phương
kịp thời theo dõi diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại
các cơ sở giam giữ ở địa phương mình; khi tiến hành kiểm sát việc lập hồ sơ đề
nghị đặc xá tại các cơ sở giam giữ cần phối hợp chặt chẽ với cơ sở giam giữ để
thực hiện đầy đủ các quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an
trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đối với công chức trực tiếp thực hiện
nhiệm vụ kiểm sát phải được xét nghiệm hoặc test nhanh có kết quả âm tính (bao
gồm cả lái xe phục vụ đoàn kiểm sát) trước khi kiểm sát tại các đơn vị này.
Nhận được văn bản này, đề nghị đồng
chí Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh,
nghiên cứu, tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó
khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về VKSND tối cao (Vụ 8) để chỉ đạo giải quyết./.
(Kèm theo văn bản là hướng dẫn một
số nội dung cơ bản của công tác đặc xá năm 2021 và một số lưu ý khi tiến hành kiểm sát)
Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện);
- Đ/c Nguyễn Huy Tiến, PVTTTVKSNDTC (để báo cáo);
- Văn phòng VKSNDTC (để tổng hợp);
- Lãnh đạo Vụ 8;
- Lưu: VT, Vụ 8.
|
TL.
VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM
VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
Lương Minh Thống
|
MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ CÔNG TÁC ĐẶC XÁ NĂM 2021 VÀ NHỮNG LƯU Ý TRONG
HOẠT ĐỘNG KIỂM SÁT
Đặc xá là
sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời
hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại,
ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Năm 2021, diễn ra nhiều sự kiện trọng
đại của đất nước như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử
Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp, ngày 30/6/2021, Chủ tịch nước ban hành Quyết
định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc xá năm 2021 nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/2021). Từ khi Luật Đặc xá năm 2018 có hiệu lực đến
nay, đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn
cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại,
ngày lễ lớn của đất nước.
Để thống nhất nhận thức nhằm bảo đảm
thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đặc xá năm 2021, VKSND tối cao (Vụ
8) tập hợp các quy định xây dựng tài liệu về một số nội
dung cơ bản của công tác đặc xá năm 2021 và một số lưu ý
trong hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và kiểm sát thực hiện
Quyết định đặc xá để giới thiệu đến toàn Ngành.
I. MỘT SỐ NỘI DUNG
CƠ BẢN VỀ CÔNG TÁC ĐẶC XÁ NĂM 2021
1. Về đối tượng đặc
xá
Đối tượng đặc xá năm 2021 bao gồm:
Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân
nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành
án phạt tù.
2. Về điều kiện
được đề nghị đặc xá
Bao gồm 05 nhóm điều kiện cơ bản như
sau
2.1. Điều kiện về xếp loại chấp
hành án phạt tù: Quy định tại điểm
a khoản 1 Điều 3; khoản 2 Điều 3 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc xá
năm 2021.
- Người được đề nghị đặc xá phải có tất
cả các quý đã đủ thời gian xếp loại trong quá trình chấp hành án phạt tù được xếp
loại khá hoặc tốt (khoản 1 Điều 4 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP
ngày 14/6/2019 của Chính phủ).
Về phần thời gian tiếp theo từ ngày
26/5/2021 đến ngày họp của Hội đồng xét, đề nghị đặc xá, các cơ sở giam giữ phải
căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù trong thời gian này để nhận xét,
đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù là khá hoặc tốt (các đợt đặc xá trước đây đánh giá cải
tạo tốt) Do vậy, quá trình kiểm sát phải căn cứ quy định tại Điều
18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 03/11/2020 của Chính phủ để đối chiếu.
- Đối với người đang được tạm đình chỉ
chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá thì ngoài các quý đã đủ thời gian xếp
loại trong thời gian chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt còn phải
được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú trong thời gian được tạm đình chỉ xác nhận
là trong thời gian được tạm đình chỉ đã chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
2.2. Điều kiện về thời gian đã
chấp hành án phạt tù: Quy định tại điểm
b khoản 1 Điều 3; khoản 3, 4 Điều 3 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc
xá năm 2021.
Thời gian chấp hành án phạt tù là thời
gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù trong các cơ sở giam giữ phạm
nhân. Ngoài ra, thời gian trích xuất, thời gian bị áp dụng biện pháp tư pháp
bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra,
truy tố, xét xử, thi hành án cũng được tính vào thời gian đã chấp hành
án phạt tù. Đối với trường
hợp bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, ngoài đủ điều kiện về xếp
loại như những phạm nhân khác quá trình kiểm sát lập hồ sơ phải kiểm sát chặt chẽ việc cơ sở y tế điều trị xác
nhận là trong thời gian bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh phạm
nhân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
- Tại Quyết định về đặc xá năm 2021
quy định thời gian tối thiểu mà phạm nhân đã chấp hành án phạt tù để đủ điều kiện
được đề nghị đặc xá thành nhiều mức khác nhau, cụ thể như sau:
+ Đã chấp hành được ít nhất 1/2
thời gian đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn và 15 năm đối với
người bị kết án phạt chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn;
+ Đã chấp hành được ít nhất 1/3
thời gian đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn và 13 năm đối với
người bị kết án phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn nếu thuộc
một trong các trường hợp có một trong các tình tiết ưu tiên quy định tại khoản 3 Điều 3 quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá 2021.
+ Đã chấp hành được ít nhất 2/3
thời gian đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn và 18 năm đối với
người bị kết án phạt chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn nếu phạm một
trong các tội sau: Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội;
tội phá hoại chính sách đoàn kết; tội cưỡng ép, xúi dục người khác trốn đi nước
ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; người bị kết án 10
năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương các tội xâm phạm tính mạng,
sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; người bị kết án từ 07 năm tù trở
lên về tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội sản xuất trái
phép chất ma túy, tội chiếm đoạt chất ma túy;
+ Đã chấp hành được 2/5 thời
gian đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn và 16 năm đối với bị kết
án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn nếu phạm một trong các tội
sau: Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội; tội phá hoại
chính sách đoàn kết; tội cưỡng ép, xúi dục người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở
lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; người bị kết án 10 năm tù trở
lên về một trong các tội quy định tại Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe,
danh dự, nhân phẩm của con người; người bị kết án từ 07 năm tù trở lên về tội
cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội sản xuất trái phép chất
ma túy, tội chiếm đoạt chất ma túy nhưng
có một trong các tình tiết ưu tiên quy định tại khoản 3 Điều 3
quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá 2021.
- Phạm nhân là người dưới 18 tuổi
đang chấp hành án phạt tù và người dưới 18 tuổi đang được tạm đình chỉ chấp
hành án phạt tù được đề nghị đặc xá khi có đủ điều kiện về xếp loại chấp hành
án phạt tù và không thuộc trường hợp không được đề nghị đặc xá nếu đã chấp hành
được ít nhất 1/3 thời gian hoặc đã chấp hành được ít nhất 2/5 thời
gian nếu phạm một trong các tội sau: Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách
kinh tế - xã hội; tội phá hoại chính sách đoàn kết; tội cưỡng ép, xúi dục người
khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân;
người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương các
tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; người bị kết
án từ 07 năm tù trở lên về tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản,
tội sản xuất trái phép chất ma túy, tội chiếm đoạt chất ma túy.
2.3. Về thi hành phần dân sự: Quy định tại điểm c, d, đ khoản 1 Điều 3 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc
xá năm 2021.
- Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung
là phạt tiền, đã nộp án phí;
- Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại
tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt
tù về các tội phạm tham nhũng;
- Đã thi hành xong hoặc thi hành được
một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác
nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều
kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân
sự đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm không phải là tội phạm tham
nhũng;
Theo quy định này, người bị kết án phạt
tù về tội phạm không phải là tội phạm tham nhũng đã thi
hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân
sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa
có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về dân sự
thì có thể xem xét, đề nghị đặc xá.
Trường hợp đã thi hành được một phần
nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ
dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp
chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại là trường hợp người đó và gia đình
không còn tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá
trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc hoặc tài sản
theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án và không
có thu nhập hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng chỉ đảm bảo cuộc sống
tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách
nhiệm phải nuôi dưỡng.
Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp
dưỡng nhưng mới thi hành được một phần nghĩa vụ cấp dưỡng
hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng có thỏa thuận, xác nhận của đại diện
hợp pháp của người bị hại hoặc của người được nhận cấp dưỡng về việc không phải
tiếp tục thực hiện hoặc không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án,
quyết định của Tòa án và được UBND cấp xã nơi cư trú hoặc
cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận.
Đối với trường hợp phải thi hành
nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với
tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước thì phải được người được thi hành án đồng
ý hoãn thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án đối với tài sản này.
2.4. Về điều kiện khi được đặc xá không
làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự: Quy định tại
điểm e khoản 1 Điều 3 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc
xá năm 2021.
Đây là điều kiện mang tính định tính
nên khi xem xét cần căn cứ vào nhân thân của phạm nhân, hành vi phạm tội được
thể hiện trong bản án mà phạm nhân đang phải chấp hành, các tài liệu có trong hồ
sơ phạm nhân, yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và diễn biến
tư tưởng, thái độ học tập cải tạo của phạm nhân trong quá trình chấp hành án phạt
tù để đánh giá phạm nhân được đặc xá có làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự
hay không.
Những trường hợp trước đây Công an
các địa phương đã xác minh có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự nên không
đồng ý xét tha tù trước thời hạn có điều kiện; hoặc trường hợp đã xác minh
không có nơi cư trú rõ ràng do gia đình đã chuyển đi nơi khác, không xác định
được nơi cư trú mới thì cũng không đủ điều kiện đề nghị đặc xá.
2.5. Không thuộc một trong các
trường hợp không được đề nghị đặc xá theo quy định tại Điều 4
Quyết định về đặc xá: Quy định tại điểm g khoản 1 Điều 3 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc xá
năm 2021.
3. Về trình tự,
thủ tục đề nghị đặc xá
3.1. Trình tự, thủ tục đề nghị
của trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự
Theo quy định tại Khoản
1 Điều 15 Luật Đặc xá, ngay sau khi Quyết định về đặc xá được công bố,
thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, các trại giam, trại tạm giam,
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải niêm yết, phổ biến cho người
đang chấp hành án phạt tù biết. Do đó, VKS các cấp căn cứ quy định này để kiểm
sát trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện
niêm yết, phổ biến cho người đang chấp hành án phạt tù.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Quyết
định về đặc xá được niêm yết, phổ biến, các trại giam, trại tạm giam, Cơ quan
thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải cho những phạm
nhân đã được rà soát có đủ điều kiện đề nghị đặc xá làm đơn
đề nghị đặc xá.
Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày
Quyết định về đặc xá được niêm yết, phổ biến, trại giam, trại tạm giam, Cơ quan
thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ người đủ
điều kiện được gửi Tổ thẩm định liên ngành thẩm định (hoặc đề nghị cơ quan có
thẩm quyền lập danh sách, hồ sơ đề nghị) theo đúng thời gian quy định tại Hướng
dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá.
Đối với trường hợp phạm nhân trích xuất:
Nếu xét thấy họ có đủ điều kiện đề nghị đặc xá, các trại giam, trại tạm giam,
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nhận trích
xuất phạm nhân nhưng không quản lý hồ sơ gốc phải khẩn trương có văn bản đề nghị
trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang quản
lý hồ sơ phạm nhân xem xét, lập hồ sơ đề nghị đặc xá.
3.2. Trình tự, thủ tục đề nghị
của Tòa án
Theo quy định tại Khoản
3 Điều 15 Luật Đặc xá, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Quyết định về đặc
xá được công bố, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, Chánh án Tòa
án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu đã ra quyết định tạm
đình chỉ chấp hành án phạt tù có trách nhiệm thông báo Quyết định về đặc xá cho
người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, lập danh sách, hồ sơ của người
đủ điều kiện được đề nghị đặc xá gửi Tổ thẩm định liên ngành.
Trường hợp người đang được tạm đình
chỉ chấp hành án phạt tù cư trú ở địa phương ngoài phạm vi địa giới hành chính
của Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ thì Tòa án đã ra quyết định tạm đình
chỉ thông báo cho Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực nơi người
đang được tạm đình chỉ cư trú lập danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc
xá, chuyển đến Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ để tổng hợp, gửi Tổ thẩm định
liên ngành.
3.3. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Luật Đặc xá,
Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình
sự Công an cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Chánh án Tòa án quân
sự cấp quân khu có trách nhiệm thông báo, niêm yết công khai danh sách người được
đề nghị đặc xá.
3.4. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Luật Đặc xá,
Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan quản lý
trực tiếp trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự
Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án
Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu thông báo bằng
văn bản cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền quy định tại Điều 30 của Luật này về kết
quả lập danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá để kiểm sát trước khi gửi
Tổ thẩm định liên ngành.
4. Về biểu mẫu thực
hiện công tác đặc xá năm 2021
Đặc xá năm 2021 sử dụng hệ thống biểu
mẫu (27 biểu mẫu) ban hành kèm theo Quyết định số 5704/QĐ-BCA ngày 09/7/2021 của
Bộ Công an.
II. NHỮNG LƯU Ý
TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM SÁT
VKSND là một trong các bộ, ngành có
chức năng, nhiệm vụ thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá. Trong
công tác đặc xá, VKSND giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính thống nhất,
công bằng, nghiêm minh của pháp luật nhằm phục vụ công tác phòng ngừa, đấu
tranh phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Theo quy định của Luật, trong công
tác đặc xá VKS có trách nhiệm thực hiện các hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ đề
nghị đặc xá; tham gia Tổ thẩm định liên ngành; tham gia Tổ giúp việc cho Thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá và kiểm sát thực hiện
Quyết định đặc xá. Như vậy, có 02 hoạt động sẽ do VKSND tối cao trực tiếp thực
hiện là gồm tham gia Tổ thẩm định liên ngành và tham gia Tổ giúp việc cho Thành
viên Hội đồng tư vấn đặc xá; VKS các cấp có trách nhiệm cùng thực hiện hoạt động
kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và Kiểm sát thực hiện Quyết định đặc xá.
Trong hoạt động kiểm sát việc lập hồ
sơ đề nghị đặc xá và kiểm sát thực hiện Quyết định đặc xá, Viện kiểm sát bảo đảm
việc thực hiện trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá; trình tự, thủ tục thực
hiện Quyết định đặc xá của cơ quan, người có thẩm quyền được thực hiện đúng quy
định của Luật Đặc xá năm 2018 (sau đây viết là Luật Đặc xá) và những văn bản hướng
dẫn. Theo đó, VKSND là cơ quan duy nhất được giao trách nhiệm kiểm sát trong
công tác đặc xá (kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và kiểm sát thực hiện
quyết định đặc xá). Đáng lưu ý, trong hoạt động kiểm sát, Viện kiểm sát cũng là
cơ quan duy nhất thực hiện quyền yêu cầu cơ quan có thẩm
quyền lập hồ sơ đề nghị đặc xá cho đối tượng bị kết án nếu họ có đủ điều kiện
được đặc xá đồng thời kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân để yêu cầu chấm
dứt, khắc phục vi phạm trong lập hồ sơ đề nghị đặc xá và thực hiện Quyết định đặc
xá.
1. Một số quy định
về hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và kiểm sát thực hiện Quyết
định đặc xá
Thứ nhất,
về căn cứ pháp lý tiến hành kiểm sát quy định tại Điều 30, Điều 37 Luật Đặc xá và Điều 21 Quy chế
công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ban hành kèm theo
Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Đối với công tác đặc xá năm 2021, VKS
các cấp còn căn cứ vào Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN ngày 30/6/2021 của Chủ tịch
nước về đặc xá năm 2021 và Hướng dẫn số 63/HD-HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng
tư vấn đặc xá. VKSND cấp tỉnh căn cứ thêm Văn bản số 2792/VKSTC-V8
ngày 09/7/2021 của VKSND tối cao về triển khai Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN
ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021.
Thứ hai,
về đối tượng của hoạt động kiểm sát là việc tuân theo pháp luật của cơ quan,
người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và thực hiện Quyết định
đặc xá, như Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi
hành án hình sự Công an cấp tỉnh,Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an
cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án Tòa án
nhân dân cấp tỉnh và Chánh án Tòa án quân sự cấp quân, cán bộ quản giáo, cán bộ
Tòa án...
Thứ ba, về
trách nhiệm, thẩm quyền của VKS trong kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và
kiểm sát thực hiện Quyết định đặc xá, thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Đặc xá, được xác định như sau:
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Trực
tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá tại trại
giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định tại khoản
1, các điểm a, b, d và đ khoản 2, 4 Điều 15 và Điều 18 của Luật Đặc xá. Khi
xét thấy cần thiết, trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện
Quyết định đặc xá tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp
quân khu, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
Tòa án quân sự cấp quân khu thuộc thẩm quyền kiểm sát của Viện kiểm sát nhân
dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quy định tại khoản
2 Điều 30 Luật Đặc xá.
- VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân
sự cấp quân khu: Kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc
xá tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu, cơ
quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án
quân sự cấp quân khu quy định tại khoản 1, các điểm c, d và đ khoản
2, 3 và 4 Điều 15 và Điều 18 của Luật Đặc xá.
Với quy định như trên thì phạm vi, thẩm
quyền kiểm sát của VKSND tối cao rất lớn, trong khi đặc xá là nhiệm vụ mang ý
nghĩa chính trị - pháp luật cao, diễn ra trong thời gian ngắn, đòi hỏi đảm bảo
nguyên tắc dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu
đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và yêu cầu phòng
chống dịch. Để bảo đảm trách nhiệm của
VKS các cấp trong kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và kiểm sát thực hiện
Quyết định đặc xá, VKSND tối cao đã ban hành Văn bản số 2792/VKSTC-V8 ngày
09/7/2021 phân công nhiệm vụ đối với VKS các cấp, theo đó:
VKSND tối cao (Vụ 8) sẽ trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và Kiểm sát thực
hiện Quyết định đặc xá tại một số trại tạm giam và trại giam thuộc Bộ Công an.
VKS quân sự Trung ương tổ chức trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại các trại
giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng.
Đối với VKSND cấp tỉnh, ngoài việc trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và kiểm
sát thực hiện Quyết định đặc xá tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ
quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo thẩm
quyền thì còn phải trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và kiểm sát
thực hiện Quyết định đặc xá tại trại giam thuộc Bộ Công an đóng trên địa bàn
theo phân công của VKSND tối cao.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo về đặc xá Bộ
Công an đã chỉ đạo các đơn vị trại giam chuyển văn bản Thông báo về kết quả lập danh sách và hồ sơ đề nghị đặc xá đến
VKSND cấp tỉnh được VKSND tối cao phân công để kiểm sát theo quy định tại Điều 30 Luật Đặc xá và tạo điều kiện để VKS tiến hành Kiểm sát
việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá. Do vậy, VKS các cấp cần kịp
thời nắm bắt yêu cầu của VKSND tối cao để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
2. Về phương thức
kiểm sát, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại
theo quy định của Luật Đặc xá
Trong hoạt động kiểm sát việc lập hồ
sơ đề nghị đặc xá, Viện kiểm sát có thể lựa chọn một trong hai phương thức Kiểm
sát là trực tiếp kiểm sát hoặc Kiểm sát thông qua văn bản
Thông báo về kết quả lập danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá.
- Về
trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, được thực hiện theo quy định của Luật Đặc xá năm 2018 và hướng dẫn,
yêu cầu, quy định của Viện trưởng VKSND tối cao. Trình tự, thủ tục khi tiến
hành kiểm sát được thực hiện như đối với hoạt động trực tiếp kiểm sát nêu tại Điều 41 Quy chế số 501. Mẫu Quyết định, Kế
hoạch, Kết luận trực tiếp kiểm sát được thực hiện theo hướng dẫn của VKSND tối
cao. Quyết định, Kế hoạch kiểm sát phải được gửi trước cho cơ quan, đơn vị được
kiểm sát trước khi tiến hành kiểm sát để phục vụ công tác chuẩn bị. Kế hoạch kiểm
sát phải cụ thể, chi tiết về nội dung, nêu rõ trọng điểm cần quan tâm khi tiến
hành kiểm sát, thời gian kiểm sát và những yêu cầu của Đoàn kiểm sát.
- Về
kiểm sát thông qua văn bản Thông báo, chỉ thực hiện
trong trường hợp đơn vị không có điều kiện để trực tiếp kiểm sát như do tình
hình dịch bệnh, yêu cầu phòng chống Covid 19 hoặc yêu cầu khác, thì thực hiện
phương thức này. Trong đó lưu ý, kiểm sát chặt chẽ về thời hạn gửi văn bản
Thông báo (căn cứ để tính thời hạn gửi văn bản Thông báo là thời gian ghi trên
tiêu đề của văn bản hoặc dấu bưu điện trên bì gửi văn bản hoặc ngày các cơ quan
trên FAX đến Viện kiểm sát); hình thức văn bản thông báo; nghiên cứu nội dung
thông báo về kết quả lập danh sách, hồ sơ để đánh giá kết quả công tác triển
khai quyết định về đặc xá của cơ quan có thẩm quyền. Khi tiến hành kiểm sát, Kiểm
sát viên, kiểm tra viên phải lập phiếu kiểm sát và thể hiện
quan điểm đối với việc nghiên cứu, trường hợp phát hiện vi phạm thì tham mưu
lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành văn bản kiến nghị yêu cầu cơ quan, người có thẩm
quyền chấm dứt vi phạm, có biện pháp khắc phục và xử lý người vi phạm.
Một số lưu ý khi thực hiện quyền yêu
cầu, kiến nghị; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Đặc
xá:
Một là, về
thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị của VKS được quy định tại
Điều 30 Luật Đặc xá, được thực hiện khi kiểm sát việc lập hồ
sơ đề nghị đặc xá và kiểm sát thực hiện Quyết định đặc xá. Quyền yêu cầu được
thực hiện khi phát hiện còn trường hợp có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng cơ
quan có thẩm quyền lập hồ sơ không lập danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá cho họ
thì VKS yêu cầu cơ quan này lập hồ sơ, đưa họ vào danh sách đặc xá. Quyền kiến
nghị được thực hiện trường hợp phát hiện vi phạm sơ hở, thiếu sót hoặc nguyên
nhân, điều kiện có thể dẫn đến vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý thì
VKS kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp
phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Lưu ý, Luật Đặc xá không quy định quyền
kháng nghị của VKS khi kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá và kiểm sát thực
hiện Quyết định đặc xá. Tuy nhiên, qua kiểm sát nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng
trong việc thực hiện chế độ đối với người được đặc xá của trại giam, trại trại
tạm giam, nhà tạm giữ như cấp tiền tàu xe về quê, tiền tái hòa nhập cộng đồng,
trả lại tài sản lưu ký..., VKSND lập biên bản vi phạm và căn cứ các quy định của
pháp luật về thi hành án hình sự để kháng nghị yêu cầu cơ quan, cá nhân có liên
quan đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật
trong việc thi hành án hình sự; chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
Hai là, về
kiểm sát việc giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định
tại khoản 3 Điều 30 và Điều 37 Luật đặc xá năm 2018. Theo
đó, Viện kiểm sát đã thực hiện kiểm sát việc lập hồ sơ, danh sách người đủ điều
kiện được đề nghị đặc xá có thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết khiếu nại về việc
lập danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, hoạt động kiểm sát nhằm bảo
đảm thời hạn khiếu nại theo khoản 3 Điều 36 Luật đặc xá năm
2018; thẩm quyền và thời hạn giải quyết theo khoản 1 Điều
37 Luật đặc xá năm 2018; thủ tục và kiểm sát việc gửi quyết định giải quyết
khiếu nại theo quy định.
3. Một số lưu ý
khi kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá
Kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc
xá là hoạt động kiểm sát của VKS nhằm bảo đảm việc thực hiện trình tự, thủ tục
lập hồ sơ đề nghị đặc xá đối với người đang chấp hành án phạt tù tại các Trại
giam, Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; trại tạm giam thuộc Công
an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp
tỉnh; trình tự lập hồ sơ, đề nghị đặc xá đối với người đang được tạm đình chỉ
chấp hành án phạt tù của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu,
được thực hiện đúng quy định của Luật Đặc xá và những văn bản hướng dẫn.
- Về thời gian
VKS có thẩm quyền tiến hành kiểm sát, thực hiện sau khi nhận được “văn bản Thông báo” về kết quả lập danh sách, hồ sơ của
người được đề nghị đặc xá của Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc
phòng, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ
trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi
hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa
án quân sự cấp quân khu, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật
Đặc xá và trước khi Tổ thẩm định liên ngành tiến hành thẩm định danh
sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá tại đơn vị được kiểm sát.
- Về nhiệm
vụ, quyền hạn: Khi tiến hành kiểm
sát Viện kiểm sát cần căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND được quy định tại Luật
tổ chức VKSND năm 2014 để thực hiện trách nhiệm như yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài
liệu, kiểm sát hồ sơ, gặp hỏi người chấp hành án phạt tù; yêu cầu người có liên
quan giải trình và tiến hành xác minh...Trách nhiệm của VKSND trong công tác đặc
xá, được quy định tại Điều 30 và Điều 37 Luật đặc xá năm 2018.
- Nội dung cơ bản của hoạt động kiểm
sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá gồm:
Một là,
đánh giá việc thực hiện các biện pháp phổ biến, tuyên truyền Quyết định số
1161/QĐ-CTN ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 (Quyết định số
1161) và Hướng dẫn số 63/HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng tư vấn đặc xá?
Việc niêm yết, phổ biến cho người
đang chấp hành án phạt tù (người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù);
việc thành lập Hội đồng xét, đề nghị đặc xá để triển khai quyết định về đặc xá.
Hai là,
đánh giá việc tổ chức cho phạm nhân, (người đang được tạm đình chỉ chấp hành án
phạt tù) viết đơn đề nghị đặc xá và bản cam kết.
Ba là,
đánh giá việc tổ chức cho tổ, đội phạm nhân họp giới thiệu phạm nhân có đủ điều
kiện đề nghị đặc xá, để bình xét, bỏ phiếu kín.
Bốn là,
đánh giá việc rà soát, lập danh sách và hồ sơ người đủ điều kiện đề nghị đặc xá
theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày
14/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật đặc xá. Kết quả
ban đầu.
Trong đó cần nắm rõ, tổng số phạm
nhân người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (người đang được tạm
đình chỉ chấp hành án phạt tù) tính đến ngày xét: (Nam: Nữ: )
Trong đó, số bị kết án chung thân giảm
án xuống tù có thời hạn; số chấp hành án phạt tù có thời hạn.
* Số phạm nhân (người đang được tạm
đình chỉ chấp hành án phạt tù) không đủ điều kiện đề nghị đặc xá.
* Số phạm nhân (người đang được tạm
đình chỉ chấp hành án phạt tù) đủ điều kiện đề nghị đặc xá, phân tích theo các điều
kiện.
Năm là,
đánh giá việc tiếp nhận, xử lý đơn thư liên quan đến đặc xá của cơ quan Nhà nước,
tổ chức xã hội, công dân đề nghị xét đặc xá? Trong đó: Số
đủ điều kiện đặc xá? Số không đủ điều kiện đặc xá? Kết quả
giải quyết, trả lời?
Khi tiến hành kiểm sát việc lập hồ sơ
đề nghị đặc xá, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải trực tiếp nghiên cứu từng hồ
sơ phạm nhân, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, đối chiếu với điều
kiện được đề nghị đặc xá và những trường hợp có đủ điều kiện
nhưng không được đề nghị đặc xá để xem xét. Việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, bảo
đảm đầy đủ tài liệu theo quy định tại Điều
14 Luật Đặc xá, được hướng dẫn tại Điều 5 Nghị định số
52/2019/NĐ-CP ngày 14/6/2019 của Chính phủ; điểm 1 mục IV
Hướng dẫn số 63/HD-HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng tư vấn đặc xá.
Lưu ý, khi phát hiện trường hợp đủ điều
kiện đề nghị đặc xá nhưng không được xem xét thì yêu cầu Chủ tịch Hội đồng xét
đề nghị đặc xá hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ sung hồ sơ, danh sách
để Tổ thẩm định liên ngành xem xét hoặc phát hiện trường hợp không đủ điều kiện
đề nghị đặc xá nhưng vẫn đề nghị thì để bảo đảm tính thận trọng cần đề nghị người
có thẩm quyền xem xét lại việc lập hồ sơ, danh sách đề nghị đồng thời báo cáo
ngay về Vụ 8 VKSND tối cao để chỉ
đạo Kiểm sát viên là thành viên tham gia Tổ thẩm định liên
ngành kiểm tra, xem xét.
4. Một số lưu ý
khi kiểm sát thực hiện Quyết định đặc xá
Kiểm sát thực hiện Quyết định đặc xá
là hoạt động kiểm sát của VKS nhằm bảo đảm Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước
được Giám thị Trại giam, Trại tạm giam; Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự
Công an cấp huyện; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân
khu, được thực hiện đúng quy định của Luật Đặc xá và những văn bản hướng dẫn.
Về thời gian tiến hành kiểm sát, thực
hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Đặc xá, sau khi
Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức
công bố Quyết định đặc xá trên phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, Viện kiểm
sát các cấp chủ động theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng về việc công
bố, thông báo Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước; đồng thời phối hợp với cơ
quan, đơn vị được kiểm sát để tiếp nhận, quản lý chặt chẽ thông tin là cơ sở để
thực hiện trách nhiệm của VKS. Các bước và nội dung cơ bản khi tiến hành thực
hiện Quyết định đặc xá bao gồm:
Một là,
kiểm sát việc Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan
thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp
quân khu niêm yết công khai quyết định đặc xá và danh sách
người được đặc xá; việc thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn
vị quân đội nơi người đó về cư trú, làm việc. Đối với trường hợp người được đặc
xá là người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án
nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu thông báo bằng văn bản
đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội được giao
quản lý người đó.
Hai là,
kiểm sát việc Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan
thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp
quân khu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân
khu tổ chức công bố và thực hiện Quyết định đặc xá đối với người được đặc xá.
Ba là, kiểm
sát việc Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc
phòng; Giám thị trại giam thuộc quân khu cấp Giấy chứng nhận đặc xá cho người
đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam được
đặc xá; Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh cấp Giấy chứng
nhận đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam Công an cấp tỉnh,
nhà tạm giữ Công an cấp huyện được đặc xá; Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình
sự cấp quân khu cấp Giấy chứng nhận đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù
tại trại tạm giam cấp quân khu được đặc xá; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu cấp Giấy chứng nhận đặc xá cho người đang
được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đặc xá bảo đảm đúng thẩm quyền thời
hạn, đối tượng và nội dung.
Lưu ý, trường hợp không xác định được
nơi người được đặc xá về cư trú thì cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đặc xá có
trách nhiệm liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tổ chức, đơn vị quân đội để
tiếp nhận người được đặc xá và gửi bản sao giấy chứng nhận đến Ủy ban nhân dân
cấp xã nơi người đó sẽ về cư trú hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội nơi người
đó về làm việc.
Bốn là, kiểm sát việc thực hiện các chế độ đối với người được đặc xá theo quy
định của pháp luật như cấp tiền tàu xe, tiền tái hòa nhập cộng đồng, tài sản
lưu ký...
5. Một số lưu ý
khí kiểm sát việc thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài
Ngoài các nội dung như kiểm sát đối với
phạm nhân khác, cần chú ý các nội dung sau:
Một là,
kiểm sát việc trả tự do và thông báo, Viện kiểm sát kiểm sát việc trại giam, trại
tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trả tự do cho người nước
ngoài theo Quyết định đặc xá và thông báo cho Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao hoặc
cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại
giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân biết.
Hai là,
kiểm sát việc bàn giao, Viện kiểm sát kiểm sát việc trại giam, trại tạm giam,
cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm bàn giao người nước
ngoài được đặc xá cho cơ sở lưu trú theo quy định của pháp luật về thi hành án
hình sự và quyết định người nước ngoài được đặc xá lưu trú tại cơ sở lưu trú.
6. Về kiểm sát hồ
sơ đề nghị đặc xá; kiểm sát trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người có đủ điều
kiện đề nghị đặc xá và kiểm sát đối tượng, tiêu chuẩn những người được lập hồ
sơ đề nghị đặc xá năm 2021
Về kiểm sát hồ sơ đề nghị đặc xá, bảo
đảm đầy đủ tài liệu theo quy định tại Điều 14 Luật Đặc xá
được hướng dẫn tại Điều 5 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày
14/6/2019 của Chính phủ, điểm 1 mục IV Hướng dẫn số
63/HD-HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng tư vấn đặc xá.
Lưu ý, VKS kiểm sát việc Cơ quan có
thẩm quyền sử dụng biểu mẫu bảo đảm theo đúng các biểu mẫu được ban hành kèm
theo Quyết định số 5704/QĐ-BCA ngày 09/7/2021 của Bộ Công an.
Kiểm sát về trình tự, thủ tục lập hồ
sơ, danh sách người có đủ điều kiện đề nghị đặc xá theo quy định tại Điều 15 Luật Đặc xá được hướng dẫn tại Điều 7
Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày 14/6/2019 của Chính phủ, điểm
2 mục IV Hướng dẫn số 63/HD-HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng tư vấn đặc
xá.
Kiểm sát về đối tượng, các điều kiện
của những người được lập hồ sơ đề nghị đặc xá được quy định tại Điều
3 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước về đặc xá
năm 2021 và mục II của Hướng dẫn số 63/HD-HĐTVĐX ngày 07/7/2021
của Hội đồng tư vấn đặc xá. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cũng cần
phải nắm chắc về các trường hợp
không được đề nghị đặc xá quy định tại Điều 4 Quyết định số
1161/2021/QĐ-CTN nêu trên và mục III của Hướng dẫn số
63/HD-HĐTVĐX ngày 07/7/2021 của Hội đồng tư vấn đặc xá, đồng thời phải bảo
đảm điều kiện khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.