Kính gửi: Bộ Lao động-Thương binh và Xã
hội
Phúc đáp Công
văn số 2481/LĐTBXH-PC ngày 02/8/2021 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về
việc biên soạn những câu hỏi thường gặp liên quan đến chính sách hỗ trợ theo
Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chuẩn bị một số
nội dung hỏi đáp liên quan đến đối tượng hỗ trợ là viên chức hoạt động nghệ thuật
và hướng dẫn viên du lịch. Nội dung chi tiết theo Phụ lục đính kèm Công văn
này.
Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tổng hợp./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Tổng cục Du lịch;
- Cục NTBD;
- Lưu: VT, KHTC, VTQ(05)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Tạ Quang Đông
|
PHỤ LỤC
CÂU HỎI THƯỜNG GẶP LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH
SÁCH HỖ TRỢ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 23/2021/QĐ-TTG
(Kèm theo Công văn số 2875/BVHTTDL-KHTC ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch)
I. ĐỐI TƯỢNG LÀ VIÊN CHỨC HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT
Hỏi: Người
lao động hoạt động nghệ thuật được hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 cần những
điều kiện nào?
Đáp:
Thứ nhất, người
lao động hoạt động nghệ thuật là cá nhân được xác định tại Thông tư liên tịch số
10/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh là viên chức. Theo đó,
viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh được quy định mã số,
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề
nghiệp làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Chức danh nghề nghiệp viên
chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh bao gồm: nhóm chức danh đạo
diễn nghệ thuật và nhóm chức danh diễn viên được chia làm 04 hạng từ hạng I đến
hạng IV.
Thứ hai, theo
Quyết định 23/2021/QĐ-TTg viên chức hoạt động nghệ thuật được hỗ trợ gặp khó
khăn do đại dịch COVID-19 là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức
danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật
biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động
từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01
tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.
Do vậy, để được
hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 thì đối tượng phải là viên chức chuyên
ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công
lập đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 28 Quyết định
23/2021/QĐ-TTg.
Hỏi: Viên
chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn cần làm thủ tục gì để nhận hỗ trợ theo
Quyết định 23/2021/QĐ-TTg:
Đáp: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số
2224/QĐ-BVHTTDL về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực
nghệ thuật biểu diễn thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao
và Du lịch. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật
(bao gồm cả đơn vị trực thuộc cơ quan trung ương) lập danh sách viên chức hoạt
động nghệ thuật bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 28 Quyết
định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ gửi Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao
và Du lịch nơi đặt trụ sở chính. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết
ngày 31 tháng 01 năm 2022. Danh sách viên chức hoạt động nghệ thuật bảo đảm điều
kiện theo quy định tại Điều 28 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo
Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
Thời hạn giải
quyết:
- Trong 03
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Danh sách theo đề nghị của đơn vị sự nghiệp
công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật, cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh
tổng hợp, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Trong 02
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Danh sách của cơ quan chuyên môn về văn hóa
cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và
kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt,
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hỏi: Mức hỗ
trợ Viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn đủ điều kiện theo Quyết định
23/2021/QĐ-TTg là bao nhiêu?
Đáp: Viên chức là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh
nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu
diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) đáp ứng đủ điều
kiện theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg được nhận hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.
Hỏi: Tạm dừng
hoạt động trước ngày 1/5/2021 có được nhận tiền hỗ trợ khó khăn do đại dịch
COVID-19?
Đáp: Theo quy định tại Điều 28 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg
thì điều kiện để người lao động là viên chức hoạt động nghệ thuật được nhận trợ
cấp gồm: Viên chức hoạt động nghệ thuật được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện
sau:
- Là đạo diễn
nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV
- Làm việc trong
các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (không bao gồm
các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở
lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm
2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch
COVID-19.
Như vậy, một
trong các điều kiện để người lao động là viên chức hoạt động nghệ thuật được hỗ
trợ khi có đủ các điều kiện được nhận tiền hỗ trợ covid-19 là phải tạm dừng hoạt
động từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết
ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để
phòng, chống dịch COVID-19
Việc viên chức
hoạt động nghệ thuật phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên trước ngày
01/5/2021 thì sẽ không đáp ứng điều kiện về thời điểm tạm dừng hoạt động, không
đủ điều kiện để được nhận tiền hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19.
Hiện nay, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có công văn số 2418/LĐTBXH-VP
ngày 27 tháng 7 năm 2021 gửi Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố công bố số điện thoại
đường dây nóng nhằm giải đáp phản ánh, kiến nghị của người lao động, doanh nghiệp
trong quá trình triển khai Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tại các địa phương.
Theo đó, Đường dây nóng được thiết lập có số điện thoại 0911191122 giải đáp về
chính sách hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh
nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu
diễn; chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch và thông tin tổng hợp tình hình
thực hiện các chính sách.
II. ĐỐI TƯỢNG LÀ HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH
Hỏi: Hồ sơ
đề nghị hỗ trợ gồm những giấy tờ gì?
Đáp: Hướng dẫn viên du lịch chỉ phải chuẩn bị hồ sơ gồm 2 loại giấy tờ:
(1) Giấy Đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định
số 23/2021/QĐ-TTg; (2) Bản sao hợp đồng lao động hoặc thẻ hội viên của tổ chức
xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Hướng dẫn viên
du lịch không phải nộp các giấy tờ chứng minh bị ảnh hưởng, bị ngưng việc hoặc
bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; không phải nộp các giấy tờ liên
quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Hỏi: Hợp đồng
lao động là loại hợp đồng nào? Hợp đồng theo mùa vụ, hợp đồng theo chuyến tour,
hợp đồng cộng tác viên có được hỗ trợ không? Nội dung hợp đồng không đầy đủ có
được hỗ trợ không? Nội dung bảo hiểm xã hội có phải ghi trong hợp đồng lao động
không?
Đáp: Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch,
hướng dẫn viên du lịch là nghề có điều kiện, để được hành nghề hướng dẫn du lịch,
người lao động cần đáp ứng 3 quy định sau:
a) Có thẻ hướng
dẫn viên du lịch;
b) Có hợp đồng
lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch
vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng
dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội
địa;
c) Có hợp đồng
hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng
dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có
phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Điều 31 và Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định hướng dẫn viên du lịch phải có hợp đồng lao động.
Bộ Luật Lao động
không quy định mẫu hợp đồng lao động nhưng có quy định những nội dung chủ yếu
phải có trong hợp trong hợp đồng lao động (Điều 23 Bộ Luật Lao động
số 10/2012/QH13; Điều 21 Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14):
“a) Tên, địa
chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng
lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên,
ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng
minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người
lao động;
c) Công việc
và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn
của hợp đồng lao động;
đ) Mức
lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương,
phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ
nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ
làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị
bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo,
bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.”
Bộ Luật Lao động
cũng quy định người lao động và người sử dụng lao động phải giao kết một trong
các loại hợp đồng lao động:
- Hợp đồng lao
động ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 thực hiện theo quy định tại Bộ Luật Lao
động số 10/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa
XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 bao gồm hợp đồng lao động
không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động
theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Việc
ký loại hợp đồng lao động nào thực hiện theo quy định tại khoản
2, khoản 3 Điều 22 Bộ Luật Lao động năm 2012.
- Hợp đồng lao
động ký từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 thực hiện theo quy định tại Bộ Luật Lao động
số 45/2019/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV,
kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019 bao gồm hợp đồng lao động
không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Việc ký loại hợp
đồng nào thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ Luật
Lao động năm 2019.
Theo quy định
tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội số
58/2014/QH13, hướng dẫn viên du lịch và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ
hành ký hợp đồng lao động từ một tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm
xã hội bắt buộc.
Khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội quy
định, người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động
thì đóng bảo hiểm xã hội theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Căn cứ các quy
định trên: Các loại hợp đồng theo mùa vụ, hợp đồng theo chuyến tour, hợp đồng cộng
tác viên có đủ nội dung theo quy định của Bộ Luật Lao động là hồ sơ hợp lệ để
được nhận hỗ trợ; Nội dung bảo hiểm xã hội là nội dung bắt buộc ghi trong hợp đồng
lao động. Tuy nhiên, theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, hướng dẫn
viên du lịch không phải nộp các giấy tờ liên quan đến bảo hiểm xã hội; hướng
dẫn viên du lịch chỉ phải nộp 2 loại giấy tờ là giấy Đề nghị hỗ trợ và hợp đồng
lao động hoặc thẻ hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch,
đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ đề nghị. Sở
quản lý du lịch các địa phương căn cứ quy định của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
và pháp luật hiện hành tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu hướng dẫn viên du lịch
phải bổ sung thêm bất kỳ loại giấy tờ khác ngoài 2 loại giấy tờ trên, phải tích
cực hỗ trợ, hướng dẫn hướng dẫn viên du lịch để sớm nhận được hỗ trợ theo quy định
của Chính phủ.
Trường hợp
không có đủ hồ sơ, người lao động cần nghiên cứu gói hỗ trợ khác dành cho người
lao động của địa phương.
Hỏi: Hướng
dẫn viên du lịch được hưởng trợ cấp thất nghiệp do có đóng bảo hiểm thất nghiệp
thì có được hưởng chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên theo Nghị Quyết 68/NQ-CP và
Quyết định 23/2021/QĐ-TTg không?
Nội dung này,
đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn.
Hỏi: Hướng
dẫn viên du lịch có hợp đồng lao động không còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ
sơ có được hỗ trợ không?
Đáp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg, hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ
hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch có hiệu lực trong khoảng
thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến thời điểm nộp hồ sơ. Điều này được
hiểu là: hợp đồng lao động đó có thể được ký trước hoặc sau ngày 01 tháng 01
năm 2021, có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến
thời điểm nộp hồ sơ (hết ngày 31 tháng 01 năm 2022), còn hoặc không còn hiệu lực
tại thời điểm nộp hồ sơ.
Hỏi: Trường
hợp người lao động có thẻ hướng dẫn viên du lịch, có hợp đồng lao động với
doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hoặc quốc tế,
có được nhận hỗ trợ không?
Đáp: Theo quy định tại điều 31 và Điều 32 Luật Du lịch,
kinh doanh dịch vụ lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để được kinh
doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ
hành nội địa hoặc quốc tế và phải duy trì các điều kiện kinh doanh lữ hành
trong suốt quá trình kinh doanh.
Theo quy định
tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, hướng dẫn viên du lịch là
nghề có điều kiện, chỉ được hành nghề hướng dẫn viên du lịch cho doanh nghiệp
kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp giấy phép.
Căn cứ các quy
định trên người lao động có hợp đồng lao động với doanh nghiệp không có giấy
phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hoặc quốc tế, không đáp ứng yêu cầu về
hồ sơ đề nghị hỗ trợ quy định tại Điều 33 Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg.
Hỏi: Người
lao động có thẻ hướng dẫn viên du lịch được cấp sau có hiệu lực của Quyết định
số 23/2021/QĐ-TTg (ngày 07 tháng 7 năm 2021) có được hỗ trợ không?
Đáp: Theo quy định của khoản 1 Điều 31 Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg và quy định tại Đơn đề nghị hỗ trợ (Mẫu số 10 tại Phụ lục
ban hành kèm theo Quyết định này), giá trị thẻ hướng dẫn viên du lịch còn hạn sử
dụng đến thời điểm nộp hồ sơ (hết ngày 31 tháng 01 năm 2021). Điều này có nghĩa
là thẻ hướng dẫn viên du lịch được cấp trước hoặc sau ngày 07 tháng 7 năm 2021
và còn giá trị sử dụng đến thời điểm nộp hồ sơ (thẻ còn thời hạn sử dụng, đồng
thời hướng dẫn viên du lịch không bị thu hồi hoặc bị tước thẻ hướng dẫn viên du
lịch).
Hỏi: Người
lao động có thẻ hội viên tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch hết hạn
sử dụng hoặc mới được cấp sau có hiệu lực của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
(ngày 07 tháng 7 năm 2021) có được hỗ trợ không?
Đáp: Theo quy định tại Điều 31 và Điều 33 Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg, thẻ hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn
du lịch được cấp trước hoặc sau ngày 07 tháng 7 năm 2021 và còn giá trị sử dụng
đến thời điểm nộp hồ sơ (thẻ hội viên còn hạn sử dụng và không bị thu hồi), là
hồ sơ hợp lệ.
Hỏi: Trường
hợp giám đốc là chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có thẻ hướng dẫn
viên du lịch, tự hành nghề hướng dẫn du lịch cho khách du lịch nhưng không có hợp
đồng lao động (không tự ký hợp đồng lao động với chính mình), không có thẻ hội
viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch, có được nhận hỗ trợ
không?
Đáp: Theo quy định của khoản 6 Điều 44 Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg, người lao động nếu đủ điều kiện hưởng chính sách quy định tại
Quyết định này và chính sách hỗ trợ của địa phương thì chỉ được hưởng một chính
sách hỗ trợ cao nhất. Vì vậy, trường hợp giám đốc là chủ doanh nghiệp không có
hợp đồng lao động và không có thẻ hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng
dẫn du lịch, không đáp ứng yêu cầu về hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho hướng dẫn viên
du lịch quy định tại Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Người lao động cần nghiên cứu gói hỗ trợ khác dành cho người lao động theo Quyết
định số 23/2021/QĐ-TTg hoặc chính sách hỗ trợ người lao động của địa phương.
Hỏi: Thẻ hướng
dẫn viên du lịch do một địa phương cấp nhưng hướng dẫn viên du lịch lại sinh sống,
làm việc ở địa phương khác thì địa phương nào thực hiện hỗ trợ cho hướng dẫn
viên du lịch?
Đáp: Theo quy định tại Điều 34 Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg, địa phương nào cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch thì địa
phương đó nhận hồ sơ đề nghị của hướng dẫn viên và thực hiện hỗ trợ hướng dẫn
viên theo quy định của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Hỏi: Hướng
dẫn viên du lịch tại điểm là công chức, viên chức được điều động đến đơn vị sự
nghiệp làm công tác hướng dẫn viên du lịch tại điểm có được nhận hỗ trợ không?
Hướng dẫn viên du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch của tư nhân có được nhận
hỗ trợ không? Hồ sơ gồm có những giấy tờ gì (vì theo Luật Du lịch, hướng dẫn
viên du lịch tại điểm làm việc theo sự phân công của tổ chức quản lý khu du lịch,
điểm du lịch nên không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ
lữ hành và không có thẻ hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du
lịch?
Đáp: Hướng dẫn viên du lịch tại điểm là viên chức, hướng dẫn viên du lịch
tại điểm của các khu du lịch, điểm du lịch tư nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Hồ sơ đề nghị quy định tại Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch đã đề nghị với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ
tướng xem xét chỉnh sửa thành phần hồ sơ đề nghị đối với hướng dẫn viên du lịch
tại điểm quy định tại khoản 2 Điều 33 Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg để phù hợp với quy định tại Luật Du lịch. Khi nào nhận được
văn bản hướng dẫn, Tổng cục Du lịch sẽ thông báo để các Sở quản lý du lịch ở địa
phương thực hiện.
Hỏi: Tôi là
nhân viên điều hành của công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành, do cơ cấu của công
ty nhỏ nên tôi thường được giao làm hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách.
Tôi có thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và có hợp đồng lao động, tôi có thuộc
đối tượng được hỗ trợ không?
Đáp: Theo quy định của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đối tượng được hỗ trợ
gồm: Hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa, hướng dẫn
viên du lịch tại điểm có thẻ hướng dẫn viên du lịch còn thời hạn sử dụng tại thời
điểm nộp hồ sơ, không phân biệt vị trí chức vụ trong doanh nghiệp hoặc tổ chức
quản lý khu du lịch, điểm du lịch, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khác quy định
tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chính sách hỗ trợ tại địa phương năm 2021.
Cần lưu ý hợp
đồng lao động thực hiện theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động, có chức danh
hoặc nhiệm vụ công việc có nội dung hướng dẫn du lịch/hướng dẫn viên du lịch.
Trường hợp bạn
có thẻ hướng dẫn viên du lịch và có hợp đồng lao động đáp ứng các yêu cầu trên
thì được hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.