Công văn 2855/BXD-HTKT góp ý cho Dự án đầu tư và thiết kế cơ sở của Dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới - Giai đoạn II (Hợp phần 2 và 3) do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 2855/BXD-HTKT
Ngày ban hành 31/12/2009
Ngày có hiệu lực 31/12/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Cao Lại Quang
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 2855/BXD-HTKT
V/v: Góp ý cho Dự án đầu tư và thiết kế cơ sở của Dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới - Giai đoạn II (Hợp phần 2 và 3).

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2009

 

Kính gửi: Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình.

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 2840/UBND ngày 8/12/2009 của UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị góp ý cho Dự án và thiết kế cơ sở về “Dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới - Giai đoạn II (Hợp phần 2 và 3)”. Sau khi xem xét, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

I./ Thông tin chung về dự án:

1- Tên Dự án: Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới - Giai đoạn II (Hợp phần 2 và 3).

2- Địa điểm xây dựng: Thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình.

3- Chủ đầu tư: Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình.

4- Tổ chức tư vấn lập dự án: Tư vấn quốc tế Les Consultants LBCD Inc và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Vinaconex-Vinaconsult.

5 - Thời gian thực hiện dự án: Từ năm 2010 đến năm 2014

6- Mục tiêu cụ thể của dự án: Tiếp tục hoàn thành Dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới với các nội dung đã được đề cập trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi: Giảm thiểu thiệt hại và ô nhiễm cho thành phố Đồng Hới do ngập úng gây ra; Cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, sức khỏe cho cộng đồng; Nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển xử lý rác thải; Hỗ trợ công tác quản lý chất thải rắn góp phần hoàn thiện từng bước cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

II./ Bộ Xây dựng thống nhất các nội dung sau:

1. Trạm xử lý nước thải Đức Ninh: Địa điểm tại phường Đức Ninh Đông; Công suất: giai đoạn 2020 là 10.000 m3/ngđ, với công nghệ chuỗi hồ sinh học và đầm nhân tạo, trồng các loại cây có khả năng khử các chất dinh dưỡng trong nước thải. Hệ số không điều hoà ngày là 1,3; Hệ số pha loãng khi có mưa là 2,0.

2. Trạm xử lý nước thải Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba: Công suất 300 m3/ngđ bao gồm cải tạo các hồ sinh học, hệ thống khử trùng hiện có nhằm nâng cao hiệu quả xử lý nước thải bệnh viện.

3. Bãi chôn lấp chất thải rắn: cải tạo bãi chôn lấp chất thải rắn Lý Trạch bao gồm cải tạo các ô chôn lấp, xây dựng mới một số ô chôn lấp chất thải độc hại, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác, mua sắm vật tư thiết bị nhằm nâng cao năng lực quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

4. Thiết kế cơ sở Hợp phần 2 & 3 Giai đoạn II của dự án áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam là phù hợp với quy định hiện hành.

5. Hợp phần 2 & 3 đề xuất trong Giai đoạn II của dự án phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch chung đã được Uỷ ban nhận dân tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 381/QĐ-UB ngày 14/2/2007.

6. Điều kiện năng lực của Đơn vị tư vấn, thiết kế: theo đánh giá kết quả đấu thầu yêu cầu về tư vấn, thiết kế hệ thống thoát nước.

III. Một số lưu ý: Thành phố Đồng Hới là đô thị đang phát triển, nhiều khu dân cư, các công trình dịch vụ, văn hoá giáo dục, các tuyến đường giao thông đang được đầu tư xây dựng, do vậy trong quá trình triển khai dự án cần thực hiện các công tác sau:

1. Khu vực xây dựng Trạm xử lý nước thải Đức Ninh cần tính đến khả năng mở rộng khu xử lý cho giai đoạn sau, tránh phải đền bù giải toả nhiều lần; Lập kế hoạch sử dụng khu vực cách ly của trạm xử lý để đảm bảo về môi trường đồng thời có hiệu quả kinh tế.

2. Cần xem xét công suất của các trạm xử lý sao cho đảm bảo phù hợp với lưu lượng nước thu gom khi có mưa.

3. Công nghệ xử lý nước thải cho thành phố sử dụng chuỗi hồ sinh học và được tiếp tục xử lý tại đầm trồng cây có khả năng xử lý các chất dinh dưỡng. Cần lựa chọn các loài cây phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Đồng Hới đồng thời có kế hoạch theo dõi, đánh giá khả năng xử lý của đầm để ứng dụng và nhân rộng trong thời gian tới.

4. Sông Lệ Kỳ là nơi tiếp nhận nguồn nước thải từ thành phố và chịu ảnh hưởng trực tiếp thuỷ triều biển Đông, do vậy cần xem xét kỹ khi thiết kế cao độ các hạng mục công trình để nước thải sau xử lý có thể tự chảy ra sông Lệ Kỳ trong bất kỳ thời điểm nào.

5. Trong quá trình xây dựng, cải tạo và mở rộng cần đảm bảo vận hành đồng bộ các hạng mục của dự án nhằm năng cao hiệu quả thực hiện dự án, đặc biệt là vấn đề thu gom nước thải từ các hộ gia đình.

6. Giai đoạn hiện nay, nước thải bệnh viện chưa thể xử lý triệt để do vậy cần cải tạo và vận hành tốt các thiết bị khử trùng trong trạm xử lý nước thải bệnh viện.

7. Đối với bãi chôn lấp chất thải rắn cần trang bị đầy đủ máy móc thiết bị phục vụ công tác vận hành như các loại xe máy đặc biệt là vật tư phủ bãi rác, hóa chất diệt côn trùng hàng ngày.

8. Hiện nay trong nước đã sản xuất được nhiều vật tư thiết bị phục vụ cho ngành nước nói chung và xử lý nước thải, rác thải chất thải rắn để bảo vệ môi trường nói riêng; trong quá trình mua sắm vật tư thiết bị, Chủ đầu tư cần ưu tiên lựa chọn khuyến khích sử dụng vật tư trong nước nhằm giảm giá thành đầu tư.

9. Hợp phần 2 & 3 Giai đoạn II của dự án yêu cầu lực lượng quản lý vận hành có trình độ, Chủ đầu tư cần triển khai kế hoạch tuyển chọn, đào tạo lực lượng cán bộ quản lý, giám sát và vận hành dự án.

Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện trình tự theo quy định hiện hành./.

 

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ