Công văn 2834/KBNN-KSC năm 2020 vướng mắc trong thực hiện khi nhận được quyết định phong tỏa tiền, cưỡng chế thu tiền của cơ quan thi hành án đối với khoản chi ngân sách nhà nước do Kho bạc Nhà nước ban hành

Số hiệu 2834/KBNN-KSC
Ngày ban hành 02/06/2020
Ngày có hiệu lực 02/06/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành kho bạc nhà nước
Người ký Nguyễn Việt Hồng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
KHO BẠC NHÀ NƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2834/KBNN-KSC
V/v vướng mắc trong thực hiện khi nhận được quyết định phong tỏa tiền, cưỡng chế thu tiền của cơ quan thi hành án đối với khoản chi ngân sách nhà nước

Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2020

 

Kính gửi: Tổng Cục Thi hành án Dân sự

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, KBNN địa phương (Quảng Trị) gặp vướng mắc trong thực hiện khi nhận được quyết định phong tỏa tiền, cưỡng chế thu tiền của cơ quan thi hành án đối với khoản chi ngân sách nhà nước, chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách đã gửi hồ sơ, quyết định chi ra KBNN để thanh toán đối tượng thụ hưởng (đối tượng thụ hưởng này lại là người phải thi hành án) từ tài khoản dự toán của chủ đầu tư/đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; theo đó gặp vướng mắc như sau:

1. Vướng mắc của KBNN

Cơ quan thi hành án địa phương căn cứ quy định về phong tỏa, cưỡng chế theo pháp luật thi hành án dân sự, cụ thể theo Luật thi hành án dân sự:

“Điều 67. Phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

1. Việc phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được thực hiện trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản, tài sản gửi giữ.

2. Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án.

Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này."

“Điều 81. Thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ

Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng.”

“Điều 176. Trách nhiệm của Kho bạc nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác trong thi hành án dân sự

1. Cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

2. Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản của người phải thi hành án.

3. Thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật này."

Căn cứ với các quy định nêu trên, các cơ quan thi hành án địa phương cho rằng KBNN là bên thứ ba nắm giữ tiền của người phải thi hành án nên phải có trách nhiệm thực hiện quyết định phong tỏa, cưỡng chế của cơ quan thi hành án, của chấp hành viên để thực hiện trích từ tài khoản dự toán chi thường xuyên, chi đầu tư... để thanh toán cho các hợp đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thi hành án dẫn đến vướng mắc.

2. Ý kiến của KBNN

2.1. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính theo Quyết định 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015

KBNN là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính phủ theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của KBNN được quy định tại Điều 2, Quyết định 26/2015/QĐ-TTg, trong đó đối với việc quản lý quỹ ngân sách nhà nước, KBNN có nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi của ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác được giao theo quy định của pháp luật; được trích tài khoản của tổ chức, cá nhân mở tại Kho bạc Nhà nước để nộp ngân sách nhà nước hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác để thu cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi không đúng, không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

2.2. Quy định của pháp luật đối với việc kiểm soát thanh toán chi ngân sách nhà nước.

(1). Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước

- Khoản 2, Điều 12, Chi ngân sách nhà nước chỉ thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao, đã được Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi và đáp ứng các điều kiện chi theo quy định; đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và xây dựng; đối với chi thường xuyên phải đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;...

- Theo quy định Điều 56. Tổ chức chi Ngân sách nhà nước: Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định chi gửi KBNN để thực hiện; KBNN kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật và thực hiện chi ngân sách khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 12 của Luật này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật; Thủ trưởng cơ quan KBNN từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi không đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật.

- Theo quy định tại Điều 18, hành vi trì hoãn việc chi ngân sách khi đã đảm bảo điều kiện chi ngân sách khi đã đảm bảo các điều kiện chi theo quy định của pháp luật thuộc các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.

(2). Theo quy định của Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước

- Theo quy định tại Điều 34. tổ chức chi ngân sách, KBNN chỉ được quyền từ chối các khoản chi không đủ điều kiện chi quy định tại khoản 2, Điều 12 của Luật NSNN; tạm đình chỉ chi ngân sách theo yêu cầu của cơ quan tài chính;

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ