Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn số 2695/TCHQ-GSQL ngày 13/06/2002 của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn thủ tục hải quan

Số hiệu 2695/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 13/06/2002
Ngày có hiệu lực 13/06/2002
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Nguyễn Đức Kiên
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2695/TCHQ-GSQL
V/v: Hướng dẫn thủ tục hải quan

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2002

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

 

Sau một thời gian thực hiện Luật Hải quan, Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra giám sát hải quan và các Quyết định tạm thời của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, để việc triển khai thực hiện được thống nhất trong toàn ngành, Tổng cục Hải quan hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố một số nội dung như sau:

1. Về cách ghi kết quả kiểm tra hàng hóa trên tờ khai hải quan:

Việc ghi kết quả kiểm tra thực tế trên tờ khai hải quan phải rõ ràng, cụ thể, đủ thông tin để công chức kiểm tra tính thuế có thể kiểm tra ngay được việc tự tính thuế của người khai hải quan mà không phải yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm chứng từ hay doanh nghiệp và kiểm hóa viên phải giải thích thêm.

1.1. Trước khi ghi cụ thể kết quả kiểm tra, kiểm soát viên bắt buộc phải ghi vào tờ khai những nội dung sau:

- Tỷ lệ kiểm tra (bao nhiêu phần trăm);

- Quy cách đóng góp: Hàng đồng nhất hay không đồng nhất (ghi cụ thể toàn bộ lô hàng đồng nhất hay không, hoặc theo khai của người khai hải quan thì có mấy loại kiện, mỗi loại bao nhiêu kiện...);

- Tình trạng niêm phong (nếu có) và bao bì (ví dụ: niêm phong có còn nguyên vẹn không, tình trạng bao bì như thế nào v.v...);

1.2. Cách ghi kết quả kiểm tra:

a) Nếu hàng được miễn kiểm tra thì ghi: “Hàng hóa được thông quan theo nội dung khai của người khai hải quan”;

b) Nếu căn cứ kết quả giám định của tổ chức giám định/kết quả kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì ghi: “Căn cứ chứng thư giám định/Giấy xác nhận kết quả kiểm tra số...ngày...do... cấp” và ghi lại kết luận của tổ chức giám định/cơ quan kiểm tra nhà nước vào tờ khai hải quan;

c) Hàng phải kiểm tra xác suất:

- Nếu kiểm tra cả con-ten-nơ thì ghi rõ số con-ten-nơ, số niêm phong, kẹp chì của con-ten-nơ đã kiểm tra. Nếu chỉ kiểm tra một số kiện trong con-ten-nơ thì ghi rõ số các kiện đã kiểm tra, vị trí của kiện trong con-ten-nơ (ví dụ: phía ngoài, phía trong, bên phải, bên trái... của con-ten-nơ) và ký mã hiệu của từng kiện. Trường hợp kiện hàng không có ký mã hiệu, không phân biệt được các kiện với nhau thì phải niêm phong được đánh dấu những kiện đã kiểm tra. Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố quy định hình thức đánh dấu để áp dụng cho đơn vị mình;

- Nếu là hàng rời phải ghi rõ là hàng rời, vị trí của phần hàng đã kiểm tra (ví dụ kiểm phần hàng phía trong, phía ngoài, bên trên, bên dưới...);

- Nếu hàng hóa đóng gói đồng nhất thì chọn kiểm tra những kiện bất kỳ hoặc những kiện có nghi vấn. Nếu các kiện không đồng nhất thì lựa chọn các kiện đại diện cho từng loại kiện hoặc những kiện có nghi vấn để kiểm tra, nhưng vẫn phải đảm bảo tỷ lệ kiểm tra;

- Nếu kiểm tra tỷ lệ % nhưng hàng hóa là nguyên chiếc (ví dụ 01 xe ô tô) thì kiểm tra nguyên chiếc. Nếu tỷ lệ phần trăm của số hàng là số lẻ thì làm tròn số để kiểm tra (ví dụ 3% của 50 kiện là 1,5 kiện thì làm tròn là 02 kiện để kiểm tra);

- Trong quá trình kiểm tra, nếu kiểm hóa viên xét thấy phải thay đổi tỷ lệ kiểm tra mới đảm bảo tính đại diện cao cho cả lô hàng thì báo cáo Chi cục trưởng để thay đổi tỷ lệ kiểm tra. Việc thay đổi tỷ lệ kiểm tra và lý do thay đổi phải được ghi rõ trong tờ khai hải quan;

- Khi quyết định hình thức và tỷ lệ kiểm tra, nếu đã có thông tin nghi vấn về con-ten-nơ, kiện hàng, phần hàng cụ thể thì Chi cục trưởng có thể quyết định cụ thể những con-ten-nơ, những kiện hàng hoặc phần hàng mà kiểm hóa viên phải kiểm tra. Việc quyết định này phải thể hiện đầy đủ trên tờ khai hải quan.

Đối với các lô hàng kiểm tra xác suất, kiểm hóa viên phải chịu trách nhiệm về số hàng đã kiểm tra, phần còn lại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Việc kiểm tra xác suất phải có tính đại diện cao cho cả lô hàng. Vì vậy, Lãnh đạo Chi cục và kiểm hóa viên phải nêu cao trách nhiệm, sử dụng có hiệu quả tất cả các thông tin, kinh nghiệm có được và rất nhạy bén trong việc quyết định hình thức, tỷ lệ, biện pháp, cách thức kiểm tra.

- Ghi kết luận về thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:

+ Nếu số hàng được kiểm tra xác suất đúng như khai của người khai hải quan thì ghi: “Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế các kiện hàng nói trên, kết luận: Hàng xuất khẩu/nhập khẩu đã kiểm tra xác suất đúng như khai báo”;

+ Nếu số hàng được kiểm tra xác suất khác so với khai của người khai hải quan thì thực hiện kiểm tra toàn bộ lô hàng. Khi ghi kết quả kiểm tra phải ghi cụ thể tên (mã số) mặt hàng, lượng hàng, xuất xứ, chất lượng... hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu (sai nội dung gì thì ghi nội dung ấy). Những mặt hàng khác đúng như khai của người khai hải quan thì ghi “Các mặt hàng khác xuất khẩu/nhập khẩu đúng như khai báo”.

d) Hàng được kiểm tra toàn bộ:

- Nếu kết quả kiểm tra đúng như khai báo của chủ hàng thì ghi: “Hàng xuất khẩu/nhập khẩu đúng khai báo”;

- Nếu số hàng đã được kiểm tra khác so với khai của người khai hải quan thì ghi cụ thể tên (mã số) mặt hàng, lượng hàng, xuất xứ, chất lượng... hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu (sai nội dung gì thì ghi nội dung ấy). Những mặt hàng khác đúng như khai của người khai hải quan thì ghi “Các mặt hàng khác xuất khẩu/nhập khẩu đúng như khai báo”.

2. Về vấn đề bộ phận nào ghi kết quả giám định vào tờ khai hải quan đối với mặt hàng miễn kiểm tra thực tế, hàng hóa được thông quan trên cơ sở kết quả giám định thực hiện như sau:

Bộ phận nào quyết định thông quan thì bộ phận đó ghi.

[...]