Công văn 2686/BHXH-KHTC hướng dẫn lập dự toán thu, chi năm 2013 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 2686/BHXH-KHTC
Ngày ban hành 10/07/2012
Ngày có hiệu lực 10/07/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khương
Lĩnh vực Bảo hiểm,Tài chính nhà nước

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2686/BHXH-KHTC
V/v Hướng dẫn lập dự toán thu, chi năm 2013

Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2012

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng;
- Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
- Cục Việc làm - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

 

Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 18/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm 2013-2015, Thông tư số 99/2012/TT-BTC ngày 19/6/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013, Công văn số 4723/BKHĐT-TH ngày 29/6/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn lập dự toán thu, chi năm 2013 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN DỰ TOÁN THU, CHI NĂM 2012

Để có căn cứ lập dự toán thu, chi năm 2013, yêu cầu các đơn vị đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu, chi năm 2012 theo các nội dung cụ thể sau:

1. Đối với BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là BHXH các tỉnh)

1.1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu BHXH, BHYT, BHTN

a) Thu BHXH bắt buộc

- Trên cơ sở thực hiện 6 tháng đầu năm, ước thực hiện thu năm 2012. Phân tích tình hình các yếu tố tăng, giảm số đối tượng tham gia đóng BHXH bắt buộc; quỹ lương và mức lương bình quân tham gia BHXH theo các mức đóng và theo từng khối quản lý: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xác định số đơn vị và số lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, nhưng thực tế chưa tham gia, nêu rõ nguyên nhân.

- Nêu những khó khăn, thuận lợi và các biện pháp khắc phục, khả năng phấn đấu hoàn thành dự toán thu BHXH bắt buộc năm 2012, đồng thời báo cáo số chênh lệch tăng do Nhà nước điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo Nghi định số 31/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu chung, Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

b) Thu BHXH tự nguyện

- Đánh giá mức độ thực hiện dự toán năm 2012 trên cơ sở phân tích tình hình tăng, giảm số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, mức đóng bình quân của các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

- Nêu những khó khăn, thuận lợi và các biện pháp khắc phục, khả năng phấn đấu hoàn thành dự toán thu BHXH tự nguyện.

c) Thu BHTN

- Đánh giá mức độ thực hiện dự toán thu năm 2012 trên cơ sở phân tích tình hình tăng, giảm số đối tượng tham gia BHTN (cụ thể cho từng nhóm đối tượng), mức đóng góp bình quân của các đối tượng tham gia BHTN; tình hình nợ đọng BHTN trên địa bàn, trong đó nêu rõ số tiền NSNN nợ.

- Nêu những khó khăn, thuận lợi và các biện pháp khắc phục, khả năng phấn đấu hoàn thành dự toán thu BHTN.

d) Thu BHYT

- Đánh giá mức độ thực hiện dự toán thu năm 2012 trên cơ sở phân tích tình hình tăng, giảm số đối tượng đóng BHYT; quỹ lương và mức lương bình quân tham gia BHXH theo các mức đóng và theo từng khối quản lý: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Nêu rõ nguyên nhân tăng, giảm so với số thực hiện của năm 2011 và ước thực hiện năm 2012 theo từng khối quản lý.

- Đánh giá tình hình triển khai Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn; nêu rõ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện thu BHYT đối với các đối tượng tự nguyện tham gia; phân tích chi tiết theo từng loại đối tượng tham gia.

- Báo cáo cụ thể về các đối tượng học sinh, sinh viên, đối tượng người nghèo, cận nghèo, đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi tham gia BHYT (số đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ) theo từng thời điểm triển khai trong năm; đánh giá khả năng thực hiện năm 2012, phân tích nguyên nhân cụ thể, yếu tố tác động chậm đóng BHYT cho đối tượng học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, nêu rõ số tiền NSNN nợ chưa đóng BHYT cho các đối tượng này.

e) Đánh giá tình hình nợ đọng và xử lý nợ BHXH, BHYT năm 2012

- Xác định số nợ đến 31/12/2011, dự kiến số nợ phát sinh trong năm 2012, số nợ thu hồi được trong năm 2012. Tổng hợp, phân loại đầy đủ chính xác số nợ đọng BHXH, BHYT theo từng nhóm đối tượng.

- Phân tích cụ thể tình hình nợ đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động, chú ý số nợ xấu, nợ khó đòi. Nêu rõ các biện pháp đã thực hiện để truy thu nợ đọng trong năm (đã triển khai những biện pháp nào và đánh giá kết quả thực hiện): công tác tuyên truyền, ký kết quy chế phối hợp với các ngành, thành lập tổ thu nợ các cấp, chấm điểm thi đua khen thưởng, không công nhận danh hiệu của các doanh nghiệp, công bố công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề xuất thanh tra, kiểm tra, phối hợp các ngân hàng thương mại trích từ tài khoản, khởi kiện ra tòa...

1.2. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi BHXH, BHYT, BHTN

a) Chi BHXH bắt buộc (nguồn NSNN và nguồn quỹ), chi BHXH tự nguyện

- Căn cứ tình hình đối tượng hưởng và chi trả BHXH 6 tháng đầu năm, ước thực hiện đối tượng hưởng và chi trả cả năm 2012 theo từng nguồn kinh phí (chi tiết cho từng loại đối tượng theo quỹ thành phần), phân tích tình hình biến động tăng, giảm đối tượng và nguyên nhân chính tác động đến việc tăng, giảm đối tượng, tăng giảm chi trả chế độ BHXH.

- Đánh giá những thuận lợi, khó khăn vướng mắc khi thực hiện công tác quản lý đối tượng và chi BHXH của địa phương.

- Đối với những địa phương thực hiện thí điểm chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua Bưu điện, đánh giá kỹ việc thực hiện thí điểm: những thuận lợi, khó khăn, ưu điểm và hạn chế so với phương thức chi trả trước đây, kiến nghị thực hiện.

[...]