Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 2649/BTC-CST năm 2015 điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn lát và ethanol do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 2649/BTC-CST
Ngày ban hành 26/02/2015
Ngày có hiệu lực 26/02/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Thị Mai
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2649/BTC-CST
V/v: điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn lát và ethanol

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2015

 

Kính gửi:

- Bộ Công Thương;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Bộ Tư pháp;
- Hiệp hội sắn Việt Nam;
- Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum. Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương.

 

Bộ Tài chính nhận được Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 26/1/2015 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về cơ chế giá đối với xăng E5, trong đó có nội dung giao Bộ Tài chính “Điều chỉnh thuế xuất khẩu cồn ethanol và sắn lát nguyên liệu theo hướng khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học”. Về vấn đề này, Bộ Tài chính xin trao đổi với quý cơ quan, đơn vị như sau:

1. Tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu sắn và sản phẩm từ sắn:

a) Đối với mặt hàng sắn:

- Tình hình sản xuất trong nước: Theo thông tin từ Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam, nguồn nguyên liệu sắn của Việt Nam với tổng diện tích canh tác khoảng 450.000 ha, hàng năm sản lượng thu được khoảng 9,5 triệu tấn củ tươi. Trong số này khoảng 4 triệu tấn củ tươi đáp ứng cho các nhà máy sản xuất tinh bột. Số còn lại được chế biến thành sắn lát khô đạt khoảng 2,3 đến 2,5 triệu tấn sắn khô/năm.

Tổng số sắn khô hàng năm ở Việt Nam khoảng 3 triệu tấn được sử dụng vào: Thức ăn gia súc, xuất khẩu sang Trung Quốc và nguyên liệu cho sản xuất cồn.

- Về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đối với mặt hàng sắn:

+ Về kim ngạch nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu năm 2013 là 539.677 tấn tương đương 115,120 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu năm 2014 là 1.041.513 tấn tương đương 158,354 triệu USD.

+ Về kim ngạch xuất khẩu: kim ngạch xuất khẩu năm 2013 là 1.557.858 tấn tương đương 385,725 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu năm 2014 là 1.901.346 tấn tương đương 394,175 triệu USD.

+ Giá xuất khẩu sắn lát năm 2013 là 247,6 USD/tấn, năm 2014 là 207,3 USD/tấn.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu sắn thì giá thu mua vào khoảng 4.300 đồng/kg (bao gồm cả chi phí bốc xếp, khử trùng, cảng, chưa kể chi phí lãi vay, hao hụt) tương đương 4.300.000 đ/tấn. Theo số liệu của TCHQ cung cấp về kim ngạch xuất khẩu thì giá xuất khẩu sắn lát trung bình 2 năm 2013, 2014 là khoảng 227,5 USD/tấn tương đương khoảng 4.867.570 đ/tấn (tính theo tỷ giá 1 USD = 21.400 VND).

b ) Đối với mặt hàng tinh bột sắn và sản phẩm từ tinh bột sắn:

- Về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đối với mặt hàng tinh bột sắn và sản phẩm từ tinh bột sắn:

+ Đối mặt hàng tinh bột sắn: năm 2013 kim ngạch xuất khẩu là 1.548.992 tấn tương đương 706,156 triệu USD; năm 2014 kim ngạch xuất khẩu là 1.744.490 tấn tương đương 738,574 triệu USD.

+ Đối với sản phẩm từ tinh bột sắn (gồm sản phẩm từ tinh bột sắn và sản phẩm thay thế chế biến từ tinh bột, ở dạng mảnh, hạt, bột xay, bột rây hay các dạng tương tự nhóm 1903): năm 2013, năm 2014 không có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ tinh bột sắn.

c) Đối với mặt hàng cồn Etilich nồng độ trên 99% tính theo thể tích (ethanol) sản phẩm được sản xuất chủ yếu từ sắn:

- Tính đến tháng 12/2013, ở Việt Nam đã có các nhà máy Ethanol với công suất lớn như sau: Nhà máy cồn Đồng Xanh (Quảng Nam): 120 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Tùng Lâm (Đồng Nai): 72 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Bình Phước (Bình Phước): 100 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Dung Quất (Quảng Ngãi): 100 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Đắc Tô (Kon Tum): 72 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Đắc Nông (Đắk nông): 45 triệu lít/năm; Nhà máy cồn Phú Thọ: 100 triệu lít/năm đang xây dựng).

Hầu hết các nhà máy có công suất lớn mới xây dựng đều sử dụng sắn (khô hoặc tươi) làm nguyên liệu để sản xuất, các nhà máy nhỏ sử dụng đa dạng nguyên liệu : sắn, gạo, mật rỉ đường để sản xuất.

Nếu các nhà máy hoạt động hết công suất để sản xuất cồn nhiên liệu thì tổng công suất sản xuất cồn nhiên liệu đạt khoảng 500 triệu lít, có thể pha được khoảng 10.000 triệu lít xăng E5 hoặc khoảng 5.000 triệu lít xăng E10. Nhưng thực tế hiện nay, khi mà nguồn nguyên liệu không ổn định và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nên các nhà máy phải hoạt động cầm chừng.

- Theo thông tin từ Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam thì ngành sản xuất ethanol đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đó giá nguyên liệu quá cao do phải cạnh tranh với sắn xuất khẩu sang Trung Quốc: Có thể nói 100% các nhà máy cồn bao gồm cả cồn nhiên liệu và cồn thực phẩm đều phải mua nguyên liệu với giá cao. Với các nhà máy mới xây dựng sau năm 2007, hầu hết đều sử dụng sắn khô làm nguyên liệu chính, ở thời điểm lập dự án đầu tư (2007), giá sắn khô ở Việt Nam mới khoảng trên dưới 120 USD/tấn FOB cảng Việt Nam, đến 2013 giá sắn đã lên đến 250 USD/tấn. Trong khi giá cồn thế giới tăng chậm (từ 550 USD/tấn năm 2007 đến năm 2013 là 800 USD/tấn). Giá nguyên liệu tăng cao, chủ yếu do nhu cầu về sắn lát của Trung Quốc quá lớn, trong khi sản lượng sắn Việt Nam chỉ có hạn.

- Về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đối với mặt hàng cồn Etilich nồng độ trên 99% tính theo thể tích (ethanol) năm 2013 và năm 2014 (theo số liệu TCHQ cung cấp tại công văn số 39/TXNK-PL ngày 27/1/2015):

+ Năm 2013: kim ngạch nhập khẩu là 28 tấn tương đương 138.000 USD, không có kim ngạch xuất khẩu.

+ Năm 2014: kim ngạch nhập khẩu là 11 tấn tương đương 35.000 USD, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cồn etilich là 195 tấn tương đương 200.000 USD.

2. Chính sách thuế xuất khẩu hiện hành đối với mặt hàng sắn và sản phẩm từ sắn:

a) Đối với mặt hàng sắn lát:

- Khung thuế suất thuế xuất khẩu: Theo quy định của Nghị quyết số 710/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 22/11/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi Nghị quyết số 295/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 28/9/2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng (Nghị quyết số 710/2008/NQ-UBTVQH12) thì mặt hàng sắn có khung thuế suất thuế xuất khẩu là 0-10%.

- Thuế xuất khẩu sắn hiện hành: Theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế (Thông tư số 164/2014/TT-BTC) thì mặt hàng sắn lát thuộc nhóm 0714 có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%.

[...]