Công văn 264/BCT-TTTN về báo cáo công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 264/BCT-TTTN
Ngày ban hành 18/01/2023
Ngày có hiệu lực 18/01/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Đỗ Thắng Hải
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 264/BCT-TTTN
V/v báo cáo công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2023

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ Công Thương xin báo cáo về công tác chuẩn bị Tết ngành Công Thương và dự báo tình hình thị trường hàng hóa Tết như sau:

I. Đánh giá chung thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão

- Đánh giá chung: Sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mở cửa lại nền kinh tế, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới. Trong năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, như: (i) Xung đột lợi ích, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; (ii) Lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia; (iii) Giá dầu thô và một số vật tư chiến lược biến động bất thường; rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực trên thị trường thế giới gia tăng...; Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt và chủ động, linh hoạt, sâu sát, kịp thời của Chính phủ; sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả rất quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Cùng với sự tăng trưởng chung của kinh tế cả nước (tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm 2021), sức mua của thị trường trong nước đã đạt được mức tăng trưởng khá tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2022 đạt khoảng 5.679.875 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2021.

Tuy chịu ảnh hưởng của giá hàng hóa thế giới có biến động tăng, nhưng nhờ vào nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong nước dồi dào; việc phối hợp chặt chẽ, linh hoạt trong công tác điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý và công tác bình ổn thị trường hàng hóa được triển khai tốt nên thị trường hàng hóa tương đối ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

+ Đánh giá về nguồn cung: Tình hình thời tiết các tháng cuối năm ổn định nên sản xuất các mặt hàng nông sản khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Đàn lợn, đàn gia súc, gia cầm đang giữ được nhịp tăng trưởng nên hoàn toàn có thể bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Các hàng hóa phục vụ Tết khác nguồn cung dồi dào, đa dạng, hiện được các địa phương chuẩn bị tốt.

+ Đánh giá về nhu cầu: Năm nay tăng trưởng kinh tế trong nước tốt, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tuy nhiên, những lo ngại về kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong năm 2023 ảnh hưởng tới kinh tế trong nước cũng tác động đến tâm lý người dân. Các hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán thua lỗ nhiều ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi lãi suất, tỷ giá tăng, khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn và nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu trên thế giới suy giảm gây ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động. Nhìn chung, người dân, người lao động có mức thu nhập trung bình sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, tập trung vào các mặt hàng chính, thiết yếu trong dịp Tết, trong khi đó, bộ phận người dân có thu nhập cao hơn vẫn sẵn sàng chi tiêu cho Tết và hướng đến nhiều loại hàng hóa nhập khẩu với mẫu mã đa dạng, giá thành cao hơn phân khúc hàng sản xuất trong nước. Dự kiến sức mua trong nước sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm trước.

Về thời gian mua sắm: Năm nay Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau nên nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tập trung trong thời gian ngắn và cao điểm từ ngày 13 đến ngày 20 tháng 01 (tức ngày 22 đến ngày 29 tháng Chạp) để phục vụ các đợt lễ từ ngày ông Công, ông Táo đến cận Tết. Nhu cầu hàng hóa sẽ tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, các mặt công nghiệp tiêu dùng Việt Nam chất lượng cao, hoa cây cảnh phục vụ trang trí Tết.

+ Xu hướng giá cả: Hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi, nguồn cung hàng hóa dồi dào nên giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu tương đối ổn định và có xu hướng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước). Nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình phục vụ Tết khá chu đáo sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Do giá nguyên liệu đầu vào tăng trong thời gian qua nên giá một số mặt hàng công nghiệp thực phẩm thiết yếu như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chế biến... năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Tại nhiều địa phương, Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường đã được triển khai, trong đó chú trọng đến các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như mặt hàng thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, dầu ăn, trứng, đường... nên nguồn cung mặt hàng này sẽ được bảo đảm trong dịp Tết để đáp ứng nhu cầu của người dân với mức giá ổn định so với trước Tết.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và đẩy mạnh tiêu thụ hàng dịp cuối năm, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ thường có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sẽ góp phần giữ giá hàng hóa không có biến động lớn.

Tại các chợ dân sinh, theo quy luật hàng năm, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... sẽ có biến động tăng trong những ngày cận Tết do nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, nhờ nguồn cung trong nước dồi dào và việc triển khai chương trình bình ổn thị trường tại các điểm bán hàng bình ổn, các siêu thị, trung tâm thương mại nên mức tăng sẽ không cao.

Dự báo giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau củ quả... tăng khoảng 5-10% so với ngày thường, một số mặt hàng bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ năm trước. Tại các điểm bán hàng bình ổn, giá cả được niêm yết rõ ràng và doanh nghiệp đã cam kết bán theo đúng giá niêm yết, giữ ổn định trong dịp Tết. Thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

(Tình hình thị trường một số mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết theo phụ lục đính kèm)

II. Công tác chỉ đạo và kế hoạch phục vụ Tết của ngành Công Thương

- Theo chức năng nhiệm vụ và sự phân công của Chính phủ, để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất của ngành Công Thương phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu; đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...

- Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, ngày 8 tháng 12 năm 2022, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, kết hợp với phiên họp thường kỳ của Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 12. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, An Giang; đại diện lãnh đạo các Hiệp hội ngành hàng, Tập đoàn, Tổng công ty và đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương. Ngay sau Hội nghị, Bộ Công Thương đã gửi Thông báo số 296/TB-BCT ngày ngày 8 tháng 12 năm 2022 về kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị đến các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan để khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ về chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

- Tại các địa phương, thực hiện Chỉ thị của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương. Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố đã có chủ trương huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động (Cần Thơ, Đồng Nai), cung ứng/vận chuyển hàng Tết miễn phí cho người dân ở các vùng hải đảo, miền núi (như tại Kiên Giang, Bình Thuận)...

- Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết (cụ thể theo phụ lục đính kèm). Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc hàng hóa bị gián đoạn.

III. Tình hình chuẩn bị hàng hóa và các chương trình phục vụ Tết của các địa phương

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, các địa phương đã và đang tích cực, chủ động triển khai công tác chuẩn bị Tết, cụ thể như sau:

1. Nguồn cung hàng hóa

Tại các địa phương, các doanh nghiệp đã huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... ngay từ rất sớm. Đến nay đã có khoảng gần 50 địa phương có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết. Trong đó, tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào, giá trị tổng lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-20% so với năm trước.

Nhằm đa dạng hóa nguồn hàng, các địa phương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đưa các nông sản thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết, điển hình như: Hội nghị kết nối cung-cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác năm 2022 với khoảng 500 gian hàng trưng bày và hơn 1.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đến từ 42 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia; Hội chợ đặc sản vùng - miền Việt Nam và Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 tại Hà Nội... và nhiều sự kiện kết nối cung cầu hàng hóa được tổ chức tại các địa phương khác. Điểm mới của chương trình năm nay là tập trung thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu trực tuyến thông qua website www.ketnoicungcau.vn, thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, chương trình tập trung hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm dịch vụ được bình chọn Thương hiệu vàng Thành phố, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, hàng nông sản đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc..., qua đó đã góp phần tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản cho các địa phương, tạo nguồn hàng cho Chương trình bình ổn thị trường với giá hợp lý và ổn định trong dịp Tết.

Năm nay, Tết Nguyên đán Quý Mão chỉ sau Tết dương lịch khoảng 20 ngày, thời gian mua sắm Tết được rút ngắn so với Tết 2022 nên thị trường Tết cũng khởi động sớm hơn. Tại nhiều hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại như Saigon Co.op, MM Mega Market, WinCommerce, Aeon... đã hoàn thành kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ lên 20%-30% so với tháng kinh doanh thường với đa dạng các chủng loại hàng hóa và mức giá để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

Như vậy, với việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2022, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa đã và đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo cùng với kế hoạch triển khai nhiều chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại dịp cuối năm của các doanh nghiệp, hàng hóa phục vụ Tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người dân Việt Nam.

2. Chương trình bình ổn thị trường

Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) được nhiều địa phương triển khai trong những năm qua đã mang lại ý nghĩa to lớn với đời sống người dân, giúp ổn định tâm lý và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện Chỉ thị của Chính phủ, Chỉ thị của Bộ Công Thương và các văn bản chỉ đạo khác, đến nay đã có khoảng gần 50 tỉnh, thành phố có báo cáo/kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, trong đó có 23 địa phương thực hiện chương trình BOTT.

Một số địa phương như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... tiếp tục thực hiện Chương trình BOTT cả năm. Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm được ưu tiên để bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, thuốc trị bệnh thông thường, thiết bị y tế phòng chống dịch, sinh phẩm test nhanh... cũng được một số địa phương triển khai thực hiện dự trữ và bình ổn giá. Nhìn chung, các địa phương đã có ý thức xây dựng kế hoạch từ khá sớm và bắt đầu triển khai thực hiện do năm nay, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau.

[...]