Công văn 2627/QLCL-TTPC năm 2015 theo dõi tình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành
Số hiệu | 2627/QLCL-TTPC |
Ngày ban hành | 15/10/2015 |
Ngày có hiệu lực | 15/10/2015 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản |
Người ký | Lê Bá Anh |
Lĩnh vực | Thương mại |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2627/QLCL-TTPC |
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2015 |
Kính gửi: Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Thực hiện văn bản số 840/PC ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Vụ Pháp chế về việc báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản báo cáo theo đề cương hướng dẫn như sau:
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VÀ TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành.
Cục được giao soạn thảo “Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”; hiện Đề án đang được hoàn thiện để trình Bộ trình Chính phủ.
2. Tuyên truyền, phổ biến và tập huấn để thực hiện các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cục cử Lãnh đạo và chuyên viên của Cục tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
3. Bảo đảm nguồn lực để thi hành các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
a) Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản là thành viên Ban chỉ đạo 389 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Cục giao 01 công chức của Phòng Thanh tra, Pháp chế làm đầu mối và là thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo 389 của Bộ;
c) Các phòng chức năng của Cục có trách nhiệm phối hợp, tham mưu giúp Lãnh đạo Cục tổ chức, thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong phạm vi, nhiệm vụ được giao.
II. TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
1. Tình hình thực hiện pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
a) Triển khai thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất theo phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao;
b) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Đề án “Kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”;
c) Ký hợp đồng với 04 Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang triển khai thực hiện tuyên truyền ngăn chặn tạp chất trong nguyên liệu thủy sản;
d) Phối hợp với Cục An ninh Kinh tế Nông lâm Ngư nghiệp (A86) và Cục Cảnh sát Môi trường (C49) triển khai kế hoạch kiểm tra liên ngành đột xuất và xử lý vi phạm các quy định về tạp chất;
đ) Qua hoạt động tiếp công dân (Bà Nguyễn Thị Nhuận, địa chỉ: Nhân Chính, Hà Nội) Cục nhận được đề nghị xác minh mẫu vi cá mập (nghi ngờ giả) do được người quen tặng để sử dụng; qua kết quả phân tích của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho thấy hàm lượng chất phosphorus tổng số trong mẫu nghi ngờ: 0%; hàm lượng Nitrogen tổng số 34% (cao hơn gấp 3 lần báo cáo đánh giá giá trị dinh dưỡng vi cá mập của 6 loài khác nhau (14-14.6%) của Viện Công nghệ sau thu hoạch Sri Lanka (2003). Kết quả này có thể kết luận mẫu vi cá do người dân cung cấp là giả mạo, Cục đã thông báo kết quả này tới cá nhân gửi đề nghị xác minh.
2. Đánh giá về tính đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống văn bản quy định về an toàn thực phẩm đối với hệ thống văn bản quy định về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
a) Hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đã được ban hành tương đối đầy đủ tạo điều kiện giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chống các hành vi về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
b) Cục tiếp tục hoàn thiện “Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”; dự thảo Thông tư hướng dẫn giám sát ATTP nông lâm thủy sản (thay thế Thông tư số 05/2010/TT-BNNPTNT, Thông tư số 61/2012/TT-BNNPTNT); hoàn thiện dự thảo ”Đề án tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp và PTNT”.
III. TÌNH HÌNH PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TRONG VIỆC CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
1. Việc phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được thực hiện theo Quyết định 3467/QĐ-BNN-TTr ngày 27/8/2015 của Bộ trưởng ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
2. Cục cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ trong phạm vi, nhiệm vụ về công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả:
a) Hàng tháng Cục có báo cáo Bộ (qua Thanh tra Bộ, cơ quan thường trực BCĐ 389 của Bộ) theo chế độ báo cáo tháng;
b) Báo cáo đột xuất khi được yêu cầu.
3. Cục đã có văn bản và kế hoạch gửi C49 Bộ Công an nắm tình hình trước khi tiến hành Thanh tra đột xuất hành vi tiêm tạp chất vào tôm (theo kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ).