Công văn 2568/BNN-HTQT tiêu chí lựa chọn tiểu dự án thuộc dự án “Cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho tỉnh Tây nguyên”, vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2568/BNN-HTQT
Ngày ban hành 01/06/2012
Ngày có hiệu lực 01/06/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Thị Tuyết Hòa
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2568/BNN-HTQT
V/v: Tiêu chí lựa chọn các tiểu dự án thuộc dự án “Cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây nguyên”, vốn vay ADB.

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2012

 

Kính gửi:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ĐắkLắk, Đăk Nông, Giai Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.

 

Công ty IMC Worldwide LTd., UKG đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chọn làm Tư vấn thực hiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án vốn vay (PPTA) “Cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên”, vốn vay ADB. Theo dự kiến, công ty IMC Worldwide LTd., UKG sẽ huy động chuyên gia từ ngày 18/6/2012.

Để có cơ sở làm việc với Tư vấn và các cơ quan có liên quan, Vụ Hợp tác Quốc tế xin gửi theo đây tiêu chí lựa chọn các Tiểu dự án (TDA) đã được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt để các tỉnh lựa chọn các tiểu dự án ưu tiên đề xuất căn cứ vào các tiêu chí được nêu ra dưới đây:

1. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội: Các tiểu dự án phải phù hợp với chiến lược kinh tế - xã hội trung hạn và dài hạn của ngành và địa phương;

2. Môi trường – Xã hội: Các tiểu dự án lựa chọn ít ảnh hưởng đến môi trường, không nằm trong/ sát các khu bảo vệ; ưu tiên các tiểu dự án ở những nơi có nhiều người dân tộc thiểu số và tỷ lệ đói nghèo cao;

3. Giải phóng mặt bằng, tái định cư: Các tiểu dự án phải hạn chế giải phóng mặt bằng và tái định cư;

4. Loại hình công trình đầu tư: Các tiểu dự án sẽ tập trung theo mô hình phát triển tổng hợp, lấy thủy lợi làm trung tâm và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn xung quanh, cụ thể như sau:

(i) Các công trình thủy lợi đã được Trung ương và địa phương đầu tư nhưng chưa phát huy hết hiệu quả do đầu tư chưa đồng bộ hoặc bị hư hỏng, xuống cấp và các cơ sở hạ tầng nông thôn xung quanh. Ưu tiên giải quyết ngay một số công trình thủy lợi nhỏ (hồ chứa) có tính chất cấp bách;

(ii) Các cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm (đường giao thông dẫn đến các khu sản xuất nông sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; kho chứa hàng hóa trung chuyển; nước sạch nông thôn và các chợ địa phương) nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư;

(iii) Nghiên cứu một số mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước áp dụng cho dự án.

5. Số lượng tiểu dự án đề xuất: Mỗi tỉnh đề xuất tối đa 6 tiểu dự án;

6. Tổng mức đầu tư: Mức đầu tư mỗi tiểu dự án từ 2 đến 10 triệu đô la Mỹ;

7. Vận hành và Bảo dưỡng công trình (O&M): Các tỉnh phải cam kết đảm bảo chi phí cho công tác vận hành và bảo dưỡng công trình theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành;

8. Cam kết về vốn đối ứng: Các tỉnh tham gia dự án có cam kết bằng văn bản về vốn đối ứng của địa phương để thực hiện các tiểu dự án đề xuất.

Trên đây là Tiêu chí lựa chọn các Tiểu dự án. Đề nghị Quý Sở nghiên cứu và chuẩn bị các tiểu dự án ưu tiên gửi về Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp) để tổng hợp báo cáo Bộ trước ngày 15/6/2012.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng (để báo cáo);
- Các Vụ Kế hoạch, Tài chính;
- Cục Quản lý XDCT;
- Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp;
- Lưu: VT, HTQT (HTMC).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Tuyết Hòa