Công văn 2565/BXD-KTTC năm 2006 tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án xây dựng công trình giao thông do Bộ Xây dựng ban hành
Số hiệu | 2565/BXD-KTTC |
Ngày ban hành | 29/11/2006 |
Ngày có hiệu lực | 29/11/2006 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng |
Người ký | Đinh Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải |
BỘ XÂY DỰNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2565/BXD-KTTC |
Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2006 |
Kính gửi: Bộ Giao thông vận tải
Bộ Xây dựng đã nhận các văn bản của Bộ Giao thông vận tải: Văn bản số 6755/BGTVT-CGĐ ngày 01/11/2006 về việc bù giá thép Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy; Văn bản số 7145/BGTVT-CGĐ ngày 15/11/2006 về chi phí và lệ phí thẩm định thiết kế công trình giao thông; Văn bản số 7146/BGTVT-CGĐ ngày 15/11/2006 về việc thống nhất các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông. Sau khi nghiên cứu các văn bản nêu trên, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Về bù giá thép Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy.
Theo quy định tại Thông tư số 02/2004/TT-BXD ngày 22/4/2004 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn tính bổ sung chi phí xây dựng công trình do giá thép xây dựng tăng đột biến, đối với các công trình, hạng mục công trình, gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn Nhà nước (vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước) được ghi trong kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2004 có khối lượng thi công vào thời điểm giá thép xây dựng tăng đột biến, thực hiện chỉ định thầu, đấu thầu (theo hợp đồng có điều chỉnh giá kể cả chưa đến tháng thứ 13 hoặc trọn gói) hoặc tự thực hiện dự án đều được bổ sung chi phí xây dựng do giá thép xây dựng tăng đột biến. Phương pháp tính bổ sung như hướng dẫn tại Thông tư số 02/2004/TT-BXD. Không bổ sung chi phí xây dựng do giá thép tăng đối với thép nhập khẩu theo công trình. Khi tính bù giá thép theo Thông tư số 02/2004/TT-BXD thì không được tính trượt giá thép vào công thức điều chỉnh giá trong hợp đồng.
2. Về việc áp dụng thí điểm công thức tính trượt giá của các dự án ODA cho một số công trình giao thông.
Bộ Xây dựng đã cử các cơ quan chuyên môn trao đổi với đại diện của Bộ Giao thông vận tải về việc tổng kết đánh giá việc áp dụng công thức tính điều chỉnh giá của các dự án ODA đã hoàn thành; Sự ảnh hưởng đến vốn đầu tư khi áp dụng công thức điều chỉnh giá của các dự án đang triển khai ở đồng bằng sông Cửu Long mà Bộ Giao thông vận tải đề nghị áp dụng thí điểm; So sánh việc thực hiện điều chỉnh giá khi áp dụng công thức điều chỉnh với quy định điều chỉnh giá hiện hành của Nhà nước.
Khi cơ quan chuyên của hai Bộ hoàn thành các nội dung công việc trên thì Bộ Xây dựng sẽ có văn bản thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải về nội dung này.
3. Chi phí đảm bảo giao thông.
Công tác đảm bảo giao thông là đặc thù của các dự án cải tạo, nâng cấp đường quốc lộ, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông thông suốt; Vì vậy, đối với các dự án này, chủ đầu tư lập dự toán chi phí đảm bảo giao thông để làm căn cứ quản lý chi phí.
Đối với những công trình cải tạo, nâng cấp đường quốc lộ, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông thông suốt, trường hợp khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình chưa đủ điều kiện để lập dự toán chi phí đảm bảo giao thông thì Bộ Xây dựng thống nhất như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 7146/BGTVT-CGĐ nêu trên, chi phí đảm bảo giao thông tạm tính không quá 1% tính trên dự toán xây dựng công trình để làm cơ sở xét thầu. Trong quá trình thực hiện đầu tư, chủ đầu tư tổ chức lập thiết kế và dự toán theo đúng chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm kiểm tra, quản lý chặt chẽ khoản chi phí này. Các công trình đảm bảo giao thông như đường tránh, cầu tạm... phục vụ phân luồng đảm bảo giao thông được thiết kế và lập dự toán riêng.
4. Chi phí chuyển quân và chuyển máy.
Chi phí chuyển quân và chuyển máy đã được quy định trong trực tiếp phí khác của dự toán chi phí xây dựng tại Thông tư số 04/2005/TT-BXD ngày 01/4/2005 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình.
Đối với chi phí chuyển quân, chuyển máy ở thời điểm áp dụng theo hướng dẫn của thông tư số 09/2000/TT-BXD: Theo hướng dẫn của Thông tư thì chỉ được áp dụng chi phí chuyển quân, chuyển máy đối với những dự án quy mô lớn thực hiện theo hình thức chỉ định thầu; Trường hợp các gói thầu thực hiện theo hình thức đấu thầu mà chi phí chuyển quân, chuyển máy đã được nhà thầu tính trong giá dự thầu thì việc thanh toán thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết giữa các bên.
5. Đơn giá ca máy và thiết bị xây dựng, chi phí tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình giao thông, chi phí xây dựng các công trình tạm phục vụ thi công, định mức dự toán các công trình giao thông: Bộ Xây dựng đã có ý kiến tại văn bản số 1698/BXD-KTTC ngày 22/8/2006.
6. Chi phí quản lý dự án.
Chi phí quản lý dự án đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước quy định tại Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD là chi phí tối đa cho công việc quản lý dự án từ khi có chủ trương đầu tư đến khi hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả chi phí quản lý dự án phù hợp với điều kiện năng lực để thực hiện công việc và tuân thủ các quy định có liên quan. Thống nhất để Bộ Giao thông vận tải xem xét quyết định định mức chi phí cho từng công việc tư vấn nhưng không vượt định mức chi phí quản lý dự án quy định tại Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD nêu trên (gồm cả chi phí tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình và kiểm định và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình).
7. Về cước vận chuyển để xác định giá vật liệu xây dựng đến chân công trình: Bộ Xây dựng thống nhất như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 7146/BGTVT-CGĐ.
8. Chi phí và lệ phí thẩm định thiết kế, tổng dự toán.
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở trước khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; Lệ phí thẩm định được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2000/TT-BTC ngày 13/11/2000 của Bộ Tài chính. Trường hợp lệ phí thẩm định quy định tại Thông tư số 109/2000/TT-BTC không phù hợp theo yêu cầu về nội dung thẩm định thì Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi cho phù hợp.
Trường hợp Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán công trình thì lúc này Bộ Giao thông vận tải làm nhiệm vụ của chủ đầu tư, do vậy chi phí thẩm định (thẩm tra) thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán được tính theo quy định tại Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
9. Về chi phí kiểm định chất lượng thi công xây dựng công trình.
Theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng thì việc tổ chức kiểm định chất lượng thi công xây dựng công trình khi có nghi ngờ là thẩm quyền của chủ đầu tư. Chi phí kiểm định chất lượng thi công xây dựng công trình (nếu có) thuộc khoản chi phí khác của dự toán.
Trường hợp thấy cần thiết kiểm định chất lượng thi công cọc khoan nhồi thì chủ đầu tư tổ chức kiểm định. Nội dung kiểm định thực hiện theo quy định của Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.
10. Về kiểm định và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình.
Công tác kiểm định và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình đối với các công trình xây dựng giao thông theo quy định tại Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14/7/2005 như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 7146/BGTVT-CGĐ, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp.
Bộ Giao thông vận tải căn cứ ý kiến nêu trên của Bộ Xây dựng để tổ chức thực hiện. Quá trình áp dụng nếu còn vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để cùng nghiên cứu giải quyết./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |