Công văn 2460/GSQL-GQ1 năm 2018 vướng mắc Thông tư 39/2018/TT-BTC do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành

Số hiệu 2460/GSQL-GQ1
Ngày ban hành 09/08/2018
Ngày có hiệu lực 09/08/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Giám sát quản lý về hải quan
Người ký Vũ Lê Quân
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC GSQL VỀ HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2460/GSQL-GQ1
V/v vướng mắc Thông tư số 39/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2018

 

Kính gửi: Công ty TNHH Tiếp Vận Thăng Long.
(Lô E4-A Khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung, Đông Anh,Hà Nội)

Trả lời công văn số L-Draco-CBD-18-347 ngày 29/6/2018 của Công ty TNHH Tiếp Vận Thăng Long về một số vướng mắc liên quan đến Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, Cục Giám sát quản lý về Hải quan có ý kiến như sau:

1. Vướng mắc trong việc sử dụng chứng từ và khai báo chứng từ qua hệ thống điện tử của cơ quan hải quan

1.1. Về vướng mắc “Việc khai báo chứng từ qua hệ thống là sau khi phân luồng đối với tờ khai luồng vàng, đỏ và sau thông quan đối với luồng xanh”

Trường hợp doanh nghiệp khai báo tờ khai trên hệ thống VNACCS, hệ thống đã có chức năng cho phép doanh nghiệp khai tệp đính kèm bằng nghiệp vụ HYS trước khi khai chính thức, do vậy vướng mắc nêu trên không xảy ra.

Trường hợp doanh nghiệp khai chứng từ đính kèm trên hệ thống ecustomsV5, sau khi khai báo chính thức tờ khai thì doanh nghiệp mới có thể đính kèm chứng từ lên hệ thống.

1.2. Vướng mắc “Hệ thống tiếp nhận khai báo chứng từ chưa ổn định, nhiều khi bị lỗi không trả về số tiếp nhận”

Vướng mắc mà doanh nghiệp nêu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do hệ thống của doanh nghiệp, do đường truyền mạng hoặc do hệ thống của cơ quan Hải quan. Do vậy, để có hướng xử lý chính xác, khi có phát sinh vướng mắc nêu trên, đề nghị doanh nghiệp phản ánh ngay về Bộ phận hỗ trợ của Tổng cục Hải quan theo số điện thoại: (024) 37 824 754, thư điện tử bophanhotrotchq @customs.gov.vn để được kiểm tra, xử lý.

1.3. Doanh nghiệp phải làm mẫu thông báo về tình trạng mạng lỗi khi nào?

Theo quy định tại điểm o Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại điểm b Khoản 7 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC) thì doanh nghiệp chỉ phải thông báo cho cơ quan hải quan theo mẫu 41/TB-HTSC/GSQL khi hệ thống khai hải quan điện tử của người khai hải quan không thực hiện được thủ tục hải quan điện tử.

1.4. Doanh nghiệp phải khai báo đính kèm packing list khi nào?

Theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC) thì packing list không phải nộp cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục hải quan (trừ bản kê lâm sản đối với gỗ nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Do vậy, doanh nghiệp không phải đính kèm chứng từ này trên hệ thống.

1.5. Doanh nghiệp có phải sao y chứng từ trước khi xác nhận bằng chữ ký số?

Trường hợp các chứng từ theo quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC là bản chụp, được người khai hải quan scan, đã được xác nhận bằng chữ ký số và gửi cho cơ quan hải quan qua hệ thống thì không yêu cầu phải có xác nhận, ký tên, đóng dấu của người khai hải quan.

2. Thời điểm khai báo nguyên phụ liệu, sản phẩm, định mức đến cơ quan hải quan.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 35 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC thì tổ chức, cá nhân thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất theo năm tài chính cho cơ quan hải quan khi báo cáo quyết toán.

Như vậy, tổ chức, cá nhân có hoạt động gia công, SXXK phải cung cấp thông tin về định mức thực tế cho cơ quan hải quan cùng thời điểm nộp báo cáo quyết toán khi kết thúc năm tài chính.

3. Hướng dẫn cách khai báo thông tin người xuất khẩu trên tờ khai xuất gia công?

Theo hướng dẫn tại mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì chỉ tiêu 2.12. Tên người xuất khẩu: Nhập tên của người xuất khẩu. Chỉ tiêu 2.19. Tên người nhập khẩu: Nhập tên người nhập khẩu, lưu ý trường hợp hàng hóa gia công: Nhập tên bên đặt gia công/tên của người được chỉ định nhận hàng.

Đề nghị Công ty đối chiếu hướng dẫn trên để thực hiện và khai thác văn bản sử dụng tại website chính chức của cơ quan hải quan là www.customs.gov.vn.

4. Doanh nghiệp chế xuất mua nguyên liệu vật tư tại thị trường Việt Nam để thực hiện hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài.

Điều 61 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 40 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC là quy định đối với trường hợp thương nhân Việt Nam (doanh nghiệp nội địa Việt Nam) nhận gia công cho thương nhân nước ngoài, do đó nguyên liệu, vật tư do doanh nghiệp nội địa Việt Nam tự sản xuất hoặc mua từ doanh nghiệp nội địa Việt Nam khác để cung ứng cho hợp đồng gia công không phải làm thủ tục hải quan (do đây là các quan hệ trong nội địa).

Trường hợp DNCX mua nguyên liệu, vật tư từ nội địa thì phải thực hiện thủ tục hải quan vì quan hệ giữa nội địa và DNCX là quan hệ xuất nhập khẩu. Trừ một số trường hợp doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn làm thủ tục hoặc không làm thủ tục hoặc DNCX chấp nhận nộp đủ các loại thuế theo quy định tại Điều 74 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 50 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

5. Cách khai báo các Khoản phí Điều chỉnh cộng

5.1. Cách khai báo các Khoản phí phải cộng trên tờ khai xuất khẩu

Trường hợp các lô hàng xuất khẩu theo Điều kiện EXW, đề nghị người khai hải quan khai báo trị giá hóa đơn và trị giá tính thuế theo hướng dẫn tại điểm 2.39 và 2.40 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

5.2. Cách khai báo các Khoản phí phải cộng (D/O; vệ sinh container...) của doanh nghiệp chế xuất.

5.2.1. Trường hợp Công ty nhập mã phân loại khai trị giá là 6 “Áp dụng phương pháp trị giá giao dịch” thì thực hiện khai báo các Khoản Điều chỉnh cộng theo hướng dẫn tại điểm 1.49 phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

[...]