Công văn 2429/BHXH-TTKT tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính các tháng cuối năm 2022 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
Số hiệu | 2429/BHXH-TTKT |
Ngày ban hành | 06/09/2022 |
Ngày có hiệu lực | 06/09/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Người ký | Lê Hùng Sơn |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính |
BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2429/BHXH-TTKT |
Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2022 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra những tháng cuối năm 2022 nhất là thanh tra chuyên ngành (TTCN) theo kế hoạch, đột xuất đối với những đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) để khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH các tỉnh) kịp thời thực hiện một số nội dung sau:
1. Về thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1774/QĐ-BHXH ngày 30/12/2021 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành kế hoạch kiểm tra, TTCN và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2022. Rà soát danh sách các đơn vị trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kịp thời điều chỉnh, thay thế đơn vị thanh tra, kiểm tra để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm đảm bảo mục tiêu tăng thu (đối tượng, mức đóng), giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT.
2. Về TTCN đóng BHXH, BHTN, BHYT
2.1. Tăng cường thành lập các đoàn TTCN đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT, đặc biệt là các đơn vị chậm đóng từ 03 tháng trở lên hoặc đơn vị có số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT lớn. Đổi mới phương pháp làm việc, linh hoạt trong triển khai thanh tra đột xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đánh giá, khai thác dữ liệu để xác định các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT vừa nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, tiết kiệm thời gian làm việc trực tiếp tại các đơn vị sử dụng lao động vừa đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật thanh tra.
Trên cơ sở danh sách các đơn vị chậm đóng (theo khoản 3 Công văn số 2243/BHXH-TST ngày 17/8/2022 của BHXH Việt Nam về việc tăng cường công tác thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT) BHXH các tỉnh thực hiện như sau:
Bước 1: tùy tình hình thực tế tại từng địa phương, tiến hành rà soát thông tin, lịch sử thanh tra, kiểm tra, lựa chọn đơn vị có trọng tâm, trọng điểm (số tiền vi phạm chậm đóng lớn, số tháng kéo dài hoặc đơn vị có dấu hiệu bất thường về đối tượng đóng, mức đóng) để ban hành Quyết định TTCN đột xuất.
Bước 2: thành lập các đoàn TTCN đột xuất, có thể ban hành một quyết định chung cho nhiều đơn vị. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục phục vụ công tác TTCN, lưu ý:
+ Thông báo thanh tra trực tiếp, biên bản công bố quyết định, biên bản kiểm tra xác minh, thông báo kết thúc thanh tra, nhật ký Đoàn thanh tra…. áp dụng mẫu biểu tại Phụ lục kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự tổ chức tiến hành một cuộc thanh tra.
+ Biên bản làm việc theo mẫu quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy định hoạt động TTCN đóng BHXH, BHTN, BHYT và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam (trong đó ghi rõ nội dung theo kết quả rà soát thông tin, dữ liệu).
+ Các biểu mẫu liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) như biên bản, quyết định xử phạt… sử dụng mẫu biểu tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC.
Bước 3: áp dụng linh hoạt các phương pháp tiến hành thanh tra để rút ngắn thời gian làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra; thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP để lựa chọn địa điểm làm việc phù hợp với tình hình thực tế (có thể làm việc tại trụ sở của đối tượng thanh tra hoặc trụ sở của cơ quan BHXH) nhưng phải đảm bảo đúng quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ trong tiến hành thanh tra.
Chú trọng việc phát hiện các trường hợp đóng thiếu mức đóng, các trường hợp thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng không đăng ký tham gia. Trên cơ sở số lao động giữa cơ quan Thuế và cơ quan BHXH, tiến hành phân tích, sàng lọc và nhận diện dấu hiệu vi phạm; thực hiện kiểm tra Sổ quản lý nhân sự, Hợp đồng lao động, Bảng thanh toán tiền lương, Sổ chi tiết các tài khoản kế toán, quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp của cơ quan Thuế để xác định, yêu cầu truy thu, tăng mới đối tượng bắt buộc phải tham gia theo quy định.
3. Xử phạt VPHC, cưỡng chế thi hành quyết xử phạt VPHC
3.1. Khi phát hiện các vụ việc VPHC về đối tượng, phương thức, mức đóng BHXH, BHTN, BHYT cần xử lý nghiêm, không bỏ lọt hành vi hoặc xử phạt không đúng hình thức, mức phạt được quy định đối với lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT. Thường xuyên nghiên cứu, cập nhật văn bản pháp luật về xử lý VPHC và pháp luật khác có liên quan để nâng cao chất lượng hiệu quả trong hoạt động xử phạt VPHC, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung, biểu mẫu…cụ thể:
3.1.1. Lập biên bản VPHC và ra quyết định xử phạt VPHC
- Phát hiện hành vi có dấu hiệu VPHC về đóng BHXH, BHTN, BHYT.
- Tiến hành kiểm tra xem xét: lập biên bản làm việc hoặc biên bản kiểm tra xác minh:
+ Xác định đúng chủ thể có hành vi VPHC và đối tượng bị xử phạt VPHC (cá nhân hoặc tổ chức): đối tượng bị xử phạt VPHC chung được quy định tại Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP (lưu ý trường hợp đối tượng bị xử phạt là Chi nhánh, Văn phòng đại diện và Hộ kinh doanh cá thể khi xử phạt VPHC về đóng BHXH, BHTN, BHYT).
Đối tượng bị xử phạt gắn với từng hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHTN, BHYT được quy định tại Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế.
+ Thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh hành vi VPHC, đặc biệt là hành vi trốn đóng về đối tượng đóng, cụ thể: Hợp đồng lao động của người lao động thuộc đối tượng tham gia nhưng người sử dụng lao động không lập danh sách đăng ký tham gia hoặc lập danh sách không đầy đủ; Bảng thanh toán tiền lương, chứng từ kế toán…
- Lập biên bản VPHC ghi nhận hành vi vi phạm. Việc lập, ký, giao biên bản VPHC thực hiện theo thời gian, trình tự, nội dung và yêu cầu quy định tại khoản 29 Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xử lý VPHC và Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, trong quá trình lập, ký biên bản VPHC cần chú ý:
+ Sử dụng mẫu biên bản số 01 Phụ lục kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP; ghi nhận đầy đủ nội dung theo mẫu và theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
+ Việc ký biên bản VPHC thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ - CP (biên bản lập thành 02 bản, người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ cùng phải ký vào biên bản; biên bản nhiều trang thì phải ký vào từng trang biên bản…).
Trường hợp biên bản VPHC không được lập tại nơi xảy ra hành vi VPHC thì thực hiện theo quy định khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý VPHC được sửa đổi bổ sung tại khoản 29 Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xử lý VPHC.
+ Việc giao biên bản VPHC thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
- Xác minh tình tiết của vụ việc VPHC: việc này được thực hiện trong một số trường hợp cần thiết như xác định tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ làm cơ sở để xác định mức phạt, việc xác minh tình tiết phải thể hiện bằng văn bản.