Công văn về việc hướng dẫn công tác kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Số hiệu 2424/LĐTBXH-QLLĐNN
Ngày ban hành 27/07/2000
Ngày có hiệu lực 27/07/2000
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Lương Trào
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2424/LĐTBXH-QLLĐNN
Về việc hướng dẫn công tác kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động đưa laođộng việt nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2000

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 2424/LĐTBXH-QLLĐNN NGÀY 27 THÁNG 7 NĂM 2000 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐƯA LAOĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI

Kính gửi

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương các Đoàn thể;
- UBDN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 7/12/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp; Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999 của Chính phủ quy định việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đưa lao động, chuyên gia Việt Nam (sau đây gọi là người lao động) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Đánh giá thực trạng tình hình thực hiện các quy định của Nhà nước về xuất khẩu lao động; Phát hiện các nhân tố mới, kinh nghiệm và mô hình tốt trong hoạt động xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp, các tổ chức liên quan;

- Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;

- Giúp cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, xử lý, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo phát sinh từ hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật;

- Đề xuất kiến nghị để góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, chế độ, chính sách xuất khẩu lao động;

- Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân;

- Tăng cường pháp chế trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và chuyên gia.

2. Yêu cầu:

- Tuân thủ theo quy định của pháp luật về hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và các quy định của pháp luật có liên quan;

- Đảm bảo tính khách quan, trung thực, kịp thời, công khai;

- Cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ ghi trong Quyết định kiểm tra, thanh tra và các quy định của pháp luật.

II. ĐỐI TƯỢNG KIỂM TRA, THANH TRA:

1. Các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động chuyên doanh đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

2. Các doanh nghiệp, tổ chức không có giấy phép hoạt động chuyên doanh nhưng có hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các hợp đồng thầu khoán xây dựng công trình, hợp đồng liên doanh, hợp tác đầu tư, ....

3. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như:

- Đơn vị cung cấp lao động để doanh nghiệp tuyển chọn đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;

- Tổ chức, cá nhân thực hiện việc đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;

- Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo các tranh chấp phát sinh;

- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tuyển lao động dưới danh nghĩa đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

4. Cơ quan tiếp nhận đăng ký hợp đồng cá nhân của người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

III. HÌNH THỨC KIỂM TRA, THANH TRA:

1. Kiểm tra, thanh tra định kỳ: Thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Kiểm tra, thanh tra bất thường: Phục vụ giải quyết khiếu nại tố cáo hoặc khi có biểu hiện vi phạm.

[...]