Công văn 2287/TC/HCSN của Bộ Tài chính về việc thanh toán tài sản trưng mua, đền bù trong cải cách ruộng đất

Số hiệu 2287/TC/HCSN
Ngày ban hành 18/03/2002
Ngày có hiệu lực 18/03/2002
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Thị Thu Hà
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2287/TC/HCSN
Về việc thanh toán tài sản trưng mua, đền bù trong cải cách ruộng đất

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 2287 TC/HCSN NGÀY 18 THÁNH 3 NĂM 2002 VỀ VIỆC THANH TOÁN TÀI SẢN TRƯNG MUA, ĐỀN BÙ TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

Kính gửi: Sở Tài chính Vật giá các tỉnh, thành phố

Ngày 7/11/2001 Bộ Tài chính có Công văn số 10646 TC/HCSN hướng dẫn thanh toán tài sản trưng mua, đền bù trong cải cách ruộng đất. Qua một thời gian triển khai thực hiện còn một số vướng mắc, Bộ Tài chính hướng dẫn thêm một số điểm sau:

1. Về chủ trương trưng thu, trưng mua và đền bù trong cải cách ruộng đất:

a. Về trưng thu, trưng mua:

Luật cải cách ruộng đất ban hành ngày 4/12/1953 quy định:

- Đối với địa chủ Việt gian, phản động, cường hào gian ác, thì tuỳ tội nặng nhẹ mà tịch thu toàn bộ hoặc một phần ruộng đất, trâu bò nông cụ, lương thực, nhà cửa thừa và tài sản khác.

- Đối với nhân sĩ dân chủ, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường: trưng mua toàn bộ tài sản ruộng đất, trâu bò, nông cụ dưới hình thức công phiếu kỳ hạn 10 năm, lãi 1,5%/năm.

- Đối với ruộng đất của địa chủ đã phân tán: trưng mua trả dần trong thời hạn không quá 5 năm.

Căn cứ Luật cải cách ruộng đất, Uỷ ban kháng chiến Hành chính tỉnh, huyện đã thực hiện việc trưng mua tài sản trong cải cách ruộng đất của địa chủ bằng 2 loại giấy.

- Công phiếu (có địa phương ghi công phiếu tạm thời) trưng mua ruộng đất, tài sản của địa chủ, thời hạn 10 năm, lãi 1,5%/năm.

- Giấy biên nhận (hoặc biên lai tạm thời) trưng mua tài sản của địa chủ.

Cả 2 loại giấy trên đều ghi rõ số lượng trưng mua ruộng đất, tài sản của địa chủ quy ra số lượng thóc hoặc ghi thành tiền để làm căn cứ thanh toán.

b. Về giúp đỡ đền bù cho nông dân lao động bị quy sai

Từ năm 1957 đến năm 1959 có rất nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thanh toán đền bù cho nông dân lao động bị quy sai thành phần. Thông tư số 417-TTg ngày 11/9/1957, Thông tư 105/TTg ngày 10/2/1958 của Thủ tướng Chính phủ quy định giúp đỡ đền bù cho nhân dân lao động bị quy sai thành phần; Thông tư số 55/TC-HCP ngày 8/5/1958 của Bộ Tài chính về quy định thanh toán đền bù như sau:

"Tận dụng khả năng của địa phương, dựa vào nông dân lao động bàn bạc thương lượng đền bù cho người bị quy sai thành phần, chỉ khi nào địa phương hết khả năng Chính phủ mới giúp đỡ đền bù bằng cách mua lại những ruộng đất trâu bò còn thiếu của nông dân và trả dần bằng tiền trong thời hạn 5 năm". Thực tế việc đền bù được bắt đầu từ năm 1958 và kết thúc vào năm 1962, có địa phương thực hiện đến năm 1965.

Theo các quy định trên thì không phải trường hợp địa chủ nào cũng được Nhà nước trưng mua tài sản hoặc giúp đỡ đền bù bằng cách mua lại tài sản. Đề nghị Sở Tài chính Vật giá giải thích cho người dân hiểu. Đối với những người trước đây được cấp giấy công phiếu hoặc biên nhận nhưng nay không còn và những trường hợp không được cấp một trong 3 loại giấy trưng mua hoặc đền bù trong cải cách ruộng đất thì không có cơ cở để Nhà nước xem xét giải quyết. Mọi giấy xác nhận, xác minh hoặc tự kê khai vào thời điểm hiện nay đều không có giá trị để giải quyết.

2. Về quy đổi trong thanh toán:

Ngày 2/7/1959 Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 015-SL cho phép Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành tiền mới. Đơn vị tiền tệ thay đổi theo tỷ lệ 1 đồng Ngân hàng mới bằng 1000 đồng tiền Ngân hàng cũ.

Do vậy khi xem xét thanh toán đối với công phiếu hoặc giấy biên nhận phát hành và đã được thanh toán một phần trước ngày 27/2/1959 thì giá trị bằng tiền ghi trên chứng từ gốc là giá trị tiền Ngân hàng cũ được quy đổi ra thóc theo giá thóc là 225 đồng/kg (theo Thông tư số 55 TC/TT/HCP ngày 8/5/1958 của Bộ Tài chính). Đối với công phiếu hoặc giấy biên nhận phát hành sau ngày 27/2/1959 thì giá trị bằng tiền ghi trên chứng từ gốc là giá trị tiền Ngân hàng mới được quy đổi ra thóc theo giá thóc là 0, 225 đồng/kg.

Có một số trường hợp do sơ xuất của cán bộ ghi chứng từ trước đây không ghi ngày tháng năm phát hành hoặc giá trị bằng thóc hoặc bằng tiền thì khi thanh toán phải căn cứ vào một trong các yếu tố: số lượng tài sản hoặc giá trị tiền, so sánh với những trường hợp khác ghi đầy đủ, có số lượng tài sản hoặc giá trị tiền tương tự để xác định làm căn cứ thanh toán cho dân.

Khi thanh toán phải trừ đi số trước đây đã được thanh toán hoặc các khoản bồi thường, thóc, tô và thuế người dân phải nộp cho nhà nước ghi trên chứng từ. Tiền lãi chỉ thanh toán theo thời gian và lãi suất được ghi trên chứng từ gốc. Giá thóc để quy đổi trợ cấp cho dân là giá thóc thu thuế nông nghiệp tại thời điểm thanh toán ở địa phương.

Đề nghị các địa phương căn cứ hướng dẫn nêu trên, kiểm tra, xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể, kết thúc việc chi trả trong năm 2002 và có văn bản báo cáo tình hình thực hiện gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Trần Thị Thu Hà

(Đã ký)