Công văn 2282/BVHTTDL-VHCS về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 2282/BVHTTDL-VHCS
Ngày ban hành 14/07/2009
Ngày có hiệu lực 14/07/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Huỳnh Vĩnh Ái
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH  
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 2282/BVHTTDL-VHCS
V/v tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2009

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức kiểm tra, khảo sát đánh giá công tác quản lý tổ chức lễ hội tại một số tỉnh, thành phố; Để công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội đi vào nề nếp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các cơ quan nghiên cứu báo cáo chuyên đề ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Vụ Văn hóa Văn nghệ, đồng thời rà soát, chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, tập trung vào một số nội dung cụ thể như sau:

1. Về thời gian tổ chức lễ hội: tiến hành rà soát lại các lễ hội, tránh tình trạng mở hội liên tục, gây lãng phí tốn kém nhất là các lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch.

2. Về nội dung lễ hội:

- Phần lễ: đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức nghi thức dâng hương, nghi thức và lễ rước trang trọng, thể hiện sự tôn nghiêm và kế thừa nghi lễ truyền thống lịch sử, phản ánh được bản sắc văn hóa địa phương, trang trọng, tiết kiệm.

- Phần hội: kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống và hiện đại, khôi phục các trò chơi trò diễn dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, giới thiệu về lịch sử của danh nhân và các nhân vật thờ tự gắn với nguồn gốc, xuất xứ của lễ hội, tăng cường giới thiệu thành tựu kinh tế xã hội, địa điểm, tour, tuyến du lịch và sản vật của địa phương cho du khách.

3. Về cơ sở vật chất, hoạt động kinh doanh dịch vụ và vệ sinh môi trường: tăng cường công tác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ lễ hội, đặc biệt chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng việc trồng cây xanh tạo môi trường xanh, sạch, đẹp trong không gian tổ chức lễ hội. Có biện pháp ngăn ngừa tình trạng nâng giá, ép giá hàng quá cao tại lễ hội.

4. Về sử dụng nguồn lực tham gia lễ hội: chú trọng sử dụng nguồn lực tại chỗ, lực lượng quần chúng tham gia chương trình hoạt động lễ hội, giao cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương tổ chức thực hiện, hạn chế việc thuê khoán dàn dựng kịch bản gây nhàm chán, tốn kém hiệu quả thấp gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

5. Thực hiện nếp sống văn hóa: tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa và có biện pháp ngăn chặn các sai phạm, tệ nạn nảy sinh trong lễ hội. Không khuyến khích tổ chức các lễ hội các nội dung phản cảm, hiệu quả giáo dục thấp. Tuyên truyền, giáo dục cán bộ công chức thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc, không lạm dụng thời gian tham gia hoạt động lễ hội.

6. Về quản lý sử dụng tiền công đức: quản lý và sử dụng nguồn thu công đức đúng mục đích nhằm khai thác có hiệu quả lễ hội và bảo vệ di tích, đảm bảo sự minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Chấn chỉnh việc đặt nhiều hòm công đức, nhiều ban thờ trong di tích làm sai lệnh ý nghĩa từ tâm hướng thiện của nơi thờ tự.

Lễ hội là di sản của mỗi địa phương và cả nước, trước áp lực nhu cầu tổ chức lễ hội và lực lượng du khách tham dự lễ hội ngày càng cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện để hoạt động lễ hội gắn với hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, đồng thời giữ gìn sự trong sáng của lễ hội.

Trân trọng cảm ơn sự phối hợp chỉ đạo thực hiện của Quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Tuyên giáo Trung ương (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (để báo cáo);
- Lưu: VT (01), VHCS, TTTM 100.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Vĩnh Ái   

 

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
VỤ VĂN HÓA – VĂN NGHỆ
---------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
------------

 

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2009

 

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỄ HỘI NĂM 2009

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các lễ hội được tổ chức, chỉ đạo và quản lý tốt, được nhân dân các địa phương hưởng ứng, tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần phong phú trong cộng đồng các dân tộc.

Lễ hội là di sản văn hóa dân tộc, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng hấp dẫn, thu hút mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia, hưởng thụ. Lễ hội là chứng chỉ quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Những năm trước đây, do nhận thức chưa đúng trong quản lý xã hội và văn hóa, ở nhiều địa phương đã coi các cơ sở thờ tự: đình, chùa đền, miếu và hoạt động lễ hội là tàn dư của chế độ cũ, cần dẹp bỏ. Nhu cầu chính đáng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân chưa được coi trọng đúng mức. Trong một thời gian dài các hoạt động lễ hội không được tổ chức hoặc tổ chức một cách hình thức (nhà nước hóa), nhiều hình thức tế lễ, trò chơi dân gian bị loại bỏ khiến cho lễ hội trở nên đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Những năm gần đây, lễ hội ngày càng được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Nó là một sinh hoạt văn hóa cần thiết để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc nhưng cũng do đặc thù của nhiều lễ hội, phong tục, tín ngưỡng ở một số nơi, môi trường lễ hội dễ phát sinh những hạn chế, bất cập, hủ tục…

1. Tình hình tổ chức lễ hội hiện nay

Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2008, cả nước có 7966 lễ hội, có tài liệu ghi có gần 8300 lễ hội được tổ chức trên phạm vi cả nước, trong đó, riêng các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc bộ có gần 4.300 lễ hội (chiếm hơn 50%) qui mô từ làng xã đến cấp Quốc gia và mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Các địa phương có nhiều lễ hội như: Hà Nội: 1078; Bắc Giang: 495; Bắc Ninh: 465; Thái Bình: 450; Hải Dương: 567; Hưng Yên: 364…Ở các địa phương này, hầu như làng (thôn) nào cũng có lễ hội riêng của mình. Ngoài ra, khu vực này còn là nơi tập trung những lễ hội cấp quốc gia, vùng miền tiêu biểu như: Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng, Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Côn Sơn – Kiếp bạc (Hải Dương); Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Lễ hội Phủ Dày (Nam Định), Hội Lim (Bắc Ninh)…

Việc tổ chức lễ hội ở các tỉnh khu vực phía Bắc mấy năm gần đây đã dần đi vào ổn định. Cơ sở hạ tầng ở các di tích được đầu tư tốt. Công tác tổ chức ngày càng tốt hơn, đã dẹp bỏ được nhiều điểm thờ tự giả (Chùa Hương, Yên Tử), bảo đảm an toàn cho khách hành hương, dẹp bỏ được nhiều tệ nạn và trò lừa gạt du khách. Các nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống được phục hồi, tổ chức trang trọng. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức góp phần làm phong phú phần hội, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

Các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên có số lượng lễ hội ít, quy mô nhỏ. Số tỉnh lễ hội rất ít, như: Hà Giang: 10; Yên Bái: 27; Lai Châu: 29; Nghệ An: 29; Đà Nẵng: 19; Lâm Đồng: 16; Quảng Bình: 42… Hầu hết lễ hội ở các tỉnh miền núi phía Bắc là lễ hội xuống đồng, mở đầu mùa trồng trọt. Các tỉnh khu vực miền Trung chỉ có một số lễ hội mới: Lễ hội thống nhất non sông ở Quảng Trị, Festival Huế, Quảng Nam – Hành trình di sản… được tổ chức với quy mô lớn. Lễ hội dân gian có lễ hội Quan Thế âm ở Đà Nẵng, lễ hội Vía Bà Thiên Yana ở Quảng Nam là có quy mô khu vực, còn lại chủ yếu là lễ hội cầu ngư của các cư dân ven biển, gắn kết nghi thức sinh hoạt văn hóa dân gian với ý nghĩa ngày hội nghề nghiệp.

Khu vực các tỉnh phía Nam có đặc điểm khác biệt là số lượng lễ hội tôn giáo và lễ hội lịch sử cách mạng chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số lễ hội. Trong số 2.269 lễ hội ở khu vực này, có tới 859 lễ hội tôn giáo và 209 lễ hội lịch sử cách mạng (chiếm gần 50%). Cả nước có khoảng 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài thì phần lớn đều ở các tỉnh phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh). Một số lễ hội lớn quy mô khu vực ở các tỉnh phía Nam đều là lễ hội tôn giáo và lễ hội lịch sử cách mạng, như: Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang) mỗi năm đón hàng triệu du khách; lễ hội Đền Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá – Kiên Giang) mỗi năm thu hút hơn nửa triệu người dự.

2. Đánh giá về công tác quản lý và tổ chức lễ hội

[...]