Công văn 2258/BVTV-QLSVGHR năm 2014 sửa đổi, bổ sung Quy trình phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long do Cục Bảo vệ thực vật ban hành
Số hiệu | 2258/BVTV-QLSVGHR |
Ngày ban hành | 24/11/2014 |
Ngày có hiệu lực | 24/11/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục Bảo vệ thực vật |
Người ký | Ngô Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2258/BVTV-QLSVGHR |
Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2014 |
Kính gửi: Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh trồng thanh long
Thanh long là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đã được trồng ở nhiều tỉnh thành. Bệnh đốm nâu do nấm Neoscytalidium dimidiatum gây ra làm giảm giá trị thương phẩm của trái thanh long nghiêm trọng.
Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long (qui trình tạm thời) theo Công văn số 1448/BVTV-QLSVGHR ngày 9/7/2013 để hướng dẫn nông dân áp dụng phòng chống bệnh.
Nay, Cục Bảo vệ thực vật sửa đổi, bổ sung qui trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh có trồng thanh long tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho nông dân trồng thanh long áp dụng.
Trong quá trình hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc, đề nghị các Chi cục Bảo vệ thực vật phản ánh về Cục Bảo vệ thực vật để kịp thời giải quyết.
Nơi nhận: |
KT. CỤC TRƯỞNG |
QUY TRÌNH
KỸ THUẬT PHÒNG CHỐNG
BỆNH ĐỐM NÂU HẠI THANH LONG
(Quy trình sửa đổi, bổ sung)
I. MỤC TIÊU
Nhằm đưa ra các biện pháp kỹ thuật tạm thời phòng trừ bệnh đốm nâu hại thanh long, giảm tổn thất, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất cây thanh long theo hướng sản xuất an toàn, bền vững.
II. PHẠM VI ÁP DỤNG
Quy trình kỹ thuật tạm thời quản lý bệnh đốm nâu gây hại cây thanh long được áp dụng trong hệ thống tổ chức chuyên ngành Bảo vệ, Kiểm dịch thực vật và các tổ chức, cá nhân có trồng cây thanh long trên lãnh thổ Việt Nam.
III. NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI
1. Nguyên nhân, cơ chế gây bệnh
Bệnh đốm nâu được ghi nhận đã, đang xuất hiện ở một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan. Ở Việt Nam, một số vườn thanh long tại các địa phương thuộc tỉnh Bình Thuận và Long An đã xuất hiện loại bệnh này, tuy mới xuất hiện nhưng bệnh có tốc độ lây lan nhanh và gây hại trên diện rộng.
Nguyên nhân gây bệnh đốm nâu hại thanh long là nấm Neoscytalidium dimidiatum (Penz) Crous & Slipper (họ Botryosphaeriaceae, bộ Botryosphaeriales).
Bào tử nấm gây bệnh nảy mầm trên bề mặt tiếp xúc rồi xâm nhập vào trong mô gây hoại tử, bệnh gây hại cả trên thân cành và quả thanh long.
2. Triệu chứng bệnh
- Trên thân cành: khi mới xuất hiện, triệu chứng ban đầu là các vết lõm màu trắng (nên nhiều nơi gọi là bệnh đốm trắng,...), sau đó vết bệnh nổi lên thành những đốm tròn màu nâu như mắt cua. Trong điều kiện thuận lợi bệnh phát triển mạnh, các vết bệnh liên kết với nhau làm cho cành thanh long bị sần sùi, gây thối khô từng mảng.
- Trên quả: tương tự như trên thân cành, những đốm làm cho vỏ quả trở nên sần sùi thối khô từng mảng. Bệnh nặng có thể gây nám (rám) cả quả làm giảm giá trị thương phẩm nghiêm trọng.
3. Phương thức lây lan
Bệnh phát sinh phát triển và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, ẩm độ không khí cao, nhất là vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Bệnh phát sinh gây hại nặng hơn trên những vườn thanh long rậm rạp, bón nhiều phân đạm, sử dụng nhiều chất kích thích sinh trưởng. Bệnh đốm nâu cây thanh long lây lan chủ yếu qua: hom giống, cành và quả thanh long bị bệnh, qua gió, dòng nước chảy và qua một số sinh vật (ốc sên, côn trùng).
IV. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
Để phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long hiệu quả phải áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
4.1. Biện pháp canh tác
- Làm sạch cỏ dại trong vườn, không để vườn quá rậm rạp tạo nơi tích lũy bào từ nấm và làm tăng ẩm độ trong vườn.