Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Công văn 2146/BNN-HTQT tiếp nhận Vốn viện trợ không hoàn lại của CIDA-Canada cho Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2146/BNN-HTQT
Ngày ban hành 27/07/2011
Ngày có hiệu lực 27/07/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bùi Bá Bổng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2146/BNN-HTQT
V/v Tiếp nhận Vốn viện trợ không hoàn lại của CIDA-Canada cho Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp

Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2011

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hiệp định vay vốn giữa Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), khoản vay số Cr.4518-VN về Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp đã được ký ngày 9/12/2008 và có hiệu lực ngày 9/3/2009. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 1846/QĐ-BNN-HTQT ngày 19/6/2008 về việc phê duyệt dự án Cạnh tranh Nông nghiệp, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) thuộc khoản vay nói trên.

I. TÓM TẮT DỰ ÁN

1. Tên dự án: Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp (ACP).

2. Cơ quan thực hiện: Ban quản lý dự án ACP (PCU) – Ban quản lý các dự án Nông nghiệp.

3. Mục tiêu của dự án: Mục tiêu phát triển của dự án là nâng cao khả năng cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ tại 8 tỉnh miền Trung tại Việt Nam thông qua việc liên kết sản xuất với khối doanh nghiệp nông nghiệp.

4. Địa điểm đầu tư: 8 tỉnh dự án gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đăk Lăk và tỉnh Lâm Đồng.

5. Nội dung đầu tư: Dự án có 3 hợp phần:

- Hợp phần A: Tăng cường công nghệ nông nghiệp (16,2 triệu USD do IDA tài trợ toàn bộ). Hợp phần này sẽ hỗ trợ xác định và thực hiện các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo tính bền vững về môi trường do việc nâng cao tính cạnh tranh của các biện pháp canh tác tạo ra.

- Hợp phần B: Hỗ trợ liên minh sản xuất (28,5 triệu USD). Hợp phần này sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ nông dân sản xuất nhỏ và doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ thành lập, phát triển theo hướng tư nhân các liên minh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư cho ngành nông nghiệp.

- Hợp phần C: Nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu (24 triệu USD). Hợp phần này giải quyết những nhu cầu cơ sở hạ tầng thiết yếu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, những hoạt động đầu tư này sẽ đóng góp vào việc giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm chi phí vận chuyển và tăng năng suất nông nghiệp.

- Hợp phần D: Quản lý dự án và phát triển thể chế (6,3 triệu USD). Hợp phần này cung cấp các hỗ trợ cần thiết để đảm bảo việc thực hiện dự án có hiệu quả.

5. Tổng vốn đầu tư và nguồn vốn:

Tổng vốn đầu tư: 75 triệu USD

Trong đó:

- Vốn vay của IDA: 59.8 triệu USD

- Vốn tư nhân: 12.9 triệu USD

- Vốn đối ứng (ngân sách các cấp): 2.3 triệu USD

6. Thời gian thực hiện: 2009 – 2013

II. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN DỰ ÁN.

1. Tiến độ thực hiện

1.1. Hợp phần A: Tăng cường công nghệ nông nghiệp

- Ban quản lý dự án các tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn tròn, tham vấn nông dân và đã xác định được 107 chủ đề nghiên cứu và chuyển giao. WB không phản đối về các điều khoản tham chiếu (TOR) của 87 chủ đề, trong đó đã có 58 chủ đề được phê duyệt và 36 chủ đề được ký hợp đồng với tổng giá trị khoảng 28 tỷ đồng.

- Hỗ trợ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện chương trình giám sát dư lượng hóa chất 2009 – 2010, in ấn và phát hành danh mục thuốc BVTV. Hầu hết các tỉnh đã ký hợp đồng với Chi cục BVTV thực hiện chương trình giám sát dư lượng hóa chất 2010 – 2011; Giám sát trại và chợ buôn bán nông sản: các kết quả này đang được kiểm tra, báo cáo và tổng kết đánh giá kết quả chương trình phân tích nhanh và giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các trang trại và chợ; Tổ chức triển khai các lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân theo kế hoạch đã được WB không phản đối;

- Dự kiến cam kết thực hiện đến tháng 12/2011 cho Hợp phần A: trao thầu cho các gói thầu tư vấn (A1, A2) của 107 chủ đề khoảng 90 tỷ đồng, dự kiến giải ngân đạt 22 tỷ đồng.

1.2. Hợp  phần B: Hỗ trợ liên minh sản xuất

- Tiểu hợp phần B1: Thành lập các liên minh sản xuất mới.

PCU đã tổ chức 04 đợt thẩm định để lựa chọn các liên minh sản xuất (các tỉnh giai đoạn 1 tham gia 4 đợt và các tỉnh giai đoạn 2 tham gia 3 đợt). Tiểu hợp phần B1 đã có 98 đề xuất được WB không phản đối, trong đó có 56 đề xuất đã được WB không phản đối kế hoạch kinh doanh, và 42 liên minh đủ điều kiện giải ngân và đang trong quá trình thực hiện đối với số tiền đã được phê duyệt là 243,5 tỷ đồng.

[...]