Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 2062/BKHCN-KHTC năm 2020 hướng dẫn xây dựng khung kế hoạch khoa học và công nghệ 5 năm 2021-2025 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 2062/BKHCN-KHTC
Ngày ban hành 15/07/2020
Ngày có hiệu lực 15/07/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Lê Xuân Định
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2062/BKHCN-KHTC
V/v: Hướng dẫn xây dựng khung kế hoạch khoa học và công nghệ 5 năm 2021-2025

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; Công văn số 4201/BKHĐT-TH ngày 30/6/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề cương chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hướng dẫn các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) tổ chức việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KH&CN 5 năm 2016-2020 và xây dựng kế hoạch KH&CN 5 năm 2021-2025 như sau:

I. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KH&CN 5 năm 2016-2020

Tại Công văn số 254/BKHCN-KHTC ngày 07/02/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KH&CN năm 2020 và 05 năm 2016-2020. Tiếp theo, trên cơ sở hướng dẫn đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2016-2020 tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, căn cứ đặc điểm, tình hình và lĩnh vực, địa bàn quản lý tiến hành đánh giá, bổ sung các nội dung cho phù hợp và đầy đủ với tình hình của từng đơn vị và địa phương.

Việc đánh giá cần làm rõ và lượng hóa các kết quả nổi bật của từng nội dung hoạt động KH&CN trong 5 năm 2016-2020, nêu những tồn tại, vướng mắc cần khắc phục để có thể rút kinh nghiệm về việc tổ chức điều hành các hoạt động KH&CN trong quá trình thực hiện, đề xuất các giải pháp bảo đảm hiệu quả của hoạt động KH&CN trong những năm tiếp theo.

II. Về dự kiến khung kế hoạch KH&CN 5 năm 2021-2025

Nội dung phát triển KH&CN để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Đảng xác định thông qua rất nhiều văn kiện, Nghị quyết và đặc biệt trong thời gian gần đây như Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XII; Nghị quyết Trung ương 4, 5 Khóa XII đã làm rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để KH&CN đóng góp vào việc phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tại dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được đề cập: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, đổi mới tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh;...”; “Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới, kinh tế số, xã hội số....”; “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế...”. Do vậy, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được xác định là một trong những đột phá chiến lược trong giai đoạn trong 5 năm 2021-2025, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần bám sát các định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khai thác lợi thế, thế mạnh của các ngành, lĩnh vực, các vùng để chú trọng phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm OCOP; áp dụng công nghệ cao để giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm.

2. Phát triển công nghiệp trên cơ sở đổi mới công nghệ; tạo bước tiến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số ngành và sản phẩm công nghiệp; tăng nhanh hàm lượng công nghệ, giảm mức tiêu hao năng lượng và vật tư nguyên liệu trong sản phẩm; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, tăng cường nguồn lực tạo cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

3. Tăng cường nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng chuyển giao KH&CN để phục vụ trực tiếp cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chú trọng các ngành sử dụng công nghệ cao.

4. Thực hiện đồng bộ việc nâng cao năng lực KH&CN có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ về cơ sở vật chất và nhân lực gắn với việc nâng cao hiệu quả sử dụng đổi mới mạnh mẽ tổ chức, cơ chế quản lý nhà nước và cơ chế hoạt động KH&CN theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng làm chủ đạo; đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, hình thành cơ chế liên kết hữu cơ, cùng có lợi giữa KH&CN với đào tạo và sản xuất kinh doanh.

5. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, tiếp tục tổng kết thực tiễn, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách đổi mới cơ chế quản lý phát triển đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

6. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng gắn với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, trực tiếp là nhu cầu của các doanh nghiệp và các cơ sở ứng dụng khác.

7. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, dịch vụ...

8. Tiếp tục ưu tiên phát triển công nghệ cao, đồng thời sử dụng hợp lý công nghệ sử dụng nhiều lao động để chủ động ứng phó với các cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hình thành một số cơ sở nghiên cứu triển khai, một số viện công nghệ đầu ngành mạnh gắn với các cơ sở sản xuất mạnh, đủ sức tiếp thu, cải tiến công nghệ tiên tiến của thế giới và sáng tạo công nghệ mới;

9. Hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Có chính sách ưu tiên cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nông thôn (trước hết là giống, công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản...) nhằm hình thành nền công nghiệp hàng hóa có chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao.

10. Quan tâm đúng mức đến phát triển nghiên cứu cơ bản có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nhu cầu đất nước, với nghiên cứu ứng dụng KH&CN.

11. Hoàn thiện hệ thống đánh giá và thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện nghiêm túc các quy định về quyền sở hữu trí tuệ.

12. Triển khai thực hiện đồng bộ các quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Đo lường; các Chương trình, Đề án theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2021-2025.

III. Một số lưu ý đối với việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KH&CN 5 năm 2016-2020 và xây dựng khung kế hoạch KH&CN 5 năm 2021-2025

1. Việc tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KN&CN 5 năm 2016-2020 phải huy động được sự tham gia và phối hợp của các đơn vị chủ yếu trong bộ, cơ quan trung ương và địa phương để đảm bảo nâng cao chất lượng báo cáo tổng kết. Trong khả năng cao nhất, cần có các chỉ tiêu, chỉ số đánh giá cụ thể để minh họa cho các nhận xét, kết luận hay ý kiến được nêu ra trong báo cáo đánh giá.

2. Các đề xuất trong khung kế hoạch KH&CN 5 năm 2021-2025 cần đáp ứng một cách tối đa, các định hướng phát triển và nhiệm vụ chủ yếu nêu trên. Đồng thời phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

3. Việc đề xuất kế hoạch cần phải gắn kết với khả năng cân đối nguồn lực để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả sử dụng nguồn lực và khả năng thực hiện của các ngành, các cấp và sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

4. Trong quá trình xây dựng kế hoạch 5 năm về KH&CN, cần chú ý tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các chuyên gia trong, ngoài nước...

IV. Tiến độ triển khai xây dựng khung kế hoạch KH&CN 5 năm 2021-2025

Để đáp ứng yêu cầu tổng hợp và gửi dự thảo báo cáo chung cho toàn ngành KH&CN đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước 31 tháng 7 năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện việc xây dựng kế hoạch theo các tiến độ sau đây:

1. Hoàn thành và gửi Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KH&CN 5 năm 2016-2020 và dự kiến khung kế hoạch KH&CN 5 năm 2021-2025 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương mình về Bộ Khoa học và Công nghệ trước ngày 22/7/2020, đồng thời gửi vào hộp thư điện tử nqchien@most.gov.vn.

2. Dự kiến khoảng tháng 10-11/2020 sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn để xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách cho hoạt động KH&CN 5 năm 2021-2025.

[...]