Công văn 2056/TCT-KTNB về chấn chỉnh công tác quản lý thuế qua hoạt động kiểm tra nội bộ và thực hiện kế hoạch kiểm tra nội bộ năm 2023 do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 2056/TCT-KTNB
Ngày ban hành 25/05/2023
Ngày có hiệu lực 25/05/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Mai Xuân Thành
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2056/TCT-KTNB
V/v chấn chỉnh công tác quản lý thuế qua hoạt động KTNB và thực hiện kế hoạch KTNB năm 2023.

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2023

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong thời gian qua, để đảm bảo thực hiện thống nhất và tập trung công tác kiểm tra nội bộ ngành Thuế đã ban hành các Công văn số 4101/TCT-KTNB ngày 08/11/2022 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch KTNB năm 2023, Công văn số 4398/TCT-KTNB ngày 24/11/2022 về việc thông báo kế hoạch kiểm tra công vụ và công tác PCTN năm 2023 của Tổng cục Thuế. Nội dung tập trung vào kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra thuế; hoàn thuế GTGT; quản lý nợ thuế; kê khai thuế; quản lý ấn chỉ, biên lai, tiền thuế, tiền phí, lệ phí; quản lý chi tiêu kinh phí ngành; kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức thuế; kiểm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác tổ chức cán bộ và các nội dung khác theo yêu cầu quản lý thuế tại địa phương.

Qua việc thực hiện áp dụng các biện pháp khai thác dữ liệu tập trung tại cơ quan Thuế, phát triển các kỹ năng kiểm tra trên các ứng dụng của ngành, công tác kiểm tra nội bộ toàn ngành đã đạt hiệu quả cao, góp phần củng cố nội bộ ngành, nâng cao ý thức trách nhiệm và hạn chế được những sai sót của đội ngũ công chức thuế trong quá trình thực thi công vụ, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật toàn ngành Thuế. Thông qua công tác kiểm tra nội bộ đã cho thấy một số tồn tại cần phải khắc phục ngay để công tác kiểm tra nội bộ toàn ngành nói riêng và công tác quản lý thuế nói chung đạt được hiệu quả cao hơn trong những năm tới, cụ thể như sau:

1. Kết quả công tác kiểm tra nội bộ năm 2022

Năm 2022, toàn ngành đã thực hiện kiểm tra 1.431 cuộc trên tổng số 1.289 cuộc kiểm tra theo kế hoạch năm, đạt 111% kế hoạch năm 2022, trong đó: Tổng cục Thuế thực hiện 18 cuộc; các Cục Thuế thực hiện 376 cuộc; các Chi cục Thuế thực hiện 1.037 cuộc. Các cuộc kiểm tra nội bộ được tiến hành kiểm tra theo kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm, về cơ bản đã thực hiện đúng quy trình, quy chế kiểm tra nội bộ và quy định pháp luật về thuế.

Qua công tác kiểm tra nội bộ, toàn ngành phát hiện số tiền sai phạm là 335.472,3 triệu đồng, kiến nghị thu hồi vào NSNN 93.709,4 triệu, giảm lỗ 230.927,7 triệu, giảm khấu trừ 1.270,5 triệu và xử lý khác 9.564,6 triệu; số công chức thuế vi phạm phát hiện qua kiểm tra là 1.035 người; đã xử lý 1.003 người (kiểm điểm rút kinh nghiệm 1.002 người, xử lý hành chính với hình thức cách chức 01 người).

2. Tồn tại và hạn chế qua công tác kiểm tra nội bộ

Ngoài kết quả đã đạt được nêu trên, qua công tác KTNB còn một số tồn tại, hạn chế qua kiểm tra đã phát hiện cần khắc phục, chấn chỉnh trong công tác quản lý thuế (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo Công văn này).

3. Khắc phục tồn tại qua công tác kiểm tra nội bộ và thực hiện kế hoạch KTNB năm 2023

Để nghiêm túc khắc phục những tồn tại đã nêu trên tại Phụ lục kèm theo công văn này, Tổng cục Thuế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị và Cục trưởng các Cục Thuế thực hiện một số nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong kỷ luật, kỷ cương hành chính. Chỉ đạo các Phòng chức năng, các Chi cục Thuế trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-TCT ngày 19/9/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm nêu gương đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, đảng viên tại cơ quan thuế các cấp; Công văn số 1199/TCT-KTNB ngày 23/3/2020, Công văn số 429/TCT-TCCB ngày 25/02/2023; Công văn số 740/TCT-VP ngày 16/3/2023 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ và Chỉ thị số 01/CT-TCT ngày 11/4/2023 về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn.

2. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý thuế để đảm bảo đủ năng lực cảnh báo, kiểm tra, phát hiện những sai phạm của người nộp thuế.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là công chức thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn trong quá trình thực thi công vụ. Bố trí những công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có phẩm chất đạo đức, đảm nhận được các nhiệm vụ được giao.

Tổ chức kiểm tra thực thi công vụ thường xuyên, đột xuất; xử lý kịp thời những thông tin phản hồi, thông tin phản ánh sai phạm của cán bộ thuế.

4. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong thực hiện chỉ đạo về xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để phòng ngừa, phát hiện tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; có cơ chế giám sát minh bạch. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các công chức sai phạm, kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống những công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, thiếu ý thức trách nhiệm, vi phạm 10 Điều kỷ luật đối với công chức, viên chức ngành thuế theo quy định tại Quyết định số 1036/QĐ-TCT ngày 11/6/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Thực hiện nghiêm Quyết định số 2181/QĐ-TCT ngày 27/12/2012 quy định Tiêu chuẩn văn hóa công sở và đạo đức công chức, viên chức ngành thuế; Quyết định số 67/QĐ-TCT ngày 11/01/2013 quy định những tiêu chuẩn cần “Xây” và những điều cần “Chống” đối với công chức, viên chức ngành thuế.

5. Chủ động triển khai công tác kiểm tra nội bộ và tập trung nguồn lực phấn đấu thực hiện hoàn thành 100% kế hoạch KTNB đã đề ra. Trong quá trình kiểm tra nội bộ phân tích, lựa chọn nội dung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, có dấu hiệu rủi ro cao, thực hiện đúng quy chế, quy trình, văn bản quy phạm pháp luật, chế độ chính sách, liên quan đến nội dung kiểm tra nội bộ để cuộc kiểm tra đánh giá đúng thực trạng quản lý, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tồn tại, thiếu sót để từ đó rút ra bài học thực tiễn và đề ra biện pháp quản lý thích hợp, hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại.

6. Thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng: Nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản quy định về công tác tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn khiếu nại tố cáo. Thực hiện áp dụng các mẫu biểu và giải quyết theo đúng quy định tại Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật khiếu nại; Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo; Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị phản ánh.

Nhằm nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế và hạn chế tối đa việc phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo sau thanh tra kiểm tra trước khi Đoàn Thanh tra, kiểm tra ký biên bản với Người nộp thuế cần: (1) Tăng cường đối thoại, giải thích, hướng dẫn cho NNT hiểu rõ căn cứ pháp lý liên quan đến việc xử lý vi phạm về thuế; (2) Thực hiện lấy ý kiến trước khi thực hiện kết luận đối với các trường hợp còn vướng mắc theo quy định tại Quyết định số 2601/QĐ-TCT ngày 30/12/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Định kỳ thực hiện rà soát, xem xét, kiểm điểm trách nhiệm qua kết quả giải quyết khiếu nại theo Công văn 4536/TCT-KTNB ngày 30/9/2016 của Tổng cục Thuế đối với các hồ sơ giải quyết khiếu nại công nhận hoặc công nhận một phần.

7. Thực hiện việc nhập dữ liệu vào phần mềm ứng dụng KTNB đầy đủ, đúng quy định. Tăng cường đôn đốc, giám sát việc nhập dữ liệu của các Chi cục Thuế trực thuộc đảm bảo 100% hồ sơ được nhập kịp thời vào ứng dụng để thuận tiện cho công tác chỉ đạo điều hành và việc tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, KTNB và PCTN của toàn ngành, số liệu báo cáo phải thống nhất giữa báo cáo gửi Tổng cục với số liệu trên ứng dụng tại cơ quan thuế.

8. Giao thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp chỉ đạo rà soát các hạn chế tồn tại được tổng hợp chung trong toàn ngành có xảy ra ở đơn vị mình quản lý thì phải có biện pháp khắc phục chấn chỉnh kịp thời, tổng hợp chung kết quả để Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm bắt, chỉ đạo.

Tổng cục Thuế yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên và chịu trách nhiệm trước Tổng cục Thuế về các nhiệm vụ công tác được giao. Báo cáo kịp thời về Tổng cục Thuế đối với những trường hợp vướng mắc, phức tạp để Tổng cục kịp thời chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế;
- Các Vụ, đơn vị thuộc CQ TCT (để t/h);
- Lưu: VT, KTNB (2b).

Q. TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành

 

TỔNG HỢP MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ PHÁT HIỆN QUA CÔNG TÁC KIỂM TRA NỘI BỘ, GQKNTC VÀ PCTN

(Kèm theo Công văn 2056/TCT-KTNB ngày 25/5/2023)

I. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế

1. Công tác kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ