Công văn 1980/LĐTBXH-KHTC tăng cường công tác quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 1980/LĐTBXH-KHTC
Ngày ban hành 05/06/2013
Ngày có hiệu lực 05/06/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Phạm Thị Hải Chuyền
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1980/LĐTBXH-KHTC
V/v Tăng cường công tác quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2013

 

Kính gửi:

- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ

 

Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013. Bộ yêu cầu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ thực hành tiết kiệm trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách, cụ thể như sau:

1. Về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản:

- Rà soát các dự án đang thực hiện đầu tư đối với từng hạng mục công trình, từng khoản chi phí, kiên quyết cắt, giảm vốn đối với các hạng mục chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả sử dụng thấp, các khoản chi phí còn có thể tiết kiệm được; ưu tiên, tập trung vốn cho các dự án, các hạng mục công trình kết thúc đầu tư, nhanh chóng đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư.

- Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án phải tính toán, cân nhắc tính khả thi và thời gian thực hiện dự án theo hướng tập trung, dứt điểm. Trường hợp, không đảm bảo nguồn vốn để dự án thực hiện theo tiến độ thì tạm dừng hoặc đưa vào kế hoạch cho những năm sau.

- Quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch công tác đấu thầu đối với các gói thầu để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tiết kiệm và hiệu quả kinh tế. Thực hiện đầy đủ, đúng quy trình nghiệm thu để đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm đúng với giá trị thanh toán.

2. Về chi thường xuyên:

- Trên cơ sở dự toán được giao, tính toán, cân đối để bố trí kinh phí cho phù hợp (kể cả các nhiệm vụ phát sinh); quản lý chặt chẽ chi tiêu, tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính;

- Tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu. Giảm chi phí đi lại (nhất là đi lại bằng máy bay), các chi phí cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, đón nhận danh hiệu thi đua tốn kém lãng phí; tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi phí tiếp khách, các đoàn ra nước ngoài bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, các cuộc hội nghị, hội thảo; quản lý chặt chẽ kinh phí chi cho các hội nghị, hội thảo theo đúng quy định của nhà nước.

- Rà soát, tận dụng những tài sản hiện có để điều chuyển trong nội bộ cơ quan cũng như giữa các đơn vị; hạn chế tối đa mua sắm mới trang thiết bị, ôtô (trừ trường hợp thật cần thiết cho phục vụ công tác quản lý); cân đối và bố trí trong dự toán được giao đảm bảo cho nhu cầu sửa chữa thường xuyên đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị.

3. Chi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia và các nhiệm vụ cụ thể khác:

- Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ của từng Chương trình, rà soát tất cả các dự án, mục tiêu để điều chỉnh, bố trí kinh phí đảm bảo đúng mục tiêu đưa vào sử dụng đồng bộ, phát huy hiệu quả thiết thực của từng dự án, từng hoạt động. Khắc phục triệt để tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ giữa các nội dung của dự án như: mua sắm thiết bị nhưng không có nhà xưởng hoặc xây dựng nhà xưởng hoàn thành nhưng không có thiết bị, hoặc có nhà xưởng, thiết bị nhưng không có giáo viên, chương trình.v.v.

- Lồng ghép các hoạt động tổng kết, kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá, hội nghị, hội thảo của các dự án/chương trình để đảm bảo tiết kiệm chi phí tránh tốn kém cho địa phương và cơ sở.

4. Chi thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

- Quản lý chặt chẽ đối tượng hưởng chính sách Người có công; rà soát quy trình xác lập hồ sơ, thủ tục thẩm định, phê duyệt đảm bảo đúng đối tượng được hưởng chính sách; thực hiện kịp thời báo giảm khi đối tượng đã hết điều kiện hưởng chính sách; cải tiến quy trình, thủ tục để đảm bảo trợ cấp đến người hưởng kịp thời, đầy đủ, thuận lợi.

- Sử dụng nguồn nghiệp vụ phí quản lý đảm bảo đúng nội dung chi, hiệu quả. Tiết kiệm chi phí quản lý, tính toán, cân đối nguồn từ nghiệp vụ phí quản lý cho ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý đối tượng, chi trả trợ cấp.

Bộ yêu cầu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị, cơ sở thuộc và trực thuộc Bộ Xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện các nội dung nêu trên, đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của ngành.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng, các đ/c Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Lưu VT, Vụ KHTC.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Thị Hải Chuyền

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ