Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 1918/LĐTBXH-VL năm 2018 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 1918/LĐTBXH-VL
Ngày ban hành 18/05/2018
Ngày có hiệu lực 18/05/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Doãn Mậu Diệp
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1918/LĐTBXH-VL
V/v hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2018

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thực hiện Khoản 12 Điều 1 Quyết định số 2124/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”, sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 3342/BTC-HCSN ngày 23 tháng 3 năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo. việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

Phần I

HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ NGHIỆP

I. HỖ TRỢ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP, ĐÀO TẠO DƯỚI 03 THÁNG

1. Đối tượng

Người học thuộc hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt (sau đây gọi tắt là hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển) trừ những người đang được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, có đủ các điều kiện sau đây:

a) Tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng có thời gian nhập học từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến ngày 31 tháng 12 năm 2018;

b) Chưa được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo các chính sách khác của Nhà nước trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến ngày 31 tháng 12 năm 2018, trừ trường hợp bị mất việc làm theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng;

c) Đã hoàn thành khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo trong thời gian từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến ngày 31 tháng 12 năm 2018.

Trường hợp người học tham gia khóa đào tạo trong thời gian trên nhưng đến ngày 31 tháng 12 năm 2018 chưa hoàn thành khóa đào tạo thì được tiếp tục hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại đến khi kết thúc khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa kể từ ngày nhập học đến khi kết thúc khóa học là 12 tháng.

Trường hợp tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng có thời gian nhập học trong thời gian từ tháng 04 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016 chưa được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại hoặc đã được hỗ trợ chi phí đào tạo nhưng chưa được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thì được hỗ trợ phần chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại mà người học chưa được hưởng.

2. Mức hỗ trợ

a) Mức hỗ trợ chi phí đào tạo:

- Mức tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học.

+ Trường hợp chi phí đào tạo lớn hơn 6 triệu đồng, thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở đào tạo;

+ Trường hợp chi phí đào tạo bằng hoặc thấp hơn 6 triệu đồng, thì người học được hỗ trợ chi phí đào tạo theo số chi thực tế.

- Chi phí đào tạo một khóa học do cơ sở đào tạo tính toán, quy định cụ thể theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 -2016 đến năm học 2020 - 2021 và công khai khi tuyển sinh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 86/2015/NĐ-CP).

Nếu cơ sở đào tạo thực hiện hợp đồng đặt hàng đào tạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì chi phí đào tạo là đơn giá đặt hàng do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 9 và Điều 10 Thông tư số 152/2016/TT-BTC.

b) Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học.

c) Mức hỗ trợ tiền đi lại: 300.000 đồng/người/khóa học, nếu địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

3. Trình tự, thủ tục hỗ trợ

a) Người học:

- Nộp cho cơ sở đào tạo bản sao giấy xác nhận người thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Công văn này. Tham gia khóa đào tạo do cơ sở đào tạo tổ chức theo quy định. Trực tiếp nhận tiền ăn, tiền đi lại theo mức quy định tại cơ sở đào tạo;

- Trường hợp người học tham gia khóa đào tạo tự đóng học phí ở các cơ sở đào tạo khác: Tham gia khóa đào tạo do cơ sở đào tạo tổ chức theo quy định. Khi hoàn thành khóa đào tạo, được cấp chứng chỉ, nộp hồ sơ đề nghị để nhận hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, hồ sơ gồm: Giấy xác nhận thuộc đối tượng của Quyết định số 12/QĐ-TTg theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Công văn này; Đơn đề nghị cấp chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại, có xác nhận của cơ sở đào tạo theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Công văn này; Phiếu thu chi phí đào tạo do cơ sở đào tạo cấp cho người học khi nộp chi phí đào tạo; Bản sao Chứng chỉ đã được cấp (chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo đối với người học chương trình đào tạo dưới 03 tháng).

b) Cơ sở đào tạo:

- Tổng hợp nhu cầu đăng ký đào tạo nghề nghiệp của người học thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển; xây dựng kế hoạch và dự toán gửi Phòng Lao động - thương binh và Xã hội nơi người học đăng ký hộ khẩu thường trú;

- Thực hiện việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo sơ cấp hoặc đào tạo dưới 03 tháng theo quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo thường xuyên;

[...]