Kính
gửi: Cục Thuế tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Long An
Qua phản ánh về công tác quản lý
nợ thuế của các Cục Thuế tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Long An tại đợt công tác
của đồng chí Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đình Vu, Tổng cục Thuế có ý kiến như
sau:
1. Kiến nghị
về công tác đôn đốc nợ: Chuyển nợ thuế đối với các khoản nợ khó thu của các đối
tượng nợ thuế bỏ trốn khỏi địa phương nơi sản xuất kinh doanh về địa phương nơi
cư trú (địa bàn khác), bằng hình thức khi cơ quan thuế nơi cư trú nhận và thu
được khoản nợ thuế của đối tượng nợ thuế bỏ trốn thì chuyển giấy nộp tiền (bản
photo chứng nhận đã thu tiền) cho cơ quan thuế nơi SXKD theo dõi chấm bộ để hết
nợ thuế (Cục Thuế tỉnh Tiền Giang).
Trả lời:
Đối với khoản nợ khó thu của các
đối tượng nợ thuế bỏ trốn khỏi địa phương nơi sản xuất kinh doanh về địa phương
nơi cư trú (địa bàn khác) thì cơ quan thuế nơi người nộp thuế còn nợ thuế thực
hiện các biện pháp quản lý nợ thuế theo quy trình quản lý nợ thuế ban hành kèm
theo Quyết định số 477/QĐ-TCT ngày 15/5/2008 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
để thu hồi nợ thuế. Trong quá trình đôn đốc thu nợ, có thể phối hợp với cơ quan
thuế nơi người nộp thuế cư trú để thu hồi nợ.
2. Kiến nghị
về việc gia hạn nộp thuế: Một số trường hợp phát sinh trong thực tế nhưng chưa
được quy định trong Luật và Thông tư hướng dẫn như: người nộp thuế đang trong
giai đoạn giao, bán, khoán kinh doanh hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp gặp
khó khăn trong kinh doanh nhưng không được gia hạn nộp thuế (Cục Thuế tỉnh Tiền
Giang).
Trả lời:
Điểm 1, mục VI
phần C Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn
thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số
85/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Quản lý thuế quy định các trường hợp được gia hạn nộp thuế:
“1.1. Bị thiên tai, hỏa hoạn,
tai nạn bất ngờ làm thiệt hại vật chất và không có khả năng nộp thuế đúng hạn;
1.2. Di chuyển địa điểm kinh
doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà phải ngừng hoạt động
hoặc giảm sản xuất, kinh doanh, tăng chi phí đầu tư ở nơi sản xuất, kinh doanh
mới;
1.3. Do chính sách của Nhà nước
thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp
thuế.
1.4. Gặp khó khăn đặc biệt khác do
Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”
Đề nghị Cục Thuế hướng dẫn người
nộp thuế lập hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế theo 1 trong 4 trường hợp nêu trên.
Đối với trường hợp đề nghị gia hạn nộp thuế theo diện gặp khó khăn đặc biệt do
Thủ tướng Chính phủ quyết định, Cục Thuế tiếp nhận hồ sơ gia hạn của người nộp
thuế, thẩm định hồ sơ, đề xuất ý kiến xử lý gửi về Tổng cục Thuế theo hướng dẫn
tại điểm 4.3 mục VI phần C Thông tư số 60/2007/TT-BTC nêu
trên.
3. Kiến nghị
về xóa nợ thuế:
3.1. Đề nghị Tổng cục sớm có cơ
chế chính sách để xử lý xóa nợ thuế đối với các khoản nợ có nguồn gốc phát sinh
từ ngày 1/7/2007 trở về trước của các tổ chức, cá nhân đã bỏ trốn, mất tích thật
sự không có khả năng thu; doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động, thanh toán
các khoản nợ thuế đã tự động bỏ kinh doanh không thực hiện theo hình thức giải
thể hoặc tuyên bố phá sản và xóa phạt chậm nộp trong thời gian suy giảm kinh tế
(thời gian thực hiện Nghị quyết số 30/CP) (Cục Thuế tỉnh Tiền Giang, Cục Thuế tỉnh
Kiên Giang, Cục Thuế tỉnh Long An).
Trả lời:
- Thời điểm trước ngày 1/7/2007
không có quy định xóa nợ thuế của các tổ chức, cá nhân đã bỏ trốn, mất tích thực
sự không có khả năng thu; doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động, thanh toán
các khoản nợ thuế đã tự động bỏ kinh doanh không thực hiện theo hình thức giải
thể hoặc tuyên bố phá sản.
- Thời điểm từ ngày 1/7/2007:
Theo quy định tại Điều 65 Luật Quản lý thuế thì các trường
hợp được xóa nợ thuế là:
“1. Doanh nghiệp bị tuyên bố phá
sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà
không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt.
2. Cá nhân được pháp luật coi là
đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền
thuế, tiền phạt còn nợ.”
Căn cứ vào quy định trên thì:
- Đối với trường hợp xác định cá
nhân nợ thuế đã mất tích thì đề nghị Cục Thuế lập đầy đủ hồ sơ đề nghị xóa nợ
thuế theo quy định tại mục III phần E Thông tư số
60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/NĐ-CP ngày
25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý
thuế.
- Đối với tổ chức, cá nhân đã bỏ
trốn, bỏ kinh doanh không thực hiện theo hình thức giải thể hoặc tuyên bố phá sản
và xóa phạt chậm nộp trong thời gian suy giảm kinh tế không phù hợp với quy định
của Luật Quản lý thuế nêu trên. Vì vậy, các trường hợp nợ thuế khó thu nêu trên
chưa có cơ sở để xử lý xóa nợ hoặc loại trừ trong số nợ cơ quan thuế phải theo
dõi.
3.2. Các DNNN được sắp xếp chuyển
đổi loại hình trước ngày 01/7/2007 (cổ phần hóa) nhưng đến nay loại hình doanh
nghiệp cũ vẫn còn nợ và doanh nghiệp được thành lập sau này không theo dõi số nợ
cũ còn tồn (Cục Thuế tỉnh Long An).
Trả lời:
Ngày 12/3/2010, Bộ Tài chính đã
ban hành Thông tư số 34/2010/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện xóa nợ thuế và
các khoản phải nộp NSNN đối với DNNN thực hiện sắp xếp chuyển đổi trước ngày
01/7/2007, trong đó tại Điều 6 có quy định xóa nợ thuế đối
với các khoản nợ thuế thuộc DNNN thực hiện cổ phần hóa trước 01/7/2007 không
bàn giao cho công ty cổ phần.
4. Kiến nghị
về nội dung cưỡng chế nợ thuế:
4.1. Hiện nay chưa có văn bản chỉ
đạo hay Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa
phương hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện việc cưỡng chế thu nợ thuế, nhất là biện
pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên hay biện pháp trích tiền từ
tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế nên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện việc
cưỡng chế thu nợ thuế (Cục Thuế tỉnh Tiền Giang).
Trả lời:
Tại Luật Quản lý thuế và các văn
bản hướng dẫn đã quy định về trách nhiệm cũng như phối hợp của các cơ quan có
liên quan trong việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Cụ thể:
a) Quy định về trách nhiệm và phối
hợp của Uỷ ban nhân dân, lực lượng cảnh sát nhân dân:
- Khoản 1, khoản
2, khoản 3 Điều 96 Luật Quản lý thuế :
“2. Uỷ ban nhân dân xã, phường,
thị trấn nơi có đối tượng thuộc diện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính
thuế chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực
hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
3. Lực lượng cảnh sát nhân dân
có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn, hỗ trợ cơ quan quản lý thuế trong quá
trình cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế khi có yêu cầu của người ra
quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.”
- Điểm 2, Điểm 3
mục VII phần A Thông tư số 157/2007/TT-BTC ngày 24/12/2007 của Bộ Tài chính
hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:
“2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã,
phường, thị trấn nơi có đối tượng bị cưỡng chế, có trách nhiệm chỉ đạo các cơ
quan liên quan trên địa bàn mình phụ trách để phối hợp thực hiện cưỡng chế thi
hành quyết định hành chính thuế khi có yêu cầu của người ban hành quyết định cưỡng
chế hoặc cơ quan tổ chức việc thi hành quyết định cưỡng chế.
3. Để bảo đảm trật tự, an toàn
và được hỗ trợ trong quá trình cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế,
người ban hành quyết định cưỡng chế hoặc cơ quan chủ trì tổ chức cưỡng chế có
văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan công an nhân dân quận, huyện nơi đối tượng bị
cưỡng chế cư trú hoặc có tài sản bị cưỡng chế trước khi thực hiện cưỡng chế là
năm (05) ngày làm việc. Khi nhận được văn bản yêu cầu, cơ quan công an có trách
nhiệm phối hợp với với cơ quan chủ trì cưỡng chế bố trí đủ lực lượng tham gia đảm
bảo trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.”
b) Quy định về trách nhiệm và phối
hợp của Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác:
Khoản 2 Điều 97,
Điều 114 Luật Quản lý thuế quy định: Khi nhận được quyết định cưỡng chế thi
hành quyết định hành chính thuế, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức
tín dụng khác có trách nhiệm trích số tiền ghi trong quyết định cưỡng chế thi
hành quyết định hành chính thuế từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi
hành quyết định hành chính thuế và chuyển sang tài khoản NSNN tại Kho bạc Nhà
nước, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người ra quyết định cưỡng chế thi
hành quyết định hành chính thuế và đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định
hành chính thuế biết. Trường hợp Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác
không thực hiện thì sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định.
Vừa qua, một số Cục Thuế các tỉnh,
thành phố đã chủ động xây dựng hoặc tham mưu cho UBND ban hành Quy chế phối hợp
giữa cơ quan thuế với cơ quan ngân hàng, kho bạc và các tổ chức tín dụng; cơ
quan công an...trong công tác quản lý nợ thuế (Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh,
Hà Nội, Nghệ An...).
Tổng cục Thuế ghi nhận kiến nghị
của Cục Thuế và sẽ nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế phối
hợp giữa cơ quan thuế với cơ quan ngân hàng, kho bạc và các tổ chức tín dụng;
cơ quan công an...trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
4.2. Các biện pháp cưỡng chế được
quy định trong văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ nhưng trong thực tế triển
khai lại rất khó khăn do phải thực hiện tuần tự theo 07 bước mà không được áp dụng
linh hoạt dẫn đến mất nhiều thời gian và nhân lực nhưng hiệu quả lại không cao.
Đề nghị Tổng cục cho sử dụng linh hoạt 07 bước cưỡng chế (Cục Thuế tỉnh Long
An).
Trả lời:
Điểm 3, mục III,
phần A Thông tư số 157/2007/TT-BTC ngày 24/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn
về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định: Việc áp dụng các biện
pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thực hiện theo thứ tự quy định
tại Khoản 1, Điều 93 Luật Quản lý thuế. Việc áp dụng biện
pháp cưỡng chế tiếp theo được thực hiện khi không áp dụng được các biện pháp cưỡng
chế trước đó hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế trước đó nhưng chưa thu đủ
tiền thuế, tiền phạt theo quyết định hành chính thuế.
Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp
trong quá trình thu thập, xác minh và kiểm tra thông tin, Cục Thuế có căn cứ
xác định không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trước đó thì Cục Thuế có thể
chuyển ngay sang áp dụng biện pháp kế tiếp. Hồ sơ lưu trữ phải có tài liệu chứng
minh không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trước đó.
5. Kiến nghị
về ứng dụng công nghệ thông tin:
5.1. Bổ sung chi tiết loại thuế
nhà đất, phạt do ngành thuế thực hiện và thu khác trong mẫu báo cáo tổng hợp
phân loại nợ thuế số 08-QTR-QLN theo sắc thuế để đáp ứng yêu cầu của các cơ
quan chức năng (Cục Thuế tỉnh Tiền Giang).
Trả lời:
Ngày 14/5/2010 Tổng cục trưởng Tổng
cục Thuế đã ban hành Quyết định số 752/QĐ-TCT về việc ban hành Quy trình quản
lý nợ thuế đối với hộ kinh doanh và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN do
các Chi cục Thuế quản lý. Trong tháng 6/2010 Tổng cục Thuế sẽ triển khai phiên
bản 1.57 ứng dụng về quản lý nợ thuế phù hợp với quy trình ban hành kèm theo
Quyết định số 752/QĐ-TCT nêu trên, trong đó đã bổ sung chi tiết các loại thuế
như Cục Thuế kiến nghị.
5.2. Có hệ thống theo dõi tình
hình tài chính của doanh nghiệp như các bảng kê hàng hóa mua vào, bán ra; các
báo cáo tài chính; bảng cân đối kế toán,... nhằm giúp cán bộ thuế có thông tin
kịp thời để xử lý nợ thuế (Cục Thuế tỉnh Long An).
- Hiện nay, tại các Cục Thuế đã
triển khai 2 ứng dụng:
+ Ứng dụng thu thập thông tin
Báo cáo tài chính cho cấp Cục Thuế (từ năm 2008) và cấp Chi cục Thuế (tháng
5/2010), trong đó Báo cáo tài chính có bao gồm cả bảng cân đối kế toán. Đề nghị
Cục Thuế tổ chức việc nhập đầy đủ thông tin Báo cáo tài chính doanh nghiệp vào ứng
dụng để các bộ phận liên quan khai thác.
+ Ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế tại
doanh nghiệp. Ứng dụng này hỗ trợ nhập Báo cáo tài chính, cơ quan thuế có thể
quét mã vạch để nhận dữ liệu vào ứng dụng báo cáo tài chính thay vì nhập thủ
công.
- Đối với thông tin bảng kê hàng
hoá mua vào, bán ra kèm theo các tờ khai thuế: Hiện tại ứng dụng Hỗ trợ kê
khai/ Nhận tờ khai cũng đã hỗ trợ mã vạch hoá thông tin để có thể nhận vào cơ sở
dữ liệu của cơ quan thuế. Đối với các doanh nghiệp có số lượng bảng kê vừa và
nhỏ, cơ quan thuế có thể quét dữ liệu bảng kê vào cơ sở dữ liệu và tự phát triển
các công cụ để khai thác thông tin này từ cơ sở dữ liệu. Với các doanh nghiệp
có số lượng bảng kê lớn, giải pháp nộp bảng kê có mã vạch chưa phù hợp, Tổng cục
Thuế đã hướng dẫn không yêu cầu người nộp thuế nộp bảng kê có mã vạch để giảm
phiền hà cho người nộp thuế. Như vậy, hiện chưa có đủ dữ liệu bảng kê để khai
thác trên ứng dụng. Tạm thời các Cục Thuế tra cứu dữ liệu tại các báo cáo/bảng
kê người nộp thuế gửi đến cơ quan thuế.
Tổng cục Thuế có ý kiến để Cục
Thuế các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Long An được biết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Tổng cục (để báo cáo);
- Vụ KK, DTTT, Cục CNTT (để phối hợp);
- Cục Thuế các tỉnh, TP (để biết);
- Lưu: VT, QLN (2b). Vân
|
TL.
TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ QUẢN LÝ NỢ VÀ CCNT
Trịnh Hoàng Cơ
|