Công văn 1846/KBNN-KQ năm 2011 đối chiếu số liệu giữa kế toán và kho quỹ khi kiểm quỹ tiền mặt cuối ngày do Kho bạc Nhà nước ban hành
Số hiệu | 1846/KBNN-KQ |
Ngày ban hành | 03/10/2011 |
Ngày có hiệu lực | 03/10/2011 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Kho bạc Nhà nước Trung ương |
Người ký | Trần Minh Hằng |
Lĩnh vực | Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước |
BỘ TÀI
CHÍNH |
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1846/KBNN-KQ |
Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2011 |
Kính gửi: Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
KBNN hướng dẫn KBNN các tỉnh, thành phố đã triển khai TABMIS và sử dụng là hệ thống chính thực hiện quy trình rút số dư tồn quỹ tiền mặt cuối ngày của kế toán và đối chiếu số liệu với kho quỹ khi tiến hành kiểm quỹ tiền mặt như sau:
1. Nguyên tắc thực hiện:
Quy trình kiểm quỹ tiền mặt cuối ngày phải được tuân thủ theo đúng nguyên tắc quy định tại Quyết định số 61/2002/QĐ-BTC ngày 17/5/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Công văn số 1745/KBNN-KQ ngày 29/9/2009 của Kho bạc Nhà nước về việc hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá và tài sản quý trong hệ thống Kho bạc Nhà nước, đảm bảo các nội dung sau đây:
- Thành phần kiểm quỹ;
- Nội dung kiểm quỹ;
- Phương pháp kiểm quỹ tiền mặt thực tế.
2. Quy trình cụ thể:
2.1. Cuối ngày làm việc, sau khi thực hiện nhập đầy đủ các chứng từ thu, chi bằng tiền mặt phát sinh trong ngày vào hệ thống TABMIS hoặc TCS và thực hiện các quy trình nghiệp vụ (lưu ý chưa thực hiện chạy chương trình giao diện từ TCS sang TABMIS), Phòng (bộ phận) kế toán, lập “Bảng kê tồn quỹ tiền mặt cuối ngày” theo các bước sau:
Bước 1: Trên TABMIS, chuyển dữ liệu từ các phân hệ phụ sang phân hệ số cái, thực hiện đầy đủ các quy trình theo yêu cầu thiết lập thực tế của hệ thống.
Bước 2: Trên TABMIS, thực hiện truy vấn quỹ đối với tài khoản tiền mặt, theo hướng dẫn tại Phụ lục 01.
Bước 3: Trên chương trình TCS, đối với các khoản thu bằng tiền mặt tại KBNN đã được nhập vào TCS, chọn tài khoản tiền mặt, in, lưu “Bảng kê chứng từ nộp ngân sách” bằng tiền mặt theo mẫu số 04/BK-CTNNS ban hành theo Thông tư 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa Kho bạc Nhà nước - Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan và các Ngân hàng thương mại.
Cách kết xuất “Bảng kê chứng từ nộp ngân sách”, như sau:
- Tham số từ ngày đến ngày: lựa chọn ngày cần đối chiếu.
- Tham số TK Nợ: TK 501.01 đối với TCS phân tán, TK 1112 đối với TCS-TT (chương trình TCS tập trung).
- Tham số TK Có để trống.
Bước 4: Trên file excel, nhập các chỉ tiêu của “Bảng kê tồn quỹ tiền mặt cuối ngày” theo Phụ lục 02, như sau:
(1) Số dư đầu ngày: Lấy số tồn quỹ tiền mặt cuối ngày của ngày trước đó.
(2) Số phát sinh trong ngày trên TABMIS:
Từ file excel kết xuất số liệu tài khoản tiền mặt lấy số phát sinh của ngày đối chiếu:
- Các bút toán trên phân hệ số cái: lấy số phát sinh theo ngày đối chiếu tại cột “tên lô”.
- Các bút toán trên phân hệ thu, chi: lấy số phát sinh theo ngày đối chiếu tại cột “Thông tin chính”.
(3) Tổng số thu tiền mặt trên TCS phát sinh trong ngày: lấy tổng số phát sinh Nợ trong ngày tại dòng “Tổng cộng” trên “Bảng kê chứng từ nộp ngân sách” bằng tiền mặt (Mẫu số 04/BK-CTNNS in từ chương trình TCS theo hướng dẫn tại bước 3 nêu trên).
(4) Số dư Nợ cuối ngày = Số dư Nợ đầu ngày + phát sinh Nợ trong ngày - phát sinh Có trong ngày.
- Các thành viên kiểm quỹ tiến hành kiểm kê tiền mặt thực tế, sau đó thực hiện việc đối chiếu số liệu như sau:
+ Đối chiếu số liệu tổng thu, tổng chi tiền mặt trên số quỹ với số liệu tổng thu, tổng chi tiền mặt trên sổ thu, sổ chi tiền mặt. Trường hợp không khớp đúng phải thực hiện đối chiếu giữa bảng kê thu, chi tiền mặt với sổ thu, sổ chi tiền mặt.
+ Đối chiếu tồn quỹ tiền mặt trên sổ quỹ với tồn quỹ tiền mặt trên “bảng kê tồn quỹ tiền mặt cuối ngày” Trường hợp không khớp đúng phải đối chiếu, ngay từng khoản thu, chi tiền mặt trên sổ quỹ với chứng từ kế toán để xác định chênh lệch, tìm nguyên nhân.
+ Đối chiếu tồn quỹ tiền mặt thực tế với tồn quỹ trên sổ quỹ của thủ quỹ và “Bảng kê tồn quỹ tiền mặt cuối ngày” của kế toán. Trường hợp phát hiện chênh lệch phải tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm và xử lý theo quy định hiện hành.