Công văn 1820/HQHCM-GSQL chấn chỉnh công tác kiểm tra xuất xứ hàng hóa do Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 1820/HQHCM-GSQL |
Ngày ban hành | 19/06/2012 |
Ngày có hiệu lực | 19/06/2012 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Hữu Nghiệp |
Lĩnh vực | Thương mại,Xuất nhập khẩu |
TỔNG
CỤC HẢI QUAN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1820/HQHCM-GSQL |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 06 năm 2012 |
Kính gửi: |
- Chi cục Hải quan các cửa khẩu; |
Trong quá trình Phòng Giám sát quản lý về Hải quan kiểm tra nghiệp vụ tại các Chi cục, Cục Hải quan TP. HCM nhận thấy việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa đối với các lô hàng áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại các Chi cục còn có những nội dung chưa thống nhất. Nhằm chống thất thu Ngân sách qua công tác kiểm tra xuất xứ hàng hóa và kịp thời chấn chỉnh công tác kiểm tra xuất xứ hàng hóa theo đúng các quy định hiện hành;
Căn cứ công văn số 1638/TCHQ-GSQL ngày 19/4/2011 của Tổng cục Hải quan và công văn số 1046/HQHCM-GSQL ngày 22/4/2011 của Cục Hải quan TP.HCM về việc tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa.
1. Lãnh đạo các Đơn vị có trách nhiệm triển khai, tập huấn cho công chức các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Khi xác định xuất xứ hàng hóa công chức phải căn cứ các văn bản pháp luật do Chính phủ ban hành về xuất xứ hàng hóa và nhãn hàng hóa; do Bộ Công Thương ban hành về quy tắc xuất xứ hàng hóa và do Bộ Tài chính ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt để áp dụng cho từng lô hàng của từng Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (F.T.A) mà Việt Nam và Asean tham gia;
Lãnh đạo các Đơn vị có trách nhiệm phân công công chức thường xuyên cập nhật các văn bản mới có liên quan đến xuất xứ hàng hóa và cập nhật đầy đủ mẫu dấu, chữ ký của Tổ chức cấp C/O do Tổng cục Hải quan cung cấp để triển khai thực hiện và phải có trách nhiệm lưu giữ ở chế độ “MẬT” khi đối chiếu mẫu dấu và mẫu chữ ký, tuyệt đối không cung cấp mẫu dấu, mẫu chữ ký của Tổ chức cấp C/O cho Doanh nghiệp.
Cục Hải quan TP.HCM hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa để các Đơn vị cập nhật và triển khai thực hiện (phụ lục 1 kèm theo).
2. Một số nội dung có liên quan đến xuất xứ hàng hóa:
2.1. Vận tải đơn:
a. Đối với hàng hóa có xuất xứ sử dụng C/O form D (Asean):
Ngoài việc xem xét tính hợp lệ của các tiêu chí trên C/O (gồm 13 tiêu chí) theo đúng quy tắc xuất xứ hàng hóa, công chức còn phải kiểm tra vận tải đơn liên quan đến lô hàng. Hồ sơ lô hàng chỉ hợp lệ khi vận tải đơn “chở suốt” được phát hành tại quốc gia thành viên xuất khẩu hàng hóa (kể cả hàng hóa được xếp hàng ngay tại cảng của quốc gia xuất khẩu nhưng vận tải đơn lại được cấp từ 1 quốc gia khác không phải từ quốc gia xuất khẩu thì cũng chưa đủ điều kiện để hưởng thuế ưu đãi theo Hiệp định ATIGA).
b. Đối với hàng hóa có xuất xứ sử dụng C/O form E (ACFTA):
Không yêu cầu vận tải đơn phải được phát hành tại Trung Quốc trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển thẳng từ Trung Quốc về Việt Nam (cảng xếp hàng Trung Quốc và cảng dỡ hàng Việt Nam). Các đơn vị xem xét tính hợp lệ của các tiêu chí trên C/O (gồm 13 tiêu chí) theo quy tắc xuất xứ để xác định điều kiện hưởng thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt.
2. Lô hàng có nhiều mặt hàng phải khai báo thêm phụ lục C/O:
Trong trường hợp lô hàng có nhiều mặt hàng không thể khai báo hết tại C/O, nhà sản xuất phải khai thêm phụ lục C/O. Ngoài các điều kiện kiểm tra các tiêu chí của C/O theo quy tắc xuất xứ, chỉ chấp nhận C/O hợp lệ khi các phụ lục C/O được đánh số thứ tự, từng phụ lục C/O phải thể hiện số tham chiếu cũng như Tổ chức cấp C/O phải ký tên, đóng dấu lên từng phụ lục của C/O.
3. Hàng hóa từ quốc gia xuất khẩu quá cảnh đến một quốc gia thứ ba trước khi nhập khẩu vào Việt Nam:
Trường hợp hàng hóa có quá cảnh qua một quốc gia khác trước khi về Việt Nam, ngoài các quy định về vận tải đơn chở suốt thì công chức hải quan yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp bản xác nhận của Hải quan tại quốc gia quá cảnh hoặc người vận chuyển hàng hóa xác nhận hàng hóa quá cảnh là cần thiết và trong thời gian quá cảnh hàng hóa đã được giữ nguyên trạng như lúc xuất khẩu từ quốc gia sản xuất hàng hóa.
4. Kiểm tra xuất xứ trên hàng hóa:
4.1. Khi kiểm tra hàng hóa, liên quan đến lĩnh vực xuất xứ hàng hóa công chức phải thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 1450/QĐ-TCHQ ngày 24/7/2009 của Tổng cục Hải quan, theo đó:
Xuất xứ hàng hóa là nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm hàng hóa và phải thể hiện đầy đủ các nội dung:
- Tên hàng hóa;
- Tên, địa chỉ nhà sản xuất;
- Xuất xứ hàng hóa:
Trên sản phẩm hàng hóa bắt buộc phải thể hiện sản phẩm hàng hóa được “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại” hoặc “xuất xứ” kèm tên quốc gia hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.
Không chấp nhận C/O đủ điều kiện để tính thuế ưu đãi đặc biệt đối với những trường hợp hàng hóa không rõ xuất xứ, trên sản phẩm hàng hóa không thể hiện xuất xứ hàng hóa theo các quy định tại Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa và Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa. Ngoài việc hàng hóa không đủ điều kiện để hưởng thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt, các Chi cục lập biên bản xử phạt theo quy định.
4.2. Ngoài những nội dung bắt buộc nêu tại điểm 4.1 trên đây, tùy theo tính chất của hàng hóa đề nghị các Đơn vị thực hiện đúng nội dung quy định tại Điều 12 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ cho từng loại hàng hóa.
Trên đây là một số nội dung các Đơn vị cần quan tâm để triển khai đến từng công chức khi thực thi nhiệm vụ.
Định kỳ hàng Quý (từ ngày 01 đến ngày 05 tháng đầu tiên của Quý) các Đơn vị báo cáo số liệu các trường hợp không đủ điều kiện tính thuế theo thuế suất ưu đãi đặc biệt (theo mẫu đính kèm phụ lục 2) để Phòng Giám sát Quản lý tổng hợp, báo cáo khi có chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM.