Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Công văn 1678/CATP-PC07 năm 2023 về triển khai biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Công an Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 1678/CATP-PC07
Ngày ban hành 11/04/2023
Ngày có hiệu lực 11/04/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Công an thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thanh Hưởng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG AN
CÔNG AN TP. HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1678/CATP-PC07
V/v triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực PCCC và CNCH

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 4 năm 2023

 

Kính gửi:

- Phòng PV01, PC07;
- Công an thành phố Thủ Đức;
- Công an 21 quận, huyện.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo ngày 08/4/2023 của Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về PCCC cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy; Công an Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

I. Về yêu cầu thẩm duyệt cải tạo theo quy định Điểm b, Khoản 3, Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP đối với các cơ sở thực hiện đã khắc phục các nội dung kiến nghị của Cơ quan Cảnh sát PCCC theo Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 07/10/2022, trong đó có các cơ sở karaoke, vũ trường:

1. Việc chủ cơ sở sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan Công an để duy trì bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, đưa vào hoạt động không xem xét là cải tạo để thực hiện thẩm duyệt theo Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và không yêu cầu áp dụng QCVN 06:2022/BXD. Sau khi khắc phục xong theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, đưa vào hoạt động, chủ cơ sở cần báo cáo Công an quận, huyện và TP. Thủ Đức để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.

2. Một số trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của nhà kinh doanh dịch vụ karaoke ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại Điểm b Khoản 5 phải thẩm duyệt về PCCC theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP:

- Khi thay đổi tính chất sử dụng, chuyển đổi công năng của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà (bao gồm cả trường hợp cơ sở trước đây không thuộc diện thẩm duyệt và đến nay thuộc diện thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP);

- Khi cải tạo trong các trường hợp:

+ Làm tăng quy mô của khoang cháy hoặc nhà (như tăng số tầng (bao gồm cả tầng hầm), chiều cao PCCC, diện tích, khối tích,...);

+ Làm tăng tính nguy hiểm cháy đối với vật liệu xây dựng của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà (như thay đổi vật liệu trang trí, cách âm từ vật liệu không cháy, khó bắt cháy sang các vật liệu dễ bắt cháy hoặc vật liệu có cấp nguy hiểm cháy cao hơn,...);

+ Làm giảm giới hạn chịu lửa hoặc tăng mức nguy hiểm cháy đối với cấu kiện của khoang cháy hoặc nhà (như giảm giới hạn chịu lửa của vách và cửa trên vách ngăn hành lang từ EI 30 thành EI 15 hoặc kính thường; giảm giới hạn chịu lửa tường ngoài không chịu lực...);

+ Làm thay đổi giải pháp thoát nạn của khoang cháy hoặc nhà (như thay đổi vị trí, số lượng, chủng loại lối ra thoát nạn, cầu thang và buồng thang bộ trên đường thoát nạn...);

+ Làm thay đổi hệ thống bảo vệ chống cháy (hệ thống báo cháy và âm thanh công cộng; các hệ thống chữa cháy; hệ thống chống tụ khói; phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn; thang máy chữa cháy; giải pháp cấp điện cho hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật liên quan đến PCCC) như thay đổi thông số kỹ thuật thiết bị chính của hệ thống (thông số tủ trung tâm báo cháy, máy bơm cấp nước chữa cháy, bình chứa khí trong hệ thống chữa cháy tự động, quạt tăng áp, hút khói,...) hoặc nguyên lý hoạt động chung (bổ sung thêm hệ thống mới cho gian phòng, khoang cháy hoặc nhà; thay đổi phân vùng hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, hệ thống hút khói; thay đổi nguyên lý kích hoạt các van của hệ thống chữa cháy...). Việc dịch chuyển vị trí thiết bị của hệ thống (vị trí đầu báo cháy, đầu phun Sprinkler, đầu phun khí chữa cháy, đường ống, miệng tăng áp, hút khói,...) không làm thay đổi thông số kỹ thuật của thiết bị hoặc nguyên lý hoạt động chung của hệ thống thì không bắt buộc thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

3. Khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì phải áp dụng QCVN 06:2022/BXD trong phạm vi các cải tạo đó.

Cơ sở trước đây thuộc đối tượng thẩm duyệt nhưng chưa thực hiện thẩm duyệt và đến nay thuộc đối tượng thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì lập hồ sơ cải tạo để thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Cơ sở đã được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và đến nay không thuộc đối tượng thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP khi sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan Công an để duy trì bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, đưa vào hoạt động thì chủ cơ sở tổ chức khắc phục ngay và không yêu cầu thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Sau khi khắc phục xong cần báo cáo Công an quận, huyện và thành phố Thủ Đức để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.

Cơ sở không thuộc đối tượng thẩm duyệt của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP, Nghị định số 46/2012/NĐ-CP, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì chủ cơ sở sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của Công an quận, huyện và TP. Thủ Đức để duy trì bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, đưa vào hoạt động. Sau khi khắc phục xong cần báo cáo Công an quận, huyện và TP. Thủ Đức để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.

II. Đối với công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC

1. Đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ trước đây thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh; không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, bảo đảm theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, doanh nghiệp và vẫn bảo đảm theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC.

- Công trình đã được góp ý cơ sở theo QCVN 06:2021/BXD nay nộp vào thẩm duyệt, chủ đầu tư được lựa chọn tiếp tục sử dụng QCVN 06:2021/BXD để thiết kế kỹ thuật. Theo đó được thiết kế giải pháp bọc bảo vệ kết cấu bằng thạch cao theo phụ lục F, áp dụng diện tích khoang cháy theo quy định của QCVN 06:2021/BXD mà theo QCVN 06:2022/BXD hiện không cho phép.

2. Áp dụng một số trường hợp cụ thể của QCVN 06:2022/BXD như:

- Mở rộng diện tích khoang cháy: Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, nhà sản xuất có kết cấu khung thép mái tôn, bậc chịu lửa IV có diện tích khoang cháy không quá 2.600 m2 (không quá 5.200 m2 khi có chữa cháy tự động), trường hợp chủ đầu tư muốn nâng bậc chịu lửa của công trình để mở rộng diện tích khoang cháy thì phải sử dụng các biện pháp bọc bảo vệ cấu kiện bằng các vật liệu ngăn cháy. Hiện nay có thể hướng dẫn lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh áp dụng theo QCVN 06:2022/BXD để diện tích khoang cháy được tăng đến 25.000 m2.

- Khoảng cách an toàn PCCC: Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, khoảng cách an toàn PCCC giữa 02 nhà xưởng bậc chịu lửa IV, V yêu cầu không nhỏ hơn 18 m, có thể hướng dẫn thẩm duyệt điều chỉnh áp dụng theo quy định tại Bảng E.3 QCVN 06:2022/BXD để khoảng cách này được giảm xuống.

- Giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực: Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, tường ngoài không chịu lực của các nhà có bậc chịu lửa I yêu cầu có giới hạn chịu lửa E30, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại E.3 Phụ lục E QCVN 06:2022/BXD và chú thích 6 Bảng 4 QCVN 06:2022/BXD để điều chỉnh thiết kế, không yêu cầu giới hạn chịu lửa tường ngoài.

- Lối thoát nạn:

+ Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các khoang cháy phải có các lối ra thoát nạn độc lập, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 3.2.4 QCVN 06:2022/BXD để thiết kế, cho phép không quá 50% lối thoát nạn dẫn vào khoang cháy lân cận, qua đó giảm số lối thoát nạn của nhà.

+ Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các căn hộ bố trí ở 2 cao trình (căn hộ thông tầng), khi chiều cao của tầng phía trên lớn hơn 18 m thì phải có lối ra thoát nạn từ mỗi tầng, có thể hướng dẫn áp dụng quy định của QCVN 06:2022/BXD để không yêu cầu bố trí lối thoát nạn từ mỗi tầng.

+ Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, số lối thoát nạn của tầng nhà phải không ít hơn 2 lối trong hầu hết các trường hợp, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 3.6.2.2 QCVN 06:2022/BXD để chỉ bố trí 01 lối thoát nạn cho các trường hợp công trình có quy mô nhỏ (chiều cao PCCC đến 15 m, diện tích không quá 300 m2 hoặc chiều cao PCCC đến 21 m, diện tích không quá 200 m2), có trang bị hệ thống Sprinkler, số người mỗi tầng không quá 20 người. Ngoài ra tại các khu du lịch có các nhà biệt thự, villa nghỉ dưỡng từ 3 tầng trở xuống cho phép 1 lối ra thoát nạn qua cầu thang hở loại 2 và 1 lối ra khẩn cấp qua ban công.

- Giao thông phục vụ chữa cháy: Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các công trình có quy mô lớn yêu cầu phải bố trí bãi đỗ cho xe chữa cháy với chiều dài cho toàn bộ chu vi nhà, có thể áp dụng quy định tại Bảng 15, Bảng 16 QCVN 06:2022/BXD để chỉ phải bố trí bãi đỗ bao quanh mặt bằng nhà, không yêu cầu phải bố trí ở một số vị trí có thiết bị công nghệ.

[...]