Công văn số 1671/TCT-PCCS của Tổng cục Thuế về việc trả lời câu hỏi đối thoại với doanh nghiệp

Số hiệu 1671/TCT-PCCS
Ngày ban hành 03/05/2007
Ngày có hiệu lực 03/05/2007
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Phạm Duy Khương
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1671/TCT-PCCS
V/v: Trả lời câu hỏi đối thoại với doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2007 

 

Kính gửi: Cục Thuế Tỉnh Bến Tre

 

Trả lời công văn số 153/CT-TTHT ngày 28/03/2007 của Cục Thuế tỉnh Bến Tre về đề nghị giải đáp vướng mắc về hoá đơn, chứng từ hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1/ Câu hỏi của Điện lực Bến Tre:

Căn cứ Điểm 4, Điều 19, Luật Kế toán số 03/2003 ngày 17/6/2003 thì: “Chứng từ kế toán phải được lập đủ số liên quy định. Trường hợp phải lập nhiều liên chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính thì nội dung các liên phải giống nhau. Chứng từ kế toán do đơn vị kế toán quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này để lập giao dịch với tổ chức, cá nhân bên ngoài đơn vị kế toán thì liên gửi cho bên ngoài phải có dấu của đơn vị kế toán”.

Căn cứ Điều 1, Nghị định 58/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu thì: “…Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước”.

Căn cứ quy định trên, trường hợp công ty Điện lực Bến tre đề nghị được in sẵn mẫu con dấu khi phát hành hoá đơn tự in là không đúng với quy định hiện hành.

2/ Câu hỏi của doanh nghiệp tư nhân Việt Tiến: Tại điểm 1, mục VI, phần B, Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2003 của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng quản lý hoá đơn có quy định: “1.1 - Tổ chức, cá nhân khi bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ phải lập hoá đơn theo quy định và giao cho khách hàng.

1.2 - Thời điểm lập hoá đơn: Hoá đơn phải được lập ngay khi cung cấp hàng hoá, dịch vụ và các khoản thu tiền phát sinh theo quy định. Khi lập hoá đơn, bên bán phải phản ảnh đầy đủ các nội dung, chỉ tiêu in sẵn trên mẫu hoá đơn, gạch chéo phần bỏ trống (nếu có) từ trái qua phải”.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp doanh nghiệp xuất bán hàng trong nước nhưng đơn vị mua phải kiểm nghiệm chất lượng, độ đạm, số lượng… thì vẫn phải lập hoá đơn theo quy định khi giao hàng hoá cho khách hàng. Trường hợp sau khi kiểm nghiệm có sai lệch về số lượng, chất lượng, thì người bán phải lập lại hoá đơn điều chỉnh theo quy định tại điểm 5.8 hoặc 5.9, mục IV, phần B Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT. Hoá đơn này là căn cứ để bên bán, bên mua điều chỉnh doanh số mua, bán, số thuế GTGT đã kê khai.

3/ Câu hỏi của Công ty TNHH Du lịch Hàm Luông:

- Về hoàn thuế GTGT: Tại điểm 2, mục I, phần D, Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT hướng dẫn: “Đối với cơ sở kinh doanh đầu tư mới đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, chưa phát sinh thuế đầu ra, nếu thời gian đầu tư từ một năm trở lên được xét hoàn thuế vào theo từng năm. Số thuế GTGT đầu vào của tài sản đầu tư từ một năm trở lên được xét hoàn thuế đầu vào theo từng năm. Số thuế GTGT đầu vào của tài sản đầu tư được hoàn có giá trị lớn từ 200 triệu đồng trở lên thì được xét hoàn thuế từng quý.”

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty TNHH du lịch Hàm Luông có đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn, thuế GTGT đầu vào của tài sản đầu tư phát sinh trong tháng chưa được khấu trừ trên 200 triệu đồng thì được xét hoàn thuế theo quý. Đề nghị Cục Thuế tỉnh Bến Tre hướng dẫn đơn vị thực hiện theo đúng quy định nêu trên.

- Về doanh thu tính thuế GTGT: Tại điểm 14, mục I, phần B, Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT hướng dẫn: “Đối với dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành, hợp đồng ký với khách hàng theo giá trọn gói (ăn, ở, đi lại) thì giá trọn gói được xác định là giá đã có thuế để tính thuế GTGT và doanh thu của cơ sở kinh doanh. Trường hợp giá trọn gói bao gồm các khoản không chịu thuế GTGT như chi vé máy bay vận chuyển khách du lịch từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam đi nước ngoài, chi phí ăn, nghỉ, tham quan ở nước ngoài (nếu có chứng từ hợp pháp) thì các khoản chi này được tính giảm trừ trong giá (doanh thu) tính thuế GTGT.”

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty TNHH du lịch Hàm Luông thực hiện hợp đồng du lịch lữ hành đi nước ngoài trọn gói bao gồm: ăn, nghỉ, đi lại, vé tham quan có chứng từ hợp pháp (ăn, nghỉ, vé tham quan) của nhà cung cấp nước ngoài thì các khoản chi phí này được giảm trừ trong giá tính thuế GTGT.

Về chứng từ hợp pháp phát sinh ở nước ngoài: Tổng cục Thuế đã có công văn số 1189/TCT-PCCS ngày 27/03/2007 hướng dẫn về hoá đơn, chứng từ phát sinh tại nước ngoài (bản photocopy đính kèm).

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Bến Tre biết và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

 

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC; TTHT;
- Lưu: VT; PCCS .

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ