Công văn 1656/CT-TTHT về thuế thu nhập cá nhân do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 1656/CT-TTHT |
Ngày ban hành | 11/03/2010 |
Ngày có hiệu lực | 11/03/2010 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Trần Thị Lệ Nga |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
TỔNG CỤC THUẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1656/CT-TTHT |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 03 năm 2010 |
Kính gửi: |
Chi Nhánh Cty Cổ Phần Chứng Khoán An Bình |
Trả lời văn thư ngày 18/02/2011 của Chi nhánh Công ty về khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Cục thuế TP có ý kiến như sau:
- Tại điểm 3.1.2 Mục II Phần D Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNCN quy định trường hợp hoàn thuế :
“Cá nhân đã nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế.”;
- Căn cứ điều 5 Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27/03/2009 của Bộ Tài Chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính về thuế TNCN:
“ Các tổ chức, cá nhân chi trả tiền hoa hồng đại lý bán hàng hoá; tiền lương, tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân thực hiện các dịch vụ có tổng mức trả thu nhập từ 500.000 đồng trở lên cho mỗi lần chi trả hoặc tổng giá trị hoa hồng, tiền công dịch vụ thì phải khấu trừ thuế trước khi trả thu nhập cho cá nhân theo hướng dẫn sau:
- Áp dụng thống nhất một mức khấu trừ theo tỷ lệ 10% trên thu nhập chi trả, trừ các trường hợp Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn mức tạm khấu trừ riêng (như tiền hoa hồng đại lý bảo hiểm, tiền hoa hồng đại lý xổ số).
- Trường hợp cá nhân làm đại lý bán hàng hoá (kể cả đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số) hoặc thực hiện các dịch vụ chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế (ví dụ cá nhân có thu nhập không đến 48 triệu đồng/năm nếu độc thân hoặc dưới 67,2 triệu đồng/năm nếu có 01 người phụ thuộc được giảm trừ đủ 12 tháng hoặc dưới 86,4 triệu đồng/năm nếu có 02 người phụ thuộc được giảm trừ đủ 12 tháng,...) thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo Mẫu số 23/BCK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này) gửi cơ quan chi trả thu nhập để cơ quan chi trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ 10% thuế TNCN. Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập đơn vị chi trả thu nhập tạm thời không khấu trừ thuế nhưng hết năm vẫn phải cung cấp danh sách để cơ quan thuế biết. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.
- Trường hợp tổ chức, cá nhân thuê lao động theo thời vụ từ trên 03 tháng đến dưới 12 tháng và có hợp đồng lao động thì không áp dụng khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% theo từng lần chi trả thu nhập hoặc tổng thu nhập mà thực hiện tạm khấu trừ thuế theo Biểu luỹ tiến từng phần tính trên thu nhập tháng.” ;
- Căn cứ Công văn 3847/TCT-TNCN ngày 21/09/2009 của Tổng cục Thuế hướng dẫn thực hiện luật thuế TNCN.
Trường hợp Chi nhánh Công ty theo trình bày, có ký hợp đồng lao động thời vụ ngắn hạn dưới 03 tháng với người lao động thì khi chi trả thu nhập Chi nhánh Công ty thực hiện tạm khấu trừ 10% thuế TNCN theo hướng dẫn trên, kê khai nộp ngân sách và cấp chứng từ khấu trừ thuế để cuối năm cá nhân làm căn cứ quyết toán thuế (hoàn thuế) theo quy định. Nếu người lao động chỉ có duy nhất thu nhập tại Công ty và tổng mức thu nhập chưa đến mức chịu thuế thì mới thuộc đối tượng làm cam kết theo Mẫu số 23/BCK-TNCN nêu trên, Công ty tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN. Trường hợp người lao động liên tục ký hợp đồng lao động ngắn hạn với Công ty hoặc tổng thời gian làm việc trong năm tại Công ty từ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì Công ty phải tính, khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần (đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh và lập hồ sơ người phụ thuộc theo quy định) .
Cục Thuế TP thông báo Chi nhánh Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này./.
Nơi nhận: |
TUQ.CỤC TRƯỞNG |