Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 1644/TTCP-VP hướng dẫn xử lý vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài do Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 1644/TTCP-VP
Ngày ban hành 02/07/2012
Ngày có hiệu lực 02/07/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Huỳnh Phong Tranh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

THANH TRA CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1644/TTCP-VP
V/v hướng dẫn xử lý các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài

Hà Nội, ngày 02 tháng 07 năm 2012

 

Kính gửi:

- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Chánh Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Giám đốc Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.

 

Việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài là một nhiệm vụ công tác rất quan trọng, được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân cả nước quan tâm, vì vậy cần được các cấp, các ngành xác định là một trọng tâm công tác từ nay đến cuối năm 2012 và các năm tiếp theo.

Thực hiện Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành đã triển khai một số Tổ công tác xuống làm việc với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay đã được 01 tháng. Để việc thực hiện Kế hoạch số 1130/KH-TTCP đạt mục tiêu đề ra, sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục An ninh II - Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH:

- Đại bộ phận các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện theo Kế hoạch số 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, đã tổng hợp được danh sách các vụ việc cần rà soát báo cáo về Thanh tra Chính phủ; phối hợp tốt với các Tổ công tác của các Bộ, ngành Trung ương về làm việc với các địa phương. Phần lớn các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bước đầu đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số vấn đề cần khắc phục như:

- Một số tỉnh, thành phố còn thiếu chủ động trong việc kiểm tra, rà soát, tổng hợp, lập danh sách các vụ việc báo cáo về Thanh tra Chính phủ; một số địa phương báo cáo chậm, chỉ báo cáo sau nhiều lần được đôn đốc, nhắc nhở;

- Tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố không đúng do quản lý hồ sơ yếu kém, nắm số liệu không hết, không chính xác; việc rà soát các vụ việc chưa kỹ, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài cần phải rà soát thì không được báo cáo về Thanh tra Chính phủ; nhiều vụ việc chưa giải quyết hết thẩm quyền đã đưa vào danh sách gửi về Trung ương, thể hiện tư tưởng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài;

- Việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đối với từng vụ việc chưa đầy đủ, thiếu nhiều tài liệu, chứng cứ gây khó khăn cho việc rà soát;

- Thiếu sự phối hợp giữa Sở Tài nguyên & Môi trường, Thanh tra tỉnh và Công an tỉnh trong việc tập hợp hồ sơ, lập danh sách các vụ việc cần rà soát và hồ sơ chi tiết của từng vụ việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI:

Để khắc phục những vấn đề trên và triển khai thắng lợi Kế hoạch số 1130/KH-TTCP, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Mục tiêu chính của đợt này là tập trung rà soát, tìm giải pháp hữu hiệu phấn đấu từ nay tới cuối năm 2012 giải quyết cơ bản các vụ việc nằm trong danh sách 528 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được tổng hợp cuối năm 2011, tạo chuyển biến rõ nét đúng theo chỉ đạo và yêu cầu của Quốc hội, của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, sẽ tiếp tục giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài khác. Trước mắt, cần đặc biệt quan tâm, tập trung lực lượng, phấn đấu giải quyết cơ bản 24 vụ việc đặc biệt phức tạp có nguy cơ gây mất an ninh, trật tự. Thanh tra Chính phủ sẽ cung cấp danh sách vụ việc cụ thể cho các địa phương thông qua Cục phụ trách địa bàn và Tổ công tác.

2. Chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan tập trung tổng hợp, lập danh sách mới, chính thức các vụ việc cần rà soát, xử lý theo Kế hoạch số 1130/KH-TTCP theo các tiêu chí sau:

- Các vụ việc đã được các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết, đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ hoặc đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mà người dân vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại;

- Các vụ việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Quyết định giải quyết lần 2 mà người dân vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại;

- Các vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nhưng thấy phức tạp, đông người khiếu kiện, có dấu hiệu gây mất trật tự, an ninh cần xin ý kiến chỉ đạo, định hướng giải quyết của các Bộ, ngành Trung ương (dù là các vụ việc mới phát sinh nhưng phải quan tâm đúng mức);

Khi lập danh sách mới, cần đối chiếu với danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài mà các địa phương đã báo cáo về Thanh tra Chính phủ cuối năm 2011. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự quyết định việc đưa các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp khác vào danh sách cần được các Tổ công tác của các Bộ, ngành Trung ương phối hợp rà soát hoặc xin ý kiến chỉ đạo, định hướng giải quyết nếu còn thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Danh sách tổng hợp mới được dùng để làm việc với các Tổ công tác của các Bộ, ngành Trung ương.

Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu của mình, các Tổ công tác của các Bộ, ngành Trung ương vẫn có thể bổ sung thêm vụ việc cần rà soát vào danh sách này.

Danh sách rà soát cuối cùng đã được thống nhất giữa Trung ương và địa phương là danh sách rà soát chính thức được dùng để báo cáo về Thanh tra Chính phủ.

3. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường, Công an tỉnh và các sở, ngành, đơn vị hữu quan để thống nhất danh sách tổng hợp các vụ việc, củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ về từng vụ việc để cung cấp và báo cáo chính xác cho các Tổ công tác của các Bộ, ngành hữu quan được cử về địa phương phối hợp rà soát.

4. Về nội dung và phương hướng xử lý thực hiện theo 3 bước sau:

4.1. Bước 1: Thống nhất phương án giải quyết trong nội bộ tỉnh, thành phố trước khi làm việc với Tổ công tác của các Bộ, ngành Trung ương. Tùy theo tính chất của vụ việc, Chánh Thanh tra tỉnh hoặc Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố và các sở, ngành, đơn vị hữu quan trao đổi kỹ lưỡng, cân nhắc, tính toán cho phù hợp với nội dung, tính chất từng vụ việc, tham mưu đề xuất cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phương án giải quyết để tiến tới dứt điểm vụ việc thông qua:

a. Đối với các vụ việc qua rà soát mà kết luận đã giải quyết đúng pháp luật:

- Đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thì xem xét, đề xuất giải pháp hỗ trợ cho người khiếu nại, tố cáo trên cơ sở vận dụng chính sách xã hội;

- Hỗ trợ của Chủ đầu tư (thông qua vận động, thuyết phục ở cấp cao của Lãnh đạo tỉnh): Trong các dự án khu đô thị, khu dân cư, Trung tâm thương mại thì địa phương cần vận động, thuyết phục chủ đầu tư hỗ trợ thêm cho công dân ngoài phần bồi thường, đền bù theo quy định để giúp người khiếu nại ổn định cuộc sống. Trường hợp địa phương có khó khăn, thiếu nguồn lực thì thống nhất ý kiến để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế hỗ trợ, giải quyết;

- Lãnh đạo tỉnh cùng với Bộ, ngành Trung ương gặp gỡ, giải thích, vận động, thuyết phục người khiếu nại để chấm dứt khiếu kiện.

[...]