Công văn 1591/QLCL-CL1 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc theo Lệnh 248 và 249 do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ban hành

Số hiệu 1591/QLCL-CL1
Ngày ban hành 30/11/2021
Ngày có hiệu lực 30/11/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Người ký Lê Bá Anh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xuất nhập khẩu

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1591/QLCL-CL1
V/v đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc theo Lệnh 248 và 249

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các cơ sở sản xuất, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc;
- Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP);
- Chi cục Quản lý chất lượng NLS&TS Trung bộ, Nam bộ;
- Các Trung tâm Chất lượng NLTS vùng 1-6.

Sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc (Lệnh số 248) và quy định kiểm soát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh số 249), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng SPS Việt Nam và các Cục chuyên ngành đã có nhiều văn bản, hội nghị, hội thảo phổ biến, hướng dẫn triển khai các quy định này.

Trên cơ sở nội dung tại công hàm số 353.2021 ngày 27/9/2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc hướng dẫn thực hiện Lệnh 248 và các nội dung trao đổi với phía Bạn; tiếp theo Hội nghị trực tuyến ngày 22/9/2021 phổ biến các quy định mới của Trung Quốc, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tổng hợp các nội dung liên quan đến việc đăng ký danh sách doanh nghiệp và yêu cầu về kiểm soát ATTP lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc tại Phụ lục 1 gửi kèm công văn này. Cục thông báo và đề nghị các đơn vị như sau:

1. Các cơ sở chưa có tên trong danh sách xuất khẩu vào Trung Quốc, có nhu cầu đăng ký xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc:

Nghiên cứu kỹ quy định, hướng dẫn có liên quan (chi tiết đăng tải tại website của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, địa chỉ: http://www.nafiqad.gov.vn/quy-dinh-cua-trung-quoc-cap-nhat-lenh-248-249-thay-the-lenh-145-ve-dang-ky-cong-nhan-va-quan-ly-co-so-san-xuat-che-bien-dong-goi-van-chuyen-thuc-pham-nuoc-ngoai_t221c313n334) và thực hiện đăng ký theo hướng dẫn tại Phụ lục 1 kèm theo.

2. Các cơ sở đang có tên trong danh sách xuất khẩu vào Trung Quốc:

Nghiên cứu kỹ quy định, hướng dẫn có liên quan (chi tiết đăng tải tại website của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, địa chỉ: http://www.nafiqad.gov.vn/quy-dinh-cua-trung-quoc-cap-nhat-lenh-248-249-thay-the-lenh-145-ve-dang-ky-cong-nhan-va-quan-ly-co-so-san-xuat-che-bien-dong-goi-van-chuyen-thuc-pham-nuoc-ngoai_t221c313n334): chủ động trao đổi với nhà nhập khẩu Trung Quốc để tuân thủ đúng các quy định này trong quá trình sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc.

3. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):

Đề nghị Hiệp hội thông báo các quy định, hướng dẫn có liên quan đến các doanh nghiệp hội viên để thực hiện quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tránh vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

4. Chi cục Quản lý chất lượng NLS&TS Trung bộ/Nam bộ:

- Tiếp nhận, rà soát, tổng hợp hồ sơ đăng ký của các cơ sở sản xuất thủy sản đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc trên địa bàn theo quy định.

- Gửi Cục báo cáo kết quả rà soát kèm theo danh sách tổng hợp các cơ sở đăng ký đạt yêu cầu (theo mẫu tại Phụ lục 2 gửi kèm); cập nhật hồ sơ đã rà soát của từng doanh nghiệp vào thư mục “Đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc” (thuộc thư mục “Quản lý điều kiện đảm bảo ATTP cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản”) trên hệ thống cơ sở dữ liệu Onedrive của Cục.

5. Các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1-6:

Phổ biến nội dung văn bản này tới các cơ sở sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc trên địa bàn.

Đề nghị các đơn vị lưu ý thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Trần Thanh Nam (để báo cáo);
- Cục trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng SPS Việt Nam:
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố;
- Chi cục Quản lý Chất lượng NLS&TS các tỉnh, thành phố;
- Ban Quản lý ATTP Tp. HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh;
- Lưu: VT, CL1.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Lê Bá Anh

 

PHỤ LỤC 1:

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT ATTP THỦY SẢN NHẬP KHẨU VÀ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI XUẤT KHẨU THỦY SẢN SANG TRUNG QUỐC
(Kèm theo công văn số         /QLCL-CL1 ngày        /11/2021 Cục Quản lý CL NLS&TS)

1. Một số nội dung quy định mới của Lệnh 248, 249

STT

Nội dung

Quy định hiện hành

Quy định tại Lệnh 248, 249 và công hàm số 353.2021
(có hiệu lực từ ngày 01/01/2022)

1

Phạm vi áp dụng

Các doanh nghiệp sản xuất các loại thực phẩm thuộc “Danh mục cần đăng ký” (trong đó bao gồm sản phẩm thủy sản) phải thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

- Toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc phải thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc từ sau ngày 01/01/2022.

- Phân loại doanh nghiệp theo mức độ rủi ro:

+ Nhóm 1: gồm các doanh nghiệp sản xuất 18 loại thực phẩm xuất khẩu (bao gồm sản phẩm thủy sản) do Cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu đề nghị đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

+ Nhóm 2: các doanh nghiệp sản xuất các loại thực phẩm không nằm trong 18 loại thực phẩm nêu trên tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đơn vị trung gian thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

2

Công nhận danh sách doanh nghiệp đăng ký

Thực hiện theo Thỏa thuận hợp tác về kiểm soát ATTP thủy sản xuất nhập khẩu ký kết giữa hai bên năm 2014, các cơ sở đã được Cục thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc được Cục đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, cập nhật theo biểu mẫu thống nhất chung.

- Đối với các cơ sở đã có tên trong danh sách được phép xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: tiếp tục được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc trong thời gian tới (kể cả sau ngày 01/01/2022).

- Các cơ sở đăng ký bổ sung vào danh sách, cập nhật thông tin, gia hạn đăng ký kể từ sau ngày 01/01/2022: thực hiện đăng ký theo Lệnh 248

3

Hiệu lực đăng ký

Không quy định

- Có hiệu lực trong vòng 05 năm

- Trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng trước khi hết hiệu lực đăng ký, doanh nghiệp cần gửi đăng ký cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc;

- Các trường hợp Tổng cục Hải quan Trung Quốc hủy đăng ký được quy định tại Điều 21, 24 của Lệnh 248.

4

Yêu cầu về ghi nhãn

Bao bì phải rõ ràng, dễ đọc, được thể hiện bằng tiếng Trung và tiếng Anh các nội dung dưới đây:

- Tên thương mại và tên khoa học, mô tả, ngày sản xuất, mã số lô và điều kiện bảo quản

- Phương pháp sản xuất (đánh bắt, nuôi trồng)

- Khu vực sản xuất (vùng/quốc gia đánh bắt, nuôi)

- Tên và mã số đăng ký của các cơ sở sản xuất, chế biến (bao gồm tàu cá)

- Điểm đến phải ghi là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Bao bì bên trong và bên ngoài phải có gắn nhãn chắc chắn, rõ ràng, dễ đọc; thông tin thể hiện bằng tiếng Trung/tiếng Anh hoặc tiếng Trung/tiếng Việt như sau:

- Tên hàng hóa và tên khoa học

- Quy cách sản phẩm

- Ngày sản xuất, số lô, hạn sử dụng và điều kiện bảo quản.

- Phương thức sản xuất (đánh bắt, nuôi trồng)

- Khu vực sản xuất (vùng/quốc gia nuôi/đánh bắt)

- Tên, số đăng ký, địa chỉ của tất cả các doanh nghiệp sản xuất, chế biến có liên quan (bao gồm tàu cá, tàu chế biến, tàu vận chuyển, kho lạnh độc lập)

- Điểm đến phải ghi là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa     

2. Thủ tục đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc:

2.1. Đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc từ nay đến 31/12/2021: trình tự, thủ tục đăng ký tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành.

2.2. Đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc từ sau ngày 01/01/2022:

2.2.1. Đối với doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào danh sách:

a) Thành phần hồ sơ

- Hồ sơ do Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc: theo quy định tại Điều 8, Lệnh 248

[...]