Công văn 1505/LĐTBXH-LĐTL về chế độ đối với người lao động làm việc tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 1505/LĐTBXH-LĐTL
Ngày ban hành 07/05/2008
Ngày có hiệu lực 07/05/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Phạm Minh Huân
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1505/LĐTBXH-LĐTL
V/v chế độ đối với người lao động làm việc tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước.

Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2008

 

Kính gửi: Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn

Trả lời Công văn số 45/08/CV-TS ngày 10/4/2008 của quý Công ty về nội dung ghi ở trích yếu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Về trợ cấp thôi việc, mất việc làm đối với người lao động làm việc tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước:

- Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần quy định "Công ty cổ phần có nghĩa vụ kế thừa mọi trách nhiệm đối với người lao động từ doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển sang; có quyền tuyển chọn, bố trí sử dụng lao động và phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật".

- Điều 31 Bộ Luật Lao động quy định: Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu (cổ phần hóa), quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.

- Điều 66 Bộ luật Lao động quy định: Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm trả lương và các quyền lợi khác cho người lao động từ doanh nghiệp cũ chuyển sang.

- Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về Việc làm quy định: Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động đó đến khi mất việc làm. Trường hợp, người lao động trước đó có thời gian làm việc ở khu vực nhà nước mà chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm, thì thời gian đó chỉ được tính để nhận trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 Bộ Luật Lao động.

Căn cứ những quy định trên thì người lao động từ doanh nghiệp nhà nước chuyển sang làm việc trong công ty cổ phần (được chuyển đổi từ chính doanh nghiệp nhà nước đó) nếu bị mất việc làm, thôi việc thì thời gian để tính chế độ thôi việc, mất việc làm bao gồm cả thời gian làm việc tại doanh nghiệp nhà nước trước khi thực hiện cổ phần hóa.

2. Người lao động làm việc trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên mà chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật (Điều 36, Điều 37, Điều 38 Bộ luật Lao động) thì được trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động (người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương và phụ cấp lương nếu có).

Việc chi trả chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội do Quỹ Bảo hiểm xã hội thực hiện trên cơ sở mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trong quá trình làm việc cho nhiều người sử dụng lao động khác nhau.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo để quý Công ty biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Huỳnh Thị Nhân (để b/c);
- Lưu VT, Vụ LĐ-TL.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG - TIỀN LƯƠNG




Phạm Minh Huân