Công văn 1329/STC-NS hướng dẫn xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công và xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức do Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 1329/STC-NS
Ngày ban hành 07/08/2007
Ngày có hiệu lực 07/08/2007
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Văn Yên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
SỞ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1329/STC-NS
V/v: Hướng dẫn xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công và xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được để chi trả thu nhập tăng thêm cho CBCC

Đà Lạt, ngày 07 tháng 8 năm 2007

 

Kính gửi: Phòng Tài chính - KH các huyện, thị xã, thành phố

Qua 2 năm triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ tại các địa phương bước đầu đã đạt được những kết quả: tạo điều kiện cho các cơ quan chủ động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí được giao một cách hợp lý nhất để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc sử dụng lao động và nguồn kinh phí được giao; nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ngân sách cấp; tăng thu nhập cho cán bộ công chức trong đơn vị đồng thời thực hiện quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị và cán bộ công chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên, việc triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại một số cơ quan, đơn vị dự toán trực thuộc ngân sách các huyện, thị xã, thành phố còn có nhiều lúng túng, vướng mắc như việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ còn sơ sài, mang hình thức đối phó; xác định nguồn kinh phí tiết kiệm được không dựa trên chất lượng công việc đã thực hiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; trách nhiệm của cơ quan tài chính cấp huyện trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, thẩm tra quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị dự toán trực thuộc chưa kịp thời, quá trình triển khai thực hiện chế độ tự chủ của các đơn vị trực thuộc còn có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết, tháo gỡ.

Để khắc phục tình trạng trên và cũng đồng thời giúp cho các địa phương, các đơn vị dự toán trực thuộc ngân sách cấp huyện triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo đúng quy định của nhà nước. Ngoài những nội dung Sở Tài chính đã hướng dẫn Phòng Tài chính - KH các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngân sách huyện tại các văn bản số 638/TC-NS ngày 30/5/2006, văn bản số 1078/STC-HCSN ngày 30/8/2006, văn bản số 148/STC-HCSN ngày 22/01/2008 và văn bản số 248/STC-NS ngày 04/02/2008 của Sở Tài chính. Sở Tài chính lưu ý và hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:

I. Hướng dẫn xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế sử dụng tài sản công

- Đơn vị thực hiện chế độ tự chủ phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhằm chủ động sử dụng kinh phí được giao đúng chế độ, tiết kiệm, có hiệu quả.

- Khi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài sản công, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ phải căn cứ vào chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành, tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong thời gian qua và khả năng nguồn kinh phí được giao để quy định. Mức chi, chế độ chi, tiêu chuẩn định mức xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ không được vượt quá chế độ, định mức, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nghiêm cấm việc các đơn vị tự đặt ra chế độ để chi hỗ trợ tiền lễ, tết,...ngoài chế dộ nhà nước ban hành trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

- Thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, các cơ quan đơn vị phải có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, hợp lệ trừ các khoản thanh toán công tác phí khoán, khoán văn phòng phẩm (nếu thanh toán theo chế độ khoán) và khoản thanh toán tiền cước sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động hàng tháng.

- Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế quản lý sử dụng tài sản do Thủ trưởng cơ quan thực hiện chế độ tự chủ ban hành sau khi có ý kiến tham gia của công đoàn đơn vị, phải được công khai trong toàn cơ quan, và báo cáo cơ quan quản lý tài chính cấp trên trực tiếp.

(Nội dung xây dựng quy chế theo Mẫu số 01)

II. Hướng dẫn thực hiện chế độ tự chủ

1. Nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

- Không tăng biên chế, trừ trường hợp sáp nhập, chia tách hoặc điều chỉnh nhiệm vụ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Không tăng kinh phí được giao, trừ trường hợp do điều chỉnh nhiệm vụ, điều chỉnh biên chế hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền; do nhà nước thay đổi chính sách tiền lương, thay đổi định mức phân bổ dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh tỷ lệ phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực quản lý hành chính;

- Thực hiện công khai, dân chủ; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cán bộ công chức trong cơ quan.

2. Quy định cụ thể về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị thực hiện chế độ tự chủ

2.1. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế

2.1.1. Biên chế của cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ tự chủ: là chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao bao gồm cả biên chế dự bị.

2.1.2. Quyền chủ động trong việc sử dụng biên chế được giao

- Được quyền quyết định sắp xếp, phân công cán bộ công chức theo vị trí công việc để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan.

- Được điều động cán bộ công chức giữa các đơn vị trong nội bộ cơ quan.

- Được tiếp nhận số lao động trong biên chế bằng hoặc thấp hơn chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Trường hợp số biên chế thực tế thấp hơn chỉ tiêu được giao vẫn được cơ quan quản lý tài chính giao kinh phí theo chỉ tiêu biên chế được giao.

- Căn cứ vào yêu cầu công việc và trong phạm vị nguồn kinh phí được giao đầu năm, Thủ trưởng cơ quan được quyền hợp đồng thuê khóan công việc hoặc hợp đồng lao động đối với các chức danh: Bảo vệ, lái xe, tạp vụ, vệ sinh. Khi ký kết hợp đồng lao động, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ phải bảo đảm chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

2.2. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí được giao

2.2.1. Kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ

- Kinh phí giao cho đơn vị thực hiện chế độ tự chủ được xác định giao hàng năm trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao, kể cả biên chế dự bị (nếu có), định mức phân bổ dự toán chi ngân sách tính trên biến chế và các khoản chi hoạt động nghiệp vụ đặc thù theo chế độ quy định.

- Phần thu phí, lệ phí và thu khác được để lại theo chế độ quy định: Cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được cấp có thẩm quyền giao thu phí, lệ phí và thu khác căn cứ vào các văn bản do cơ quan có thẩm quyền quy định để xác định mức phí, lệ phí và thu khác được trích để lại bảo đảm hoạt động phục vụ thu (sau khi trừ đi số đã trích theo tỷ lệ để thực hiện cải cách tiền lương).

[...]