Công văn 1250/VPCP-KSTT năm 2021 triển khai nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 1250/VPCP-KSTT |
Ngày ban hành | 25/02/2021 |
Ngày có hiệu lực | 25/02/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1250/VPCP-KSTT |
Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2021 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan
thuộc Chính phủ; |
Ngày 01/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Ngày 19/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Để bảo đảm triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ trân trọng đề nghị Quý Bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ sau:
Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh triển khai hình thức họp trực tuyến; phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong tổ chức kết nối các phiên họp, cuộc họp của Lãnh đạo Chính phủ đến các bộ, cơ quan, địa phương và mở rộng phạm vi triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; bảo đảm kinh phí, bố trí trang thiết bị, đường truyền và triển khai kết nối với hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cuộc họp; mở rộng ứng dụng họp trực tuyến trong điều hành công việc.
Các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại Văn bản thông báo số 8363/VPCP-KSTT ngày 17/9/2019, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Văn bản thông báo số 11796/VPCP-KSTT ngày 26/12/2019 về gửi, nhận văn bản điện tử; thực hiện theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 807/VPCP-KSTT ngày 01/02/2021 về việc tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước nhằm phòng, chống dịch COVID-19.
Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chữ ký số cá nhân, bảo đảm đạt tỷ lệ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, cụ thể: tỷ lệ các vụ, cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng đạt 100%; tỷ lệ các sở, ngành và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt 100% và tỷ lệ các phòng, ban và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đạt 80%.
a) Bộ, cơ quan, địa phương tập trung nguồn lực nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, cơ quan, địa phương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia tăng thêm so với năm 2020 là 20%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng, số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 25 %; tỷ lệ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 50%; 100% kết quả xử lý hồ sơ được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% hồ sơ của hệ thống một cửa điện tử của bộ, cơ quan, địa phương được đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ việc theo dõi, giám sát, đánh giá.
b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, cơ quan liên quan tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp thanh toán trực tuyến đối với các khoản thuế nội địa trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.
c) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, cơ quan liên quan tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp thanh toán viện phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 50% số lượng các bệnh viện từ hạng 2 trở lên.
d) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 30 % số lượng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
đ) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính bảo đảm đạt 35% số lượng đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh.
e) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ kịp thời công bố và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để làm cơ sở cho các địa phương công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên địa bàn.
g) Các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để rà soát, kịp thời bổ sung, chỉnh sửa các Danh mục dùng chung của Cổng Dịch vụ công quốc gia bao gồm: Danh mục ngành, lĩnh vực (các Bộ, ngành rà soát, cập nhật), Danh các cơ quan, đơn vị trực thuộc (các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố rà soát, cập nhật), Danh mục địa giới hành chính (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, cập nhật). Xử lý dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia[1].
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ thống kê, tính toán chi phí tuân thủ, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu các quy định liên quan đến HĐKD tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành trên phần mềm theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 9568/VPCP-KSTT ngày 16/11/2020 ban hành Sổ tay hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP; ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến HĐKD năm 2021; trình Thủ tướng Chính phủ Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến HĐKD đúng thời hạn, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ (trong đó, năm 2021, tỉ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định, chi phí tuân thủ quy định liên quan đến HĐKD tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến ngày 31/5/2020 đạt từ 10 - 15%); tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với HĐKD để kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho HĐKD của doanh nghiệp, người dân.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên đối thoại, lấy ý kiến các các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, gây cản trở, khó khăn cho HĐKD; tổng hợp phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân để gửi các bộ, cơ quan và Văn phòng Chính phủ; đồng thời, tích cực tham gia góp ý phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến HĐKD của các Bộ, cơ quan để cải thiện môi trường kinh doanh.
- Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ, Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối Hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của cơ quan mình với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; triển khai các chế độ báo cáo, chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, kết nối với Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đã được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (các chỉ tiêu số 87, 88, 89, 90, 91 tại Phụ lục số 3 kèm theo Nghị quyết).
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, thành phố cung cấp đầy đủ, kịp thời dữ liệu theo yêu cầu tại các Công văn số: 7798/VPCP-KSTT ngày 18/9/2020 và 10362/VPCP- KSTT ngày 10/12/2020 của Văn phòng Chính phủ để phục vụ các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đối soát dữ liệu khi phát hiện sai sót; tổ chức kết nối các thông tin, dữ liệu của Trung tâm phục vụ hành chính công với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2021 phục vụ giám sát, đánh giá tỷ lệ các bộ, cơ quan, địa phương triển khai nhiệm vụ đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của các Bộ, cơ quan, địa phương./.
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
[1] Số lượng PAKN còn tồn đọng cùa các Bộ, cơ quan, địa phương tính đến 25/2/2021: Hà Nội: 61; Bộ Tài chính: 33; Bộ Công an: 30; Thành phố Hồ Chí Minh: 21; Vĩnh Phúc: 19; Kiên Giang: 17; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 17; Bến Tre: 12; Bộ Xây dựng: 10; Bộ Quốc phòng: 7; Bình Phước: 7; Nghệ An: 6; Đắk Lắk: 6; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 4; Thanh tra chính phủ: 4; Hà Tĩnh: 4; Bộ Nội vụ: 4; Hải Phòng: 3; Bình Dương: 3; Hưng Yên: 3; Đắk Nông: 3; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 3; Bộ Khoa học và Công nghệ: 2; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 2; Bạc Liêu: 2; Đồng Tháp: 2; Long An: 2; Đà Nẵng: 2; các Bộ, tỉnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lâm Đồng, Quảng Ninh, An Giang, Phú Yên, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Nam Định: 1