Công văn 1247/BXD-PTĐT năm 2022 hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 1247/BXD-PTĐT
Ngày ban hành 14/04/2022
Ngày có hiệu lực 14/04/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Lê Quang Hùng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1247/BXD-PTĐT
V/v Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030" tại Quyết định số 950/QĐ-TTg, các quan điểm và nguyên tắc phát triển đô thị thông minh bền vững của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ưu tiên tập trung vào các nội dung cơ bản gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với Cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng quy định tại điểm a khoản 61 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi bổ sung Điều 162 Luật Xây dựng năm 2014; Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam về việc thiết lập, duy trì và vận hành cơ sở dữ liệu khung cho hệ thống đô thị toàn quốc trên nền GIS - giai đoạn 01, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu và xây dựng “Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh" và gửi xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và một số địa phương để hoàn thiện dự thảo.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện và ban hành “Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh" làm tài liệu để các địa phương nghiên cứu, tham khảo áp dụng trong quá trình tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS trên địa bàn.

Trân trọng đề nghị Quý cơ quan nghiên cứu áp dụng hướng dẫn kèm theo. Trong quá trình thực hiện nếu có các khó khăn, vướng mắc, đề nghị liên hệ với Bộ Xây dựng để được hướng dẫn.

 


Nơi nhận:
- Như trên:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Bộ Thông tin và Truyền thông (để phối hợp);
- Sở Xây dựng: các tỉnh. TP trực thuộc TW;
- Sở QH-KT: TP Hà Nội. TP HCM:
- Lưu: VT. PTĐT (2b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quang Hùng

 

HƯỚNG DẪN

TỔ CHỨC THIẾT LẬP HỆ THỐNG CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐÔ THỊ LIÊN THÔNG TRÊN NỀN GIS PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH
(Kèm theo Công văn số 1247/BXD-PTĐT ngày 14/4/2022 của Bộ Xây dựng)

GIỚI THIỆU CHUNG

Xây dựng và phát triển các thành phố thông minh là một nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2018 - 2025 ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với Cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

Hệ thống thông tin địa lý (viết tắt là GIS) là hệ thống có chức năng thu thập, lưu trữ, thao tác và phân tích các dữ liệu không gian để phục vụ cho các mục đích khác nhau. Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là hệ thống được thiết kế, xây dựng để quản lý các cơ sở dữ liệu đô thị theo dạng các lớp bản đồ (quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, các công trình hạ tầng, dịch vụ xã hội...) được tích hợp trên nền dữ liệu địa lý quốc gia trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia. Hệ thống sẽ cho phép hiển thị các lớp thông tin đã được sàng lọc, phân tích, tổng hợp, tính toán theo yêu cầu truy cập thông tin của người sử dụng hệ thống. Các tính năng cơ bản của GIS gồm thu thập dữ liệu, lưu trữ, truy vấn, phân tích, hiển thị và truy xuất dữ liệu. Do đó, việc thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là nền tảng căn bản cung cấp cơ sở dữ liệu để triển khai thực hiện quy hoạch đô thị thông minh, quản lý điều hành đô thị thông minh cũng như tích hợp các tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, so sánh đối chiếu kinh nghiệm triển khai thực tế tại một số quốc gia và một số địa phương trong nước để tổng hợp, xây dựng “Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh”. Hướng dẫn này trình bày các nội dung cơ bản gồm:

- Giới thiệu chung về Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh.

- Quan điểm và mục tiêu thực hiện thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS.

- Yêu cầu chung của việc thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS.

- Trình tự cơ bản tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS.

- Phân định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS.

GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

1. BIM: là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình.

2. Cơ sở dữ liệu địa lý: là một hợp phần trọng tâm trong Hệ thống thông tin địa lý GIS. Cơ sở dữ liệu GIS bao gồm hai kiểu dữ liệu chủ yếu: dữ liệu thuộc tính và dữ liệu không gian, gắn bó với nhau bằng những quy luật nhất định.

3. Cơ sở dữ liệu: là hệ thống thông tin có cấu trúc, có tính nhất quán được lưu trữ tại các thiết bị lưu trữ, nhằm phục vụ nhu cầu khai thác và sử dụng cho nhiều người, nhiều chương trình khác nhau.

4. Định dạng file mềm thống nhất: là việc xử lý, chuẩn hóa các dữ liệu số để quản lý theo một định dạng thống nhất theo nhu cầu, mục đích sử dụng.

5. Đối tượng địa lý: là sự vật, hiện tượng trong thế giới thực hoặc sự mô tả đối tượng, hiện tượng không tồn tại trong thế giới thực tại vị trí địa lý xác định ở mặt đất, lòng đất, mặt nước, lòng nước, đáy nước, khoảng không.

6. Dữ liệu không gian địa lý: là dữ liệu về vị trí địa lý và thuộc tính của đối tượng địa lý.

7. GIS - Geographic Information System: là Hệ thống thông tin địa lý bao gồm hệ thống phần cứng, phần mềm máy tính, các dữ liệu địa lý và con người.

8. Internet:"một hệ thống thông tin toàn cầu” có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau.

[...]