Công văn 1214/LĐTBXH về thực hiện hợp đồng lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 1214/LĐTBXH
Ngày ban hành 15/04/2004
Ngày có hiệu lực 15/04/2004
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thành Tâm
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
----------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1214/LĐTBXH
Về thực hiện hợp đồng lao động

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 04 năm 2004

 

Kính gửi:

- Các Sở, Ban, Ngành, Tổng công ty trên địa bàn thành phố;
- Phòng Lao động - TBXH (Phòng VH-XH) quận, huyện;
- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố.

 

Căn cứ Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động; Thông tư hướng dẫn số 21/2003/ TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 44/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động và Công văn số 1319/UB-VX ngày 15/3/2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Thông tư số 20 và 21/2003/TT-BLĐTBXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn cụ thể một số nội dung về thực hiện hợp đồng lao động trên địa bàn thành phố như sau:

1. Về mẫu Hợp đồng lao động:

1.1. Đề nghị các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn thành phố thực hiện việc giao kết hợp đồng lao động theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hợp đồng lao động;

1.2. Mẫu hợp đồng doanh nghiệp có thể thiết kế và tự in ấn để sử dụng nhưng phải đảm bảo đầy đủ và đúng nội dung đã được hướng dẫn tại Thông tư nêu trên. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu hợp đồng lao động với số lượng ít (hoặc không nhất thiết phải in mẫu hợp đồng lao động), đề nghị doanh nghiệp có thể liên hệ Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (phòng Văn Hóa - Xã hội quận-huyện) nơi có phát hành hợp đồng lao động (theo mẫu số 1) để mua và sử dụng.

2. Về Mức lương hoặc tiền công trả cho người lao động được quy định tại Điều 3 của mẫu hợp đồng lao động là cơ sở để tính các khoản trợ cấp thôi việc, mất việc làm, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và những ngày nghỉ được hưởng lương được cụ thể như sau:

2.1. Đối với doanh nghiệp nhà nước: mức tiền lương theo cấp bậc công việc, chức vụ và các khoản phụ cấp như: phụ cấp khu vực, phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp lưu động, phụ cấp thu hút, phụ cấp độc hại nguy hiểm quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong doanh nghiệp;

2.2. Đối với doanh nghiệp thành lập theo luật doanh nghiệp, các hợp tác xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có sử dụng lao động (sau đây gọi chung là doanh nghiệp): mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động do hai bên thỏa thuận theo cấp bậc công việc đã xác định tại thang lương, bảng lương và các khoản phụ cấp mà doanh nghiệp tự xây dựng và đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố. Trừ các thỏa thuận khác quy định tại điều 3 của bản hợp đồng lao động;

2.3. Trường hợp doanh nghiệp áp dụng hình thức trả lương khoán, không phân biết cấp bậc công việc, tiền lương ngạch bậc, phụ cấp, thì đơn vị ghi rõ mức trả lương ngày, tuần, hoặc tháng. Xác định mức trả lương tháng để làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

3. Về các hợp đồng đã ký trước ngày ban hành Nghị định số 44/NĐ-CP và Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH:

Để thực hiện đúng quy định tại Điều 17 Chương IV của Nghị định số 44/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, cơ quan đơn vị có sử dụng lao động theo chế độ hợp đồng lao động cần thực hiện một số việc sau:

3.1. Rà soát các hợp đồng lao động còn hiệu lực, nếu điều khoản trong hợp đồng lao động không còn phù hợp với Bộ luật lao động đã sửa đổi, bổ sung thì phải điều chỉnh, bổ sung cho đến khi hợp đồng lao động hết hiệu lực thì giao kết lại hợp đồng lao động mới.

3.2. Trường hợp các điều khoản trong hợp đồng lao động có lợi cho người lao động, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện những nội dung đó cho đến khi hết thời gian hiệu lực của bản hợp đồng lao động. Sau đó giao kết hợp động lao động theo mẫu mới (mẫu số 1).

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị liên hệ Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) địa chỉ 159 Pasteur, quận 3, điện thoại 8243066 để được hướng dẫn thêm.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND/TP, Bộ LĐTBXH (để báo cáo);
- Sở Tư pháp TPHCM;
- Bảo hiểm Xã hội TPHCM;
- Lưu : VT, phòng LĐTLTC.

GIÁM ĐỐC




Lê Thành Tâm