Công văn 1187/UBDT-CSDT năm 2020 trả lời kiến nghị của cử tri, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về đề nghị bổ sung đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Ủy ban Dân tộc ban hành
Số hiệu | 1187/UBDT-CSDT |
Ngày ban hành | 16/09/2020 |
Ngày có hiệu lực | 16/09/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Uỷ ban Dân tộc |
Người ký | Đỗ Văn Chiến |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng,Bộ máy hành chính |
ỦY BAN DÂN TỘC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1187/UBDT-CSDT |
Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2020 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ủy ban Dân tộc nhận được văn bản số 6473/VPCP-QHĐ ngày 07/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thừa Thiên - Huế trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: “Đề nghị bổ sung đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội: bổ sung đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội: Mở rộng đối tượng vay vốn chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chương trình cho vay phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085/QĐ-TTg với đối tượng là hộ dân tộc thiểu số có mức sống trung bình; Mở rộng cho vay xuất khẩu lao động đối với lao động là thành viên thuộc hộ mới thoát nghèo”. Nội dung kiến nghị này thuộc thẩm quyền của các Bộ: Ủy ban Dân tộc; Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, cụ thể:
1. Về nội dung đề nghị bổ sung đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với chương trình cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085/QĐ-TTg với đối tượng là hộ dân tộc thiểu số có mức sống trung bình, Ủy ban dân tộc có ý kiến như sau:
Ngày 31/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2085/QĐ-TTg Phê duyệt chính sách đặc thù phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020. Đối tượng thụ hưởng chính sách này là các hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, được sự phân công của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đang tham mưu, xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự kiến Chương trình sẽ có nhiều nội dung hỗ trợ vay vốn tín dụng như vay vốn tạo đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, khởi nghiệp,... trên vùng dân tộc thiểu số và miền núi với đa dạng các đối tượng thụ hưởng. Do đó từ năm 2021,- các hộ dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có mức thu nhập trung bình sẽ tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính sách để sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp qua đó phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Về nội dung mở rộng đối tượng vay vốn chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau:
Ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, trong đó quy định các đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để hỗ trợ trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian học tại trường.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung đối tượng hưởng chính sách tín dụng (Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg ngày 2/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên Y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề); điều chỉnh mức cho vay quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg (Quyết định số 1656/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/11/2016 về việc điều chỉnh mức vay đối với học sinh, sinh viên).
Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung đánh giá chi tiết về định mức, đối tượng hỗ trợ, khả năng trả nợ của học sinh và đề xuất sửa đổi, bổ sung đối tượng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi chính sách nêu trên.
3. Về nội dung mở rộng cho vay xuất khẩu lao động đối với lao động là thành viên thuộc hộ mới thoát nghèo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tiếp thu kiến nghị cử tri, đồng thời sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Trên đây là ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Dân tộc xin gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế để Ủy ban Dân tộc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |