Công văn 11552/TCHQ-GSQL năm 2016 về tăng cường quản lý xe ô tô nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 11552/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 08/12/2016
Ngày có hiệu lực 08/12/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Vũ Ngọc Anh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11552/TCHQ-GSQL
V/v tăng cường quản lý xe ô tô nhập khẩu

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2016

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Thực hiện công văn số 16875/BTC-PC ngày 25/11/2016 của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu; liên quan đến các chỉ đạo về thủ tục hải quan, kiểm tra hải quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

1/ Về phạm vi áp dụng:

Việc tăng cường công tác quản lý theo chỉ đạo của Bộ Tài chính tại công văn số 16875/BTC-PC và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại công văn này được áp dụng đối trường hợp nhập khẩu, tạm nhập - tái xuất tất cả xe ô tô thuộc Chương 87 Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam (trừ xe ô tô nhập khẩu của đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao).

2/ Khai báo và kiểm tra xuất xứ:

- Khi làm thủ tục hải quan người khai hải quan phải khai báo thông tin (số, ngày, tháng, năm) Giấy chứng nhận xuất xứ (bao gồm C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) trên tờ khai hải quan, cơ quan hải quan yêu cầu người khai hải quan phải nộp Giấy chứng nhận xuất xứ tại thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan.

- Việc kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ thực hiện theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính và quy trình kiểm tra xác định xuất xứ ban hành kèm theo Quyết định số 4286/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2015 của Tổng cục Hải quan.

Đối với xe ô tô có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước có thỏa thuận về áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt với Việt Nam theo các Hiệp định thương mại FTAs mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, công chức hải quan thực hiện việc kiểm tra xuất xứ theo quy định tại từng Hiệp định tương ứng, Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Đối với các trường hợp nộp chứng t chứng nhận xuất xứ không thuộc trường hợp nêu trên, công chức hải quan kiểm tra đối chiếu các thông tin trên chứng từ chứng nhận xuất xứ với nội dung khai hải quan, các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan và thực tế hàng hóa nếu có nghi ngờ về tính trung thực của các chứng từ này thì báo cáo Lãnh đạo Chi cục tạm dừng thông quan, đồng thời có văn bản hoặc email trao đổi với nước cấp xuất xứ để xác minh nguồn gốc xe.

- Đối với các lô hàng xe ô tô đã thông quan trước ngày 28/11/2016, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện việc rà soát lại hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan, đối chiếu với Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp, tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu để xác định cụ thể nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

3/ Kiểm tra số VIN:

Kiểm tra đối chiếu các thông tin về số khung (số VIN), số máy của xe giữa nội dung khai hải quan với thông tin trong hồ sơ hải quan, Giấy đăng ký hoặc Giy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Khi kiểm tra số VIN cần lưu ý: Ký tự thứ nhất thể hiện nước sản xuất (Ví dụ: 1 hoặc 4 là Mỹ, 2 - Canada, J - Nhật Bản, K - Hàn Quốc, W - Đức,...); ký tự thứ 2 thể hiện hãng sản xuất (A - Audi, B - BWM, H - Honda, D - Mercedes, N - Nissan, T - Toyota,...); ký tự thứ 10 thể hiện năm sản xuất; ký tự thứ 11 thể hiện nơi lắp ráp xe;...

Trường hợp phát hiện số VIN có dấu hiệu tẩy xóa, mài mòn đóng mã số mới hoặc có nghi ngờ về nguồn gốc, xuất xứ của xe ô tô thì trao đổi với cơ quan đăng kiểm có liên quan hoặc trưng cầu giám định tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để xác minh cụ thể.

4/ Tăng cường quản lý xe ô tô kinh doanh tạm nhập - tái xuất:

- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ hải quan kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng ô tô làm thủ tục hải quan theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất, thực hiện công tác quản lý hải quan về thời hạn lưu giữ, địa điểm lưu giữ theo đúng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính và chính sách quản lý đối với mặt hàng ô tô kinh doanh tạm nhập tái xuất theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng khác liên quan tại khu vực cửa khẩu nhằm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển hàng hóa qua các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không, hai bên cánh gà cửa khẩu, các đường mòn, lối mở, khu vực địa bàn hoạt động hải quan.

- Không cho phép thay đổi cửa khẩu xuất hàng đã đăng ký với cơ quan hải quan khi làm thủ tục tái xuất.

Tổng cục Hải quan có ý kiến để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Trường hợp có vướng mắc phát sinh thì báo cáo về Tổng cục Hải quan (qua Cục GSQL về Hải quan) để tổng hợp, hướng dẫn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT. Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để báo cáo);
- TT. Vũ Thị Mai (để báo cáo);
- Vụ Pháp chế (BTC) (để phối hợp);
- L
ưu: VT, GSQL.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh