Công văn về việc hướng dẫn một số điểm khi giải quyết khiếu nại tố cáo ở các ngân hàng

Số hiệu 1148/NHNN-TTr
Ngày ban hành 21/09/2001
Ngày có hiệu lực 21/09/2001
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Trần Minh Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1148/NHNN-TTr
V/v:
hướng dẫn một số điểm khi giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các ngân hàng

Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2001

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng Vụ, Cục và các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.
- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.
- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng Nhà nước, Tổng Công ty vàng bạc đá quý.

 

Thực hiện Luật khiếu nại, tố cáo và Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 7/8/1999 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, tố cáo, ngày 19/12/2000 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Chỉ thị số 12/2000/CT-NHNN3 về tăng cường công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các Ngân hàng.

Để các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố), các Vụ, Cục và đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng Nhà nước, Tổng công ty vàng bạc đá quý thực hiện tốt các văn bản trên trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong ngành Ngân hàng có thẩm quyền, khi giải quyết khiếu nại, tố cáo lưu ý một số điểm sau đây:

I. VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO THEO PHÁP LUẬT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO:

1. Trách nhiệm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân của các Ngân hàng

1.1. Tại Điều 71 của Nghị định số 67/1999/NĐ-CP quy định: "khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các doanh nghiệp Nhà nước được áp dụng theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và Nghị định này".

Như vậy Ngân hàng Nhà nước (bao gồm các Vụ Cục, các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thành phố), các tổ chức tín dụng Nhà nước (gồm cả đơn vị trực thuộc), hệ thống Tổng Công ty vàng bạc đá quý (sau đây gọi chung là các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng) có nhiệm vụ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo luật khiếu nại, tố cáo.

1.2. Căn cứ quy định tại các Điều 21, 24, 25, 75, 76 Luật khiếu nại, tố cáo và các Điều 51, 52 Nghị định của Chính phủ số 67/1999/NĐ-CP, trách nhiệm tiếp công dân thuộc Ngân hàng Nhà nước, các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Văn phòng đại diện của Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước. Ở các đơn vị này phải có phòng tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật, Thủ trưởng đơn vị phải trực tiếp, tiếp công dân theo định kỳ và khi có yêu cầu khẩn cấp.

Đối với các tổ chức tín dụng Nhà nước và Tổng công ty vàng bạc, đá quý, nếu có công dân đến trụ sở ngân hàng để khiếu nại, đề nghị, phản ánh hoặc tố cáo thì phải ghi nhận và xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Phạm vi, đối tượng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cả các Ngân hàng:

2.1. Theo Điều 1 Luật khiếu nại, tố cáo, các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, quyết định kỷ luật cán bộ công chức có thể bị khiếu nại.

Các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng khi xem xét đơn phải phân loại chính xác để giải quyết đơn theo đúng quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

2.2. Căn cứ Điều 71 Nghị định của Chính phủ số 67/1999/NĐ-CP, các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng không giải quyết theo Luật khiếu nại, tố cáo đối với các khiếu nại liên quan đến việc thực hiện hợp đồng lao động; các khiếu nại quyết định hành chính trong hoạt động quản lý, điều hành của cấp trên đối với cấp dưới theo thứ bậc hành chính.

2.3. Đối với các đơn thư không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật khiếu nại, tố cáo như đơn thư mà nội dung phản ánh các tranh chấp hợp đồng lao động, hợp đồng tín dụng, hợp đồng nhận tiền gửi, các hợp đồng cam kết về bảo lãnh, hợp đồng thế chấp tài sản khi vay vốn..., các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng phải căn cứ các quy định pháp luật có liên quan như Luật Lao động, Luật dân sự... để giải quyết các đơn thư trên.

Đối với các tổ chức tín dụng khi có phát sinh đơn thư mà nội dung phản ánh khiếu nại liên quan đến tranh chấp các hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự và hợp đồng lao động thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về các tổ chức tín dụng phải có nghĩa vụ chứng minh, giải thích đối với người có đơn thư này với tư cách là một chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng về quyền và nghĩa vụ; trường hợp không đi đến thống nhất thì có thể khởi kiện ra Toà án theo quy định của pháp luật.

Một số trường hợp Chi nhánh tổ chức tín dụng Nhà nước áp dụng pháp luật khiếu nại, tố cáo, đơn phương áp đặt ý chí một bên để ra quyết định giải quyết các đơn thư nêu trên là không đúng với các quy định của pháp luật.

3. Về thẩm quyền giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các Ngân hàng:

3.1. Về khiếu nại:

Đối với khiếu nại lần đầu, thẩm quyền giải quyết thuộc Thủ trưởng đơn vị, nơi phát sinh quyết định hành chính, hành vi hành chính trực tiếp xâm hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định này, tiếp tục khiếu nại thì Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết phải giải quyết.

3.2. Về tố cáo:

3.2.1. Căn cứ Điều 59 Luật khiếu nại, tố cáo, đơn tố cáo các chức danh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, thẩm quyền giải quyết thuộc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Các chức danh khác do Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước và các cấp lãnh đạo tổ chức tín dụng Nhà nước, Tổng công ty vàng bạc đá quý giải quyết.

3.2.2. Căn cứ Điều 60 Luật khiếu nại, tố cáo, đơn tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động Ngân hàng, thẩm quyền giải quyết như sau:

a. Tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động Ngân hàng của cán bộ, nhân viên hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý của các tổ chức tín dụng Nhà nước, Tổng công ty Vàng bạc đá quý thì giải quyết như đã nêu tại tiết 3.2.1 trên đây.

b. Các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động Ngân hàng của các tổ chức tín dụng khác, các tổ chức khác có hoạt động Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước các cấp giải quyết theo phân cấp uỷ quyền. Cụ thể như sau:

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải quyết các đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng của Thủ trưởng các Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng liên doanh, Công ty Tài chính cổ phần, liên doanh, Công ty cho thuê Tài chính (các công ty do tổ chức tín dụng Nhà nước thành lập có tư cách pháp nhân thuộc trách nhiệm tổ chức tín dụng Nhà nước giải quyết), Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.

- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có thẩm quyền giải quyết các đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng của Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc các Ngân hàng thương mại cổ phần, Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, cơ sở; Trưởng Văn phòng đại diện của các Ngân hàng nước ngoài; đơn tố cáo các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động Ngân hàng của các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng; các trường hợp khác khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền.

- Trong trường hợp cần thiết, để việc giải quyết đơn thư tố cáo trên đây có hiệu quả, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có thể ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra nội dung vụ việc tố cáo để xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

[...]