Công văn 1073/BTTTT-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hậu Giang gửi tới sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Số hiệu | 1073/BTTTT-VP |
Ngày ban hành | 25/03/2024 |
Ngày có hiệu lực | 25/03/2024 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Thông tin và Truyền thông |
Người ký | Nguyễn Mạnh Hùng |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính |
BỘ THÔNG TIN VÀ
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1073/BTTTT-VP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hậu Giang do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 840/VPCP-QHĐP ngày 02/02/2024 về việc chuyển kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nội dung kiến nghị như sau:
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm có cơ chế kiểm soát và có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng mua, bán sim điện thoại và tài khoản ngân hàng cá nhân nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; hành vi đánh bạc, cá cược trái phép trên mạng gây mất an ninh - trật tự, ảnh hưởng rất lớn đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm...
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
1. Đối với việc ngăn chặn triệt để tình trạng mua, bán sim điện thoại
Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã triển khai các giải pháp như:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn, 50.000 thuê bao lừa đảo.
- Năm 2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và 10 triệu thuê bao thuộc tập sử dụng 01 giấy tờ tùy thân để đứng tên hơn 10 SIM/01 giấy tờ, góp phần ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
- Ngày 24/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), các điều, khoản trong Luật đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.
- Bộ TTTT cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định xử phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Bổ sung hình thức xử phạt là đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 01 tháng đến 12 tháng nếu thực hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Đây hình thức xử phạt rất nặng, nghiêm minh đối với các doanh nghiệp viễn thông.
- Vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156 và website: thongbaorac.ais.gov.vn.
- Năm 2023, Bộ TTTT đã tổ chức 82 Đoàn thanh tra do Bộ và các Sở TTTT thành lập tiến hành thanh tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao trên địa bàn cả nước đối với 08 doanh nghiệp viễn thông di động; chi nhánh, Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; các tổ chức/cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM bất thường, hiện nay đang hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra xử lý vi phạm.
- Tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về quản lý thông tin thuê bao, pháp luật; quy định về xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông để người dân biết, thực hiện.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp sau:
- Triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM; phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định chính chủ.
- Chỉ đạo các nhà mạng khóa 02 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về việc sử dụng sim rác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
2. Đối với việc ngăn chặn triệt để tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng1
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với Bộ Công an và Bộ TTTT và các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng mua, bán, mở và sử dụng tài khoản thanh toán (TKTT) cho các mục đích bất hợp pháp. Một số biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước đã triển khai liên quan đến tài khoản ngân hàng cụ thể như sau:
- Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng: (i) Tăng cường phòng, chống, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán, trong đó yêu cầu kiểm tra, đối chiếu đảm bảo việc sử dụng TKTT được thực hiện bởi chính chủ TKTT hoặc người được ủy quyền hợp pháp; (ii) Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động ngân hàng, trong đó, yêu cầu xây dựng kế hoạch làm sạch dữ liệu khách hàng cá nhân thông qua đối chiếu, xác thực dữ liệu khách hàng với nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC), dữ liệu căn cước công dân (CCCD) và triển khai các giải pháp rà soát, đối chiếu thông tin CCCD với chứng minh nhân dân của khách hàng để làm sạch dữ liệu khách hàng, góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ giả mạo giấy tờ tùy thân mở TKTT.
Ngay đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó có nội dung về chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2024.
- Thường xuyên nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán:
+ Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan mở và sử dụng TKTT theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng mở và sử dụng TKTT;
+ Ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (hiệu lực từ 01/7/2024). Trong đó, quy định yêu cầu đối chiếu xác thực sinh trắc học khách hàng với dữ liệu căn cước công dân gắn chip, tài khoản VNeID... theo các hạn mức giao dịch quy định nhằm hạn chế việc sử dụng TKTT không chính chủ. Việc triển khai Quyết định này sẽ góp phần phòng chống tội phạm lợi dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ để nhận, chuyển tiền lừa đảo, bảo đảm an toàn cho hoạt động giao dịch thanh toán trực tuyến.
- Tích cực phối hợp với các Bộ liên quan triển khai một số nội dung: (i) Phối hợp với Bộ Công an ban hành Kế hoạch phối hợp về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, trong đó có nội dung về kết nối, khai thác CSDLQGvDC làm sạch dữ liệu khách hàng và xác minh thông tin nhận biết khách hàng; thực hiện kiểm tra hoạt động mở, sử dụng TKTT tại một số ngân hàng; (ii) Phối hợp với Bộ TTTT để trao đổi về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động; triển khai công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục tài chính, góp phần phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán an toàn.
Ngoài ra, để ngăn chặn hành vi đánh bạc, cá cược trái phép trên mạng gây mất an ninh, trật tự, Bộ Công an đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh như sau2: