Công văn 1067/BKHĐT-TH phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 1067/BKHĐT-TH
Ngày ban hành 07/02/2024
Ngày có hiệu lực 07/02/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Trần Quốc Phương
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1067/BKHĐT-TH
V/v phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 44 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công[1], thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:

I. VỀ VIỆC PHÂN BỔ, GIẢI NGÂN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (NSNN) NĂM 2024:

- Phân bổ và giao chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao[2] bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, các Nghị quyết của Quốc hội và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ[3], thực hiện cập nhật phương án phân bổ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo quy định (gửi bằng văn bản đối với các nhiệm vụ, dự án có tính chất mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước)[4].

- Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân; Nghiên cứu, tham mưu quản lý, điều hành, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024, xác định vốn đầu tư công là vốn mồi, đóng vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW) và vốn ngân sách địa phương (NSĐP), đồng thời tích cực huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Tích cực thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

- Hoàn thành thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả các khoản vốn ứng trước chưa thu hồi; Tập trung thực hiện tốt các dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành; Khởi công mới một số dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đối với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ. Các cuộc kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu, chất lượng, giúp phát hiện sớm và đầy đủ các khó khăn, vướng mắc để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường tư vấn, giám sát độc lập, trong đó có giám sát cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng công trình.

- Rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án, bảo đảm phù hợp với thực tế, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

- Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; Xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án; Phân công Lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; Kết quả giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án được phân công theo dõi là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, các ngành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 người đứng đầu.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức; cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

- Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về đầu tư công theo quy định; chú trọng nâng cao chất lượng thông tin, báo cáo, phải đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

- Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo phân công có phương án bảo đảm vật liệu xây dựng (đất, đá, cát...) đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các dự án giao thông quan trọng quốc gia, có tính liên vùng; hướng dẫn các bộ, địa phương về quy trình cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, sỏi, cát biển cho dự án đầu tư công bảo đảm nhanh, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật Thường xuyên theo dõi bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu chủ yếu phục vụ dự án đầu tư công, đề xuất các giải pháp để bảo đảm cung cầu hàng hóa, giá cả vật liệu xây dựng.

- Thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thực hiện thủ tục chuyển nguồn số vốn được kéo dài của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sang năm 2024 theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Thủ tục giải ngân, thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các dự án thuộc Chương trình thực hiện theo quy định của tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ.

II. ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ VỐN NSTW NĂM 2024:

1. Đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh đối với số vốn thuộc kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án:

- Báo cáo kết quả phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 cho từng nhiệm vụ, dự án đến hết ngày 26/02/2024, trong đó cụ thể số vốn giao đến hết ngày 31/12/2023, số vốn giao sau ngày 31/12/2023, số vốn kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 còn lại chưa thực hiện phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án.

- Làm rõ nguyên nhân đến nay chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024; khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm của từng cấp, tổ chức, cá nhân trong việc chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 được giao.

- Đề xuất phương án xử lý đối với số vốn kế hoạch đầu tư nguồn NSTW năm 2024 còn lại chưa phân bổ. Trường hợp đề xuất điều chính giảm vốn kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có trách nhiệm triển khai thực hiện và giải ngân trong phạm vi số vốn kế hoạch còn lại, chịu trách nhiệm toàn diện trong trường hợp điều chỉnh giảm dẫn đến kéo dài dự án, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư của dự án.

2. Đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024:

Rà soát, đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 cho các nhiệm vụ, dự án phải đủ thủ tục đầu tư để bố trí kế hoạch vốn hằng năm theo quy định, cụ thể như sau:

- Thanh toán nợ đọng xây dựng, thu hồi vốn ứng trước (đối với các nhiệm vụ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước).

- Các nhiệm vụ, dự án hoàn thành trong năm 2023, năm 2024 nhưng chưa được bố trí đủ vốn.

- Dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án kết nối, liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

- Nhiệm vụ, dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành để đưa vào hoạt động.

- Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến triển khai trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 (nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025).

- Mức vốn NSTW bổ sung cho dự án không vượt quá số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao trừ đi số vốn đã giải ngân trong năm 2021, năm 2022, năm 2023 và số vốn đã bố trí trong năm 2024 của dự án (nếu có).

- Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải cam kết giải ngân toàn bộ số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được giao (kể cả phần vốn kế hoạch được giao bổ sung).

[...]